MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận quý I/2011: Chưa có bất ngờ

Khoảng 30/ 600 DN niêm yết công bố KQKD quí 1/2011. Theo TBKTSG, nguồn tin từ SSI cho biết ước quí này SSI lỗ chừng 120 tỉ đồng, VNDirect cũng lỗ mặc dù số cụ thể chưa xác định được.

Hai tuần tới sẽ là thời điểm lợi nhuận quí được báo cáo cấp tập. Giới đầu tư phỏng đoán mức tăng trưởng lợi nhuận chung sẽ khó khả quan trong điều kiện lãi suất cao. Trước mắt chưa thấy bất ngờ nào đáng chú ý.

Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) là đơn vị đầu tiên của ngành chứng khoán đưa ra số liệu lợi nhuận trước thuế quí 1 đạt 51 tỉ đồng. So với chỉ tiêu 237 tỉ đồng cả năm, mức trên rõ ràng không tồi và nó đáng được ghi nhận trong bối cảnh hàng loạt công ty chứng khoán thua lỗ, kể cả Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI).

Nguồn tin từ SSI cho biết ước quí này SSI lỗ chừng 120 tỉ đồng. Công ty Chứng khoán VNDirect (VND-HNX) cũng lỗ mặc dù số cụ thể chưa xác định được. Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS-HNX) có lợi nhuận không nhiều nhờ lãi tiền gửi ngân hàng, nhưng vẫn tiếp tục lỗ trong mảng môi giới do chi phí cao mà doanh thu môi giới không đủ bù chi. Những công ty hoạt động tự doanh càng nhiều thì lỗ càng cao vì phải trích lập dự phòng giảm giá cổ phiếu.

Trong nhóm cổ phiếu dầu khí, bốn blue-chips của ngành đã nhanh chóng công khai lợi nhuận đến cổ đông. Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) ước đạt 200 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế ba tháng đầu năm; Tổng công ty Tài chính dầu khí (PVF) là 194 tỉ đồng; Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí (PET) ước 50 tỉ đồng; Công ty Phân phối khí thấp áp dầu khí (PGD) đạt 88 tỉ đồng, tăng 145% so với cùng kỳ năm ngoái. PGD và PXS (Công ty Kết cấu kim loại và Lắp máy dầu khí) là hai đơn vị có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao. Riêng PXS, quí 1 có lợi nhuận 31 tỉ đồng, sau khi có mức tăng trưởng vượt bậc vào quí 4-2010.

Đáng quan tâm nhất trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu là lợi nhuận của ngành cao su. Cả bốn đơn vị trên HOSE đều đã đưa ra lợi nhuận quí với mức tăng trưởng mà từ trước đến nay cổ đông không dám mơ ước tới. Cao su Hòa Bình ước lợi nhuận trước thuế 48 tỉ đồng; Cao su Đồng Phú (DPR) 157 tỉ đồng; Cao su Phước Hòa (PHR) 254 tỉ đồng; Cao su Tây Ninh (TRC) 75,5 tỉ đồng. Theo chu kỳ, quí 1 không phải là mùa khai thác và xuất khẩu chính của cao su, mà lợi nhuận của các công ty đã cao như vậy, thì dự báo lợi nhuận cả năm của một số công ty có thể bằng vốn điều lệ (Cao su Tây Ninh dự kiến lợi nhuận năm 334 tỉ trên vốn điều lệ 300 tỉ đồng).

Giá cao su thế giới đang ở mức cao nhất trong vòng năm năm qua là nguyên nhân chính hỗ trợ lợi nhuận ngành cao su, chưa kể việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái vừa qua đã làm doanh thu xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng mạnh. Giá bán cao su bình quân quí của Công ty Đồng Phú gần tới 100 triệu đồng/tấn, của Công ty Phước Hòa gần 96 triệu đồng/tấn. Nhờ lợi nhuận, giá cổ phiếu cao su đã đi ngược thị trường so với biến động của VN-Index, song thanh khoản rất thấp do được các tổ chức đầu tư giá trị nắm giữ số lượng lớn.

Cùng tăng mạnh như giá cao su là giá cà phê nhưng xem ra lợi nhuận của các doanh nghiệp cà phê chưa được như mong muốn. Một phần là do các công ty cà phê niêm yết như Cà phê An Giang (AGC) và tập đoàn Thái Hòa (TVH) đầu tư dàn trải, khấu hao lớn, phần khác là việc cạnh tranh mua cà phê hạt quyết liệt giữa các nhà xuất khẩu. TVH công bố doanh thu xuất khẩu quí đạt 27 triệu đô la Mỹ, nhưng chưa đi kèm lợi nhuận quí.

Trong ngành sản xuất đường mới có Công ty Mía đường Bourbon Tây Ninh (SBT) thông báo lợi nhuận 198 tỉ đồng, bằng 50% chỉ tiêu năm. Đây có lẽ là quí mà SBT có lợi nhuận khả quan nhất kể từ khi niêm yết. Giá đường tăng cao trong quí 4 năm ngoái và trước Tết Nguyên đán đã giúp SBT tiêu thụ được sản lượng đáng kể, góp phần nâng lợi nhuận. Tuy nhiên, thuận lợi của ngành mía đường có thể không kéo dài khi các công ty đang tồn kho tới 400.000 tấn đường. Ngoài ra, nguyên liệu (mía cây) vẫn là một vấn đề nan giải của các nhà máy đường.

Các cổ phiếu thủy hải sản đang nằm trong vùng đáy và khó có thể giảm hơn được nữa do nhà đầu tư không còn muốn bán ra. Một số công ty xuất khẩu cá, tôm, nghêu đã đăng ký mua một lượng tương đối cổ phiếu quỹ. Song xét dưới góc độ hiệu quả kinh doanh, các đơn vị thủy sản chưa có được mức lợi nhuận hấp dẫn trong quí 1. Công ty Thủy sản Minh Phú (MPC) báo cáo kim ngạch xuất khẩu quí 1 lên tới 55,8 triệu đô la Mỹ, trong đó chủ yếu là tôm và đặt lợi nhuận sau thuế cả năm 615 tỉ đồng nhưng chưa có số liệu lợi nhuận ba tháng đầu năm. Công ty Thực phẩm Sao Ta (FMC) lãi trước thuế chỉ 4 tỉ đồng trong quí 1 do giá tôm nguyên liệu tăng cao và mùa tôm khởi đầu không mấy thuận lợi.

Lợi nhuận của các công ty bất động sản đang được thị trường trông đợi bởi đây là nhóm cổ phiếu chủ lực và thuộc nhóm dẫn dắt VN-Index. Nhưng các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng dường như không mấy sốt sắng trong việc này. Công ty cổ phần Licogi 16 (LCG) sớm ước lợi nhuận quí 1 là 70 tỉ đồng và kế hoạch chia cổ tức 70%, trong đó 20% bằng tiền, của năm 2010. Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Xây dựng Sông Hồng (ICG) ước lợi nhuận quí 1 là 15 tỉ đồng. ICG vừa tăng vốn điều lệ lên 200 tỉ đồng, nhưng có tới 243 tỉ đồng tiền mặt gửi ngân hàng - một ưu thế về vốn trong khi không ít công ty bất động sản đang phải lo gia hạn hợp đồng tín dụng.

Theo Lưu Hảo
TBKTSG

phuongmai

Trở lên trên