MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Luật và "lệ"

Lẽ thường luật luôn được ưu tiên áp dụng hơn lệ, nhưng thực tế có những trường hợp mà lệ có hiệu lực hơn luật.

Trước tiên, xin nói rõ với độc giả “lệ” được đề cập đến trong bài này là Điều lệ của công ty cổ phần được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2014 (bao gồm cả công ty đại chúng và công ty không đại chúng), không phải là lệ làng hoặc thông lệ giao dịch kinh doanh hay những thủ tục được đặt ra nhằm ”hành” doanh nghiệp. Lẽ thường luật luôn được ưu tiên áp dụng hơn lệ, nhưng thực tế có những trường hợp mà lệ có hiệu lực hơn luật.

Mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2016 bắt đầu bằng những tranh luận về việc sửa Điều lệ của các công ty cổ phần đang có cổ phiếu niêm yết trên hai Sở giao dịch chứng khoán.

25/3/2016, CTCP Container Việt Nam (Viconship, mã VSC-HoSE) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016. Đại hội đã thông qua việc sửa Điều lệ công ty theo Luật Doanh nghiệp 2014 và ngay sau đó thông qua nội dung tổ chức lại các chi nhánh với tỉ lệ biểu quyết thông qua chỉ có 53,97% tổng số cổ phần của cổ đông tham dự họp.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của CTCP Traphaco (HOSE: TRA ) vừa mới diễn ra sáng 30/03, tờ trình sửa đổi điều lệ đã bất ngờ bị SCIC phản đối.

Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015 và đến nay các công ty cổ phần đều lục tục chỉnh sửa Điều lệ của mình cho phù hợp với những thay đổi của luật này, trong đó điểm gây tranh cãi nhiều nhất là điều chỉnh các tỉ lệ tối thiểu để tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, thông qua Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Bảng dưới đây so sánh các tỉ lệ này thay đổi theo thời gian để độc giả tiện theo dõi:

(*) tính trên tổng số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành;

(**) tính trên tổng số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự họp.

Như vậy có thể thấy rằng Luật Doanh nghiệp 2014 đã hạ các tỉ lệ tối thiểu cần thiết để tổ chức một cuộc họp ĐHĐCĐ và thông qua các Nghị quyết của ĐHĐCĐ, giúp cho một cuộc họp ĐHĐCĐ có thể được tổ chức dễ dàng hơn với ít lượng cổ phần tham dự hơn và các NQ của ĐHĐCĐ cũng có thể được thông qua với số phiếu biểu quyết tán thành ít hơn. Điều này sẽ làm giảm ảnh hưởng của các cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ trên 36% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty vì trước đây họ có thể phủ quyết các NQ của ĐHĐCĐ. Ngược lại, các nhóm cổ đông nắm giữ 51% cổ phần của công ty có thể có ảnh hưởng lớn hơn đến việc họp và ra NQ của ĐHĐCĐ

Câu hỏi đặt ra là nếu Điều lệ công ty cổ phần đã quy định các tỉ lệ họp, biểu quyết theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 là 65%, 65% và 75% tương ứng và Đại hội lần này không thông qua việc sửa Điều lệ thì tỉ lệ nào sẽ được áp dụng?

Câu trả lời có sẵn trong Luật Doanh nghiệp 2014. Khoản 1 Điều 141 và khoản 1, 2 Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:

Điều 141. Điều kiện tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông

1. Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.”

Điều 144. Điều kiện để nghị quyết được thông qua

1. Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định:

2. Các nghị quyết khác được thông qua khi được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Như vậy, Luật Doanh nghiệp cho phép Điều lệ công ty quy định tỉ lệ họp, thông qua NQ của ĐHĐCĐ khác với các tỉ lệ 51%, 51% và 65% tương ứng. Căn cứ quy định này thì nếu Điều lệ công ty cổ phần quy định các tỉ lệ họp 65%, thông qua NQ ĐHĐCĐ tương ứng là 65% và 75% như đa số Điều lệ của các công ty cổ phần hiện nay đang quy định và chưa sửa Điều lệ thì phải áp dụng các tỉ lệ theo quy định của Điều lệ. Công ty cổ phần không thể đương nhiên áp dụng các tỉ lệ họp và thông qua Nghị quyết của ĐHĐCĐ của Luật Doanh nghiệp 2014 mà không chỉnh sửa Điều lệ của mình tương ứng.

Trong trường hợp này, “lệ” được ưu tiên áp dụng hơn luật bởi vì chính luật đã cho phép “lệ” có quy định khác đi.

Thực tế Điều lệ công ty luôn được coi là bộ luật riêng của công ty và được ưu tiên áp dụng vì bản chất Điều lệ là thỏa thuận giữa các cổ đông trong việc tổ chức, vận hành công ty của mình. Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các cổ đông và để cho cổ đông được quyền tự quyết phù hợp với đặc thù, mong muốn của họ.

Tinh thần này được thể hiện rõ trong nội dung của Luật Doanh nghiệp 2014, không ít quy định của luật này có cho phép “tỉ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định” hoặc “hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty,” “Các quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty,” “Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty”…

Cổ đông phải làm gì để bảo vệ “lệ” của mình? Điều 147 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp vi phạm về nội dung và thủ tục họp và thông qua Nghị quyết sau đây:

1. Trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 148 của Luật này;

2. Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.

Theo Triệu Kim

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên