MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Managing Partner KPMG: “Mỏ vàng lớn thường không nằm lộ thiên”

Nhìn vào một năm cụ thể, chính sách kế toán có thể quyết định lợi nhuận công ty “èo uột”, “ổn định”, hay “lãi khủng”.

Tới thời điểm này, gần 1.000 công ty đại chúng đã và đang công bố BCTC kiểm toán năm 2012. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Chong Kwang Puay (KP Chong), Phó Tổng Giám đốc, phụ trách dịch vụ Kiểm toán – Công ty KPMG Việt Nam về một số điểm nhà đầu tư cần lưu ý khi nghiên cứu doanh nghiệp thông qua BCTC.

Chào ông, nhiều người quan niệm số liệu về tài chính phải chính xác tuyệt đối như một cộng một phải bằng hai?

Ông KP Chong: Phần lớn số liệu tài chính được yêu cầu chính xác đến tuyệt đối dựa trên các chứng từ gốc như hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chuyển tiền … Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có được một con số chính xác để ghi nhận vào sổ sách kế toán.

Ví dụ như một công ty bị phát hiện xả thải ra môi trường trong năm vừa rồi và tương đối chắc chắn họ sẽ phải nộp phạt hoặc bỏ chi phí lớn để bồi thường cho người dân trong vùng. Nhưng có thể do án phạt chưa ban hành, hoặc công ty đang khiếu nại lên cấp cao hơn, hoặc chưa dàn xếp xong với người dân trong vùng, nên không thể biết chắc chắn chi phí là bao nhiêu. Dù vậy, chuẩn mực kế toán vẫn yêu cầu công ty trích lập dự phòng ngay trong kỳ.

Ông Chong Kwang Puay làm việc tại Việt Nam từ năm 1999 và lãnh đạo bộ phận kiểm toán của KPMG từ năm 2012. Ông đã cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn cho nhiều công ty trong các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng, công nghiệp và tài nguyên thiên nhiên.

Trong trường hợp ấy cả kế toán công ty và đơn vị kiểm toán phải dùng đến ước tính kế toán để xác định giá trị khoản dự phòng.

Liệu ước tính như thế có chính xác không, thưa ông?

Ông KP Chong: Ước tính kế toán phải có cơ sở, ví dụ như mức phạt theo quy định hiện hành hay tiền lệ giải quyết các vụ việc tương tự chẳng hạn. Tuy vậy, do đây là đánh giá chủ quan, nên có nhiều trường hợp ước tính của công ty và đơn vị kiểm toán khác nhau.

Ví dụ như công ty tin rằng mình chỉ bị phạt không đáng kể, thậm chí không bị phạt, trong khi đơn vị kiểm toán cho rằng lỗi này sẽ bị phạt rất nặng chẳng hạn. Có trường hợp, kế toán công ty không biết trường hợp đó phải trích lập dự phòng, hoặc biết nhưng không trích.

Đó là một trong những nguyên nhân khiến BCTC do công ty lập ban đầu có thể chênh lệch với BCTC sau khi được kiểm toán.

Vì là ước tính, nên nhà đầu tư cũng có thể có đánh giá của riêng mình. Để hỗ trợ cho đánh giá của nhà đầu tư, một BCTC đã kiểm toán tốt sẽ có thuyết minh rõ ràng phương pháp công ty đưa ra giá trị ước tính. Tôi biết nhiều nhà đầu tư thường không lưu tâm tới phần “Tóm tắt các chính sách kế toán chủ yếu”, nhưng đó thực sự là một phần rất quan trọng!

Với nhiều nhà đầu tư thì đó là một phần quá nhiều chữ, nhàm chán và khó hiểu …

Ông KP Chong: Mỏ vàng lớn thường không nằm lộ thiên (cười). Số liệu doanh thu và lợi nhuận chỉ có ý nghĩa tương đối nếu ta không hiểu chúng được ghi nhận theo cách nào. Nhà đầu tư nên lưu ý chuẩn mực kế toán có thể cho phép nhiều cách ghi nhận doanh thu và chi phí khác nhau trong một số trường hợp, nên nếu bạn so sánh KQKD của hai công ty có chính sách kế toán khác nhau thì nhiều khả năng sẽ đi đến kết luận sai lầm.

"...không phải trường hợp nào cũng có được một con số chính xác để ghi nhận vào sổ sách kế toán."

Điều đó không có nghĩa công ty có thể thoải mái ghi nhận doanh thu, chi phí bao nhiêu tùy thích, vì nếu thay đổi chính sách kế toán, công ty sẽ phải điều chỉnh hồi tố lại số liệu của các kỳ trước. Về mặt quan hệ công chúng mà nói, việc điều chỉnh này rất tiêu cực nếu không có lý do chính đáng. Nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi về chất lượng quản trị và tính minh bạch của công ty.

Dù sao đi nữa, nếu nhà đầu tư không biết công ty ghi nhận doanh thu, chi phí thế nào, thì rất dễ có nhận định sai lầm.

Nhưng tôi thấy phần lớn các báo cáo kiểm toán đều có chính sách kế toán giống hệt nhau?

Ông KP Chong: Đúng là có nhiều phần giống nhau, nhưng không hề giống hệt, và những điểm khác nhau giữa chúng thực ra lại vô cùng ý nghĩa và nói lên rất nhiều điều về công ty.

Tiếp chuyện ghi nhận doanh thu, tôi lấy ví dụ như công ty đầu tư phát triển căn hộ chung cư để bán có hai cách ghi nhận doanh thu sau khi người mua đã nộp tiền. Thứ nhất là ghi nhận theo tiến độ hoàn thành công trình, và thứ hai là chỉ ghi nhận khi đã bàn giao nhà cho người mua.

Cách thứ nhất giúp công ty ghi nhận doanh thu lợi nhuận ngay còn trong cách thứ hai, họ phải đợi tới khi bàn giao sản phẩm. Rõ ràng có ghi nhận thế nào thì cũng chỉ phản ánh một thực thể duy nhất mà thôi.

"...nếu chỉ nhìn vào một năm cụ thể, chính sách kế toán có thể quyết định lợi nhuận công ty trên “èo uột”, “ổn định”, hay “lãi khủng”."

Nhưng nếu chọn cách thứ nhất, công ty sẽ có doanh thu lợi nhuận đều đều trong khi quyền sở hữu căn hộ vẫn chưa chuyển giao cho khách và bản thân bất động sản lại có thể đã được thế chấp với ngân hàng để công ty vay vốn. Còn nếu theo cách thứ hai, nhà đầu tư sẽ thấy một con số hàng tồn kho và chi phí xây dựng cơ bản dở dang khổng lồ, doanh thu lợi nhuận thấp trong khi cái thực sự chờ đợi là một năm lãi cực lớn khi công ty hoàn thành dự án và bàn giao nhà cho khách hàng. Nhưng sau năm “đại thắng” này, có thể công ty sẽ trở về với thời kỳ doanh thu thấp nếu không có dự án gối đầu nào.

Thực sự thì nếu chỉ nhìn vào một năm cụ thể, chính sách kế toán có thể quyết định lợi nhuận công ty trên “èo uột”, “ổn định”, hay “lãi khủng”. Thế nên nếu lấy kết quả kinh doanh đó mà so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành và làm cơ sở cho quyết định đầu tư trong khi các doanh nghiệp không áp dụng chính sách kế toán giống nhau, thì không thể có quyết định chính xác được.

Xin cám ơn ông!

Minh Tuấn

tuannm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên