MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Margin: Không nên bó chặt vào một tỷ lệ

Tỷ lệ cho vay dự kiến 30% giá trị giao dịch là quá thận trọng và chưa thực sự phản ánh đúng bản chất của giao dịch ký quỹ.

Ngày 9/6, UBCK công bố dự thảo Quy chế hướng dẫn giao dịch mua ký quỹ chứng khoán (margin). Trái với những quy định rất “gắt” trong dự thảo lấy ý kiến trước đó, dự thảo hiện tại khá “thoáng”, ngoại trừ quy định về tỷ lệ ký quỹ của NĐT thì được chốt chặt vào mức tối thiểu 70%.

Theo dự thảo mới, điều kiện để một CTCK triển khai nghiệp vụ giao dịch ký quỹ gần như giữ nguyên so với dự thảo cũ, trong đó CTCK phải có vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định quy định cho các nghiệp vụ đã được cấp phép. Tuy nhiên, điểm mở hơn cho phạm vi các CTCK được triển khai nghiệp vụ này là tất cả CTCK đã hoạt động nghiệp vụ môi giới ít nhất 1 năm, thay vì quy định cũ phải hoạt động thêm cả nghiệp vụ tự doanh.

Về dư nợ cho vay, CTCK được phép cho vay tới 200% vốn chủ sở hữu, thay vì tỷ lệ 100% như dự thảo trước. Hạn mức cho vay của CTCK với một khách hàng cũng tăng lên mức 3%, thay vì 1% vốn chủ sở hữu.

Dù vậy, điều đáng nói nhất và có lẽ sẽ phát sinh nhiều vướng mắc cho quá trình triển khai của CTCK khi tuân thủ văn bản này nằm ở mức lãi suất cho vay. Khoản 1 Điều 17 dự thảo Quy chế quy định: “Lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa CTCK và khách hàng, nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố”. Điều này có nghĩa là, nếu nghiêm túc triển khai thì rất có thể các CTCK sẽ không dám triển khai nghiệp vụ margin ngay đầu tháng 8, khi lãi suất trần cho vay theo quy định này là 13,5%/năm (do lãi suất cơ bản Ngân hàng Nhà nước công bố là 9%/năm), trong khi lãi suất cho vay thực tế hiện phổ biến trên 23%/năm.

Về quy định loại chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ, trái ngược với quy định chặt chẽ trong dự thảo trước, dự thảo Quy chế lần này đưa ra điều kiện là chứng khoán đã niêm yết ít nhất 6 tháng trên Sở GDCK, giá trị sổ sách không thấp hơn mệnh giá, không thuộc dạng hạn chế chuyển nhượng hay trong tình trạng giao dịch đặc biệt và các căn cứ so sánh tương đối như thanh khoản, mức biến động giá so với các mã chứng khoán khác. Cụ thể, tỷ lệ giữa giá trị giao dịch 3 tháng trên giá trị vốn hóa thị trường không vượt quá 10 lần hoặc thấp hơn 1/10 giá trị bình quân tỷ lệ này của tất cả các chứng khoán niêm yết tại cùng Sở giao dịch. Bên cạnh đó, giá trị bình quân của mức biến động giá trong khoảng thời gian mẫu (3 tháng trước ngày xem xét) không được vượt quá 150% giá trị trung bình của các cổ phiếu cùng ngành cùng niêm yết tại Sở và không vượt quá 150% giá trị bình quân mức chênh lệch giá cao thấp của tất cả các chứng khoán cùng niêm yết trên Sở. Định kỳ tháng 4 và tháng 8, CTCK phải công bố danh sách các chứng khoán mà mình nhận tài trợ giao dịch ký quỹ.

Với quy định mới này, rất nhiều mã chứng khoán sẽ nằm trong danh sách được phép giao dịch ký quỹ, trong khi với quy định cũ, không ít cổ phiếu được coi là blue-chip như REE, SSI, ACB, CTG, STB... cũng không được lọt vào danh sách, do giá có lúc giảm dưới 10.000 đồng/CP hoặc do thanh khoản 1 tháng không đáp ứng yêu cầu tỷ lệ 50% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, bà Bùi Thị Minh Tâm, Phó tổng giám đốc CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, bản thân các CTCK khi cung cấp vốn cho NĐT bằng tiền tài trợ của ngân hàng thời gian vừa qua cũng đã tự xác định tiêu chí mã chứng khoán được phép sử dụng đòn bẩy tài chính, trên cơ sở tính toán khả năng thu hồi vốn, bao gồm yếu tố xác định “chất lượng” cổ phiếu, thanh khoản (thông thường không dưới 100.000 cổ phiếu/phiên)… Do đó, nên có tiêu chí lựa chọn mã chứng khoán “nới” hơn theo hướng để CTCK tự nghiên cứu đưa ra danh mục cho phép giao dịch margin và triển khai nghiệp vụ trên cơ sở tư vấn, trao đổi với NĐT.

Liên quan đến tỷ lệ giao dịch ký quỹ, dự thảo quy định tỷ lệ tối thiểu ký quỹ của NĐT là 70% giá trị giao dịch. Về tỷ lệ cho vay, tổng giám đốc một CTCK cho biết, dù hướng dẫn về giao dịch ký quỹ chưa có, nhưng trên thực tế, công ty ông và nhiều CTCK khác đã triển khai thực hiện. Theo vị tổng giám đốc này, cơ quan quản lý thay vì đưa ra tiêu chí chọn những cổ phiếu nào được phép giao dịch ký quỹ, thì nên định kỳ đưa ra danh sách những cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ, như vậy sẽ tăng tính tự chủ cho CTCK hơn. Ngoài ra, tỷ lệ cho vay ký quỹ dự kiến tối đa 30% giá trị giao dịch, dù mang lại an toàn cho CTCK, nhưng tính khả thi không cao, bởi tỷ lệ bao nhiêu phần trăm phụ thuộc vào từng mã cổ phiếu, năng lực tài chính, cũng như mối quan hệ lâu dài của NĐT với CTCK.

Ông Trần Việt Anh, Phó giám đốc CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận xét: “Tỷ lệ cho vay dự kiến 30% giá trị giao dịch là quá thận trọng và chưa thực sự phản ánh đúng bản chất của giao dịch ký quỹ. Căn cứ vào tình hình TTCK thì tỷ lệ hợp lý đối với giao dịch ký quỹ là 40 - 60 (NĐT chỉ phải ký quỹ 40% giá trị giao dịch)”.

Theo ông Việt Anh, do chưa được phép bán khống và chưa có thị trường giao dịch phái sinh, nên nếu quy định tỷ lệ tối đa vay 30% sẽ không tác động nhiều đến tính thanh khoản của thị trường. Về tiêu chí cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ, nên tập trung vào yếu tố cơ bản của doanh nghiệp và tính thanh khoản của cổ phiếu. “UBCK chỉ nên quản lý thông qua các tiêu chí như vốn điều lệ tối thiểu, vốn khả dụng. Nên để cho các CTCK tự đánh giá, tự đưa ra các tiêu chí và tự xây dựng các biện pháp phòng ngừa rủi ro”, ông Việt Anh nói.

Theo Bùi Sưởng
ĐTCK

thanhhuong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên