MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Margin sau ngày 01/02 sẽ không có gì thay đổi?

Theo giám đốc một phòng giao dịch tại Hà Nội của HSC, việc VNDirect và MBS có thông báo thay đổi về chính sách margin không thể hiện việc cho vay margin của họ sẽ bị giảm hay có nguy cơ ngừng lại, mà chỉ là động thái thể hiện với cơ quan quản lý rằng các CTCK đang tuân thủ đúng quy định của Thông tư 36.

Tóm tắt:

- Ngày 30/01/2015 – phiên giao dịch cuối cùng trước ngày 01/02, tức ngày thông tư 36 chính thức có hiệu lực, CTCK VnDirect và MBS đã có thông báo đến khách hàng về chính sách margin mới

- Động thái này không thể hiện việc cho vay margin của họ sẽ bị giảm hay có nguy cơ ngừng lại, mà có lẽ chỉ là thể hiện với cơ quan quản lý rằng các CTCK đang tuân thủ đúng quy định của Thông tư 36.

- Thực tế, các CTCK đều đã có sự chuẩn bị cả về nguồn vốn (tăng vốn hoặc phát hành trái phiếu) lẫn thủ tục giấy tờ với ngân hàng để chào đón Thông tư 36


Trước giờ G, các công ty chứng khoán thay đổi chính sách margin

Ngày 30/01/2015 – phiên giao dịch cuối cùng trước ngày 01/02, tức ngày thông tư 36 chính thức có hiệu lực, một số công ty chứng khoán đã có thông báo đến khách hàng về chính sách margin mới.

VNDirect cho biết, các Ngân hàng hiện đang hợp tác với công ty có thể ngừng cho vay từ ngày 1/2/2015 do tác động của Thông tư 36/2014/TT- NHNN đến hoạt động cho vay của Ngân hàng. Theo đó, công ty đã cố gắng đàm phán với Ngân hàng để đưa ra 2 phương án ảnh hưởng ít nhất đến khách hàng. Phương án thứ nhất, Ngân hàng dừng giải ngân mới toàn bộ từ ngày 1/2/2015. Phương án 2 là vẫn duy trì giải ngân mới với 1 số mã không có trong danh mục GDKQ.

Khả năng xảy ra phương án 1 là cao nên bộ phần quản lý sản phẩm dự kiến đưa ra hướng xử lý theo phương án 1, theo đó, điều chỉnh danh mục từ ngày 1/2/2015. Với danh mục ngân hàng, sẽ giảm tỷ lệ tính sức mua về 0%, giữ nguyên tỷ lệ tính TSDB. Danh mục giao dịch ký quỹ không có sự thay đổi.

Một ngân hàng khác là CTCK MBS cũng thông báo hạn mức Dịch vụ cho vay thanh toán tiền mua Chứng khoán đã khớp lệnh kết hợp giữa Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và MBS (Margin+) đã bị chạm tỷ lệ tối đa theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

Vì vậy, MB sẽ tạm dừng giải ngân dịch vụ Margin+ cho các khoản mua mới từ ngày 02/02/2015. Để đảm bảo giao dịch, khách hàng đang sử dụng dịch vụ Margin+ có thể chủ động chuyển tiền/chứng khoán từ Dịch vụ Margin+ sang dịch vụ Margin qua Stock24.

Những thông báo này phát đi, thoạt tiên khiến cho nhiều nhà đầu tư không khỏi lo sợ, như thể nguồn vốn cho hoạt động ký quỹ sẽ sụt giảm nặng, như lo lắng trước đó về Thông tư 36.

Tất cả đã có sự chuẩn bị

Giám đốc một phòng giao dịch tại Hà Nội của công ty chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC) cho chúng tôi hay, hiện HSC đã ký hợp đồng hợp tác với 4 ngân hàng để cung cấp dịch vụ cho vay ký quỹ đối với khách hàng nhưng thực tế, tại thời điểm này công ty còn chưa sử dụng hết hạn mức từ nguồn vốn tự có. Vì vậy, HSC không có thay đổi về chính sách margin.

Theo vị giám đốc này, việc VNDirect và MBS có thông báo như trên không thể hiện việc cho vay margin của họ sẽ bị giảm hay có nguy cơ ngừng lại, mà chỉ là động thái thể hiện với cơ quan quản lý rằng các CTCK đang tuân thủ đúng quy định của Thông tư 36. Hiện tại, mức độ sử dụng margin của nhà đầu tư không cao. Họ đang chờ đợi xem sau ngày 01/02, xu hướng thị trường như thế nào rồi mới hành động tiếp.

Còn về phía các CTCK, họ đều đã có sự chuẩn bị cho Thông tư 36 từ trước đó không chỉ về nguồn vốn mà còn về các loại thủ tục giấy tờ với ngân hàng để việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng vẫn diễn ra bình thường.

Có thể thấy, vào cuối tháng 10/2014, VCBS đã phát hành thành công 200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp cho các nhà đầu tư cá nhân. Trong tháng 1/2015, VCBS phát hành thêm 300 tỷ đồng trái phiếu nâng tổng vốn huy động được từ phát hành trái phiếu lên 500 tỷ đồng.

Vừa qua, CTCK Sài Gòn (SSI) đã phát hành riêng lẻ thành công 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi và không có tài sản đảm bảo. Đây là 500 tỷ đồng đầu tiên của lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng mà SSI lên kế hoạch phát hành.

Về phía VND, CTCK này đã phát hành thành công 55 triệu cổ phiếu thu về gần 550 tỷ đồng, trong đó số tiền kết chuyển nguồn vốn chủ sở hữu là 50 tỷ và số tiền thu từ việc cổ đông nộp tiền mua cổ phiếu phát hành thêm là gần 500 tỷ. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của VND đạt gần 1.550 tỷ đồng.

Công ty này cho biết việc ngừng giải ngân của Ngân hàng không ảnh hưởng đến hoạt động cho vay Giao dịch ký quỹ. Các khoản vay với ngân hàng phát sinh trước ngày 01/02/2015 sẽ thực hiện theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký kết với Khách hàng.

Như vậy, các CTCK này đã kịp bổ sung nguồn vốn hoạt động để có thể tiếp tục cho vay ký quỹ đối với khách hàng khi các ngân hàng giảm giải ngân hoặc ngừng cho vay đối với hoạt động đầu tư kinh doanh chứng khoán.

Cũng trong ngày 30/01, thông qua môi giới, các CTCK đã thông báo đến khách hàng về trạng thái cho vay margin tại mỗi công ty. Theo môi giới tại CTCK Bảo Việt, khi ngân hàng Quân đội giảm cho vay thì công ty chứng khoán này vẫn còn sự hỗ trợ của Ngân hàng Bảo Việt nên không có thay đổi về chính sách margin.

Môi giới của CTCK Maybank-Kimeng cũng cho biết được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Eximbank tiếp tục cho vay. Ngoài ra, MBKE được một ngân hàng quốc doanh cấp hạn mức tín dụng. Như vậy tổng hạn mức tín dụng mà ngân hàng cam kết cấp cho khách hàng của MBKE gần 500 tỷ, tức gấp 3 lần mức trước đây.

Theo những thông tin này, có thể cho rằng nguồn vốn cung cấp cho hoạt động margin sau ngày 01/02 tại các CTCK lớn cũng không có nhiều sự thay đổi và nhà đầu tư vẫn có thể yên tâm sử dụng dịch vụ này như trước đó.

>> CTCK bắt đầu tính phương án nếu ngân hàng ngừng cho vay mới mua cổ phiếu bởi thông tư 36

Bảo Ngọc

Minh Trang

Tài chính Plus

Trở lên trên