MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Margin sẽ thanh lọc CTCK

Trong cuộc chiến khắc nghiệt giữa các CTCK, margin trở thành vũ khí chủ lực và có thể quyết định thành bại giữa các bên.

Bơm vốn cho NĐT

Hiện nay lãi suất margin đang có một biên độ khá rộng, từ 12%/năm đến 18%/năm. Nhìn qua có vẻ như mức lãi suất này khá cao, vì lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp vay có thể dao động quanh mốc 12%/năm, thậm chí doanh nghiệp tốt chỉ ở mức 10%/năm, tại sao CTCK lại “hét” đến 18%/năm.

Thực ra đối với CTCK, lãi suất 18%/năm cũng được xem là tương đối cá biệt, chẳng hạn như khách hàng vay ít, hoặc doanh số ít, hay những CP có mức độ rủi ro cao, nên lãi suất margin trung bình của CTCK vào khoảng 15%/năm là chuyện bình thường.

Với những biến động của TTCK hiện nay, có khi càng “lướt” lại càng lỗ. Giữ một CP có thể phải đợi một thời gian dài giá CP mới có thể tăng mạnh, nhưng chẳng mấy ai dám vay margin để rồi “chôn” trong một CP hết ngày này sang ngày khác.

Đa phần những CTCK có hoạt động môi giới phát triển, đi kèm với đó là các sản phẩm margin, nên tiền cho vay là của CTCK. Điều này bắt nguồn từ việc các CTCK này có lượng tiền mặt khá dồi dào, hơn nữa TTCK không nóng sốt tới độ phải đi vay tiền từ ngân hàng về, nói như tổng giám đốc một CTCK lớn là vốn tự có còn dùng không hết.

Thế nên, tiền của CTCK thì CTCK sẽ quyết mức lãi suất bao nhiêu cho phù hợp. Hơn nữa do TTCK không sôi động, cho vay ra cũng không nhiều, thành thử CTCK cũng phải gia tăng lãi suất để bù đắp số tiền không cho vay được. Lãi suất cao cũng là một biện pháp để các CTCK quản trị rủi ro cho hoạt động margin của mình.

Ngoài ra, cũng còn một xu hướng các CTCK thăm dò động thái của nhau, nếu CTCK lớn này không hạ lãi suất margin, CTCK đối thủ cũng không cần phải hạ. Và quan trọng là cần gì hạ khi nhiều NĐT chỉ vay theo ngày, theo tuần cũng không đến mức quá so đo vì chênh lệch lãi suất lúc này không đáng kể.

Theo dõi BCTC của các CTCK, điều dễ dàng nhận thấy nguồn thu từ cho vay margin gấp khoảng từ 2-4 lần nguồn thu từ phí giao dịch, nên hoạt động cho vay margin đã đóng góp đáng kể trong việc tạo ra dòng tiền cho CTCK và các CTCK cũng biến margin thành một công cụ để cạnh tranh hoặc để “đè bẹp” các đối thủ yếu hơn. Để có thể triển khai margin, CTCK sẽ phải có thị phần, có nguồn tiền và có tổ chức tài chính đứng sau.

Nếu không có thị phần sẽ chẳng ai vay, nếu không “mạnh” tiền thì tổ chức tài chính hậu thuẫn cũng ngại cho CTCK vay. Chính vì vậy, những CTCK vào dạng “thân cô, thế cô”, không có tiền, không có cả ngân hàng hậu thuẫn coi như thua đứt trong mảng margin.

Cạnh tranh lãi suất

Cuộc cạnh tranh giữa các CTCK ngang cơ nhau cũng vô cùng gay gắt. Nếu nói về tiền, các CTCK có ngân hàng mẹ đứng sau đương nhiên được xem là có lợi thế hơn cả, nhưng hiện thực hóa lợi thế lại không dễ. Bởi lẽ, nếu các CTCK dù có ngân hàng mẹ hậu thuẫn nhưng thị phần quá nhỏ cũng rất khó có thể gia tăng được nguồn thu từ hoạt động cho vay, nói một cách đơn giản “làm nhỏ, thu ít” chẳng ai muốn làm cả.

Điều này dẫn đến việc các CTCK có thị phần lớn cũng không mấy e ngại trước việc một số CTCK khác “phá giá” lãi suất margin vài %/năm, vì những CTCK này còn có những chiêu khác để giữ khách hàng. Đến đây, các CTCK sẽ không chỉ sử dụng margin đơn thuần cho mọi khách hàng, mọi hình thức nữa, mà bắt đầu tính đến các “gói” sản phẩm khác nhau.

Một nhân viên môi giới kỳ cựu cho biết, có những CTCK sẵn sàng cho khách hàng vay margin với lãi suất chỉ từ 12%/năm, nhưng kèm theo đó là những yêu cầu về giá trị giao dịch, thời gian vay... Ngoài ra, CTCK còn “dặm” thêm những sản phẩm hỗ trợ margin như đến ngày T+2, T+3 mới tính lãi suất margin mặc dù đã sử dụng tiền từ ngày T.

Điều này cũng giống như trong phân phối, càng bán nhiều hoặc mua càng nhiều giá càng rẻ. Với các CTCK thuộc nhóm mới nổi, sử dụng margin để cạnh tranh, sản phẩm này sẽ là công cụ để kéo thêm nhiều NĐT, qua đó gia tăng doanh số. Trong khi đó, CTCK với cơ số khách hàng lớn, cũng lại rất thuận tiện trong việc “deal” (thỏa thuận) lãi suất với từng nhóm khách hàng.

Có một thực tế trong cách tính toán thực của NĐT và của các CTCK, lãi suất margin được tính bằng %/ngày chứ không phải %/năm, điều này bắt nguồn từ thực tế NĐT hiện nay rất cẩn trọng trong việc vay margin.

Đã qua rồi cái thời vay margin liên tục trong thời gian dài để mua CP ưu đãi giá rẻ, hoặc để theo đến tận cùng một mã chứng khoán nào đó. Cũng chính vì cho vay trong một thời gian ngắn nên CTCK bỏ tiền bạc tỷ, kiếm bạc trăm ngàn, bạc triệu đành phải tìm mọi cách để khai thác tối đa.

Theo Thục Khanh

phuongmai

Sài Gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên