MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mekong Capital sẽ có cuộc thoái lui lịch sử?

Cho đến nay, Mekong Capital vẫn chưa đưa ra bất kỳ công bố chính thức nào về việc sẽ phải thoái vốn khỏi PNJ, FPT, NLG, TRA vì tới thời hạn đóng quỹ đầu tư. Tuy nhiên, với thời hạn 10 năm đóng quỹ, Mekong Capital khó mà im lặng được lâu.

Ngoài TRA, Mekong Capital có thể rút vốn khỏi FPT, PNJ, NLG

Mới đây, Nhịp Cầu Đầu Tư dẫn nguồn tin từ bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT CTCP Traphaco (Mã: TRA - HoSE), nhiều khả năng Mekong Capital sẽ thoái toàn bộ 25% cổ phần đang nắm giữ tại Traphaco ngay trong năm 2016. Lý do thoái vốn được cho là Quỹ Vietnam Azalea Fund - VAF (do Mekong Capital quản lý và đang đầu tư vào Traphaco) đến hạn đóng quỹ vào năm 2017.

Quỹ VAF được khai trương vào tháng 6 năm 2007 và quản lý 64 triệu đô la Mỹ vốn cam kết. Quỹ dự kiến hoạt động trong khoảng 10 năm, đã thực hiện 10 khoản đầu tư kể từ khi mở quỹ và hiện còn nắm giữ 6 khoản đầu tư. Khẩu vị của VAF là đầu tư vốn vào các công ty cổ phần chưa niêm yết và thực hiện những khoản đầu tư thiểu số tại những doanh nghiệp có thời gian niêm yết ít hơn 24 tháng.

Xem xét danh mục đầu tư của VAF, hiện tại Quỹ này đang nắm giữ cổ phần tại 4 công ty niêm yết, gồm CTCP Tập đoàn FPT (Mã: FPT - HoSE), CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG - HoSE), CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ - HoSE) và CTCP Traphaco.

Theo đó, tại TRA, tỷ lệ nắm giữ của VAF là 25% - con số sở hữu cao nhất trong các khoản đầu tư của VAF. Tỷ lệ đầu tư tại PNJ, NLG, FPT lần lượt là 6,57%, 4,54% và 1%. Tỷ lệ 1% vốn tại FPT là quá nhỏ so với cơ cấu vốn tập đoàn này, do đó chúng tôi chỉ tiến hành xem xét khoản đầu tư của Mekong Capital tại PNJ và NLG.

Nếu thực hiện bán vốn tại Traphaco vì lý do đóng quỹ thì đồng nghĩa với việc VAF cũng sẽ phải thoái vốn tại các khoản đầu tư như đã nêu trên, cùng trong năm 2016. Để xác nhận thông tin này và làm rõ hơn về kế hoạch thoái vốn các khoản đầu tư của VAF, chúng tôi có liên hệ với Mekong Capital nhưng Quỹ này từ chối trả lời và cho biết hiện tại chưa có thông tin gì để thông báo ra thị trường.

Suất sinh lợi 5,4%/năm với PNJ và chưa đầy 1%/năm với NLG

Đầu năm 2008, VAF công bố đầu tư 12 triệu USD (192 tỷ đồng) vào PNJ với tư cách là đối tác chiến lược. Cuối năm 2008, PNJ cho biết VAF sở hữu 2 triệu cổ phần PNJ, tương đương tỷ lệ 6,67%. Như vậy, VAF khi đó có thể đã chi 6 USD/cổ phần (vào khoảng 96.000 đồng/cp).

Tính đến năm 2012, VAF sở hữu 4,97 triệu cổ phần PNJ. Con số này trừ đi các lần nhận chia thưởng cổ phiếu và trả cổ tức thì số cổ phần VAF mua thỏa thuận từ 2009 - 2012 là 1,3 triệu cổ phần. Với mức giá khớp lệnh trung bình giai đoạn này khoảng 30.000 đồng/cổ phần thì VAF đã chi khoảng 39 tỷ đồng để sở hữu thêm.

Từ năm 2012 đến 2015, VAF không thực hiện thêm bất kỳ giao dịch nào mà chỉ gia tăng sở hữu qua việc nhận cổ phiếu thưởng và nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Đến nay, số cổ phần VAF nắm giữ tại PNJ là 6,5 triệu cổ phần PNJ với thị giá khoảng 50.000 đồng/cp, tương đương tổng giá trị 325 tỷ đồng.

Như vậy, giá trị khoản đầu tư của VAF hiện tại cao hơn 1,41 lần so với khoản đầu tư ban đầu. Suất sinh lợi trên vốn đầu tư của VAF tại PNJ là 5,4%/năm.

Về khoản đầu tư tại NLG, vào năm 2010, VAF đã chi khoảng 9,1 triệu USD (khoảng 146 tỷ đồng) để mua cổ phần thiểu số do Công ty này phát hành. Số cổ phần cụ thể không được Nam Long hay Mekong Capital công bố.

Khi Nam Long niêm yết, VAF được ghi nhận trong cáo bạch nắm giữ 6.431.286 cp, tương đương 6,73%. Điều đặc biệt là đến thời điểm hiện tại, VAF vẫn sở hữu đúng 6.431.286 cp NLG nhưng tỷ lệ đã giảm còn 4,54% ( do NLG tăng vốn).

Nhiều khả năng số cổ phần NLG mà VAF hiện có chính là cổ phần ban đầu mua trước khi lên sàn thì 1 cổ phần NLG khi đó có giá 1,42 USD, khoảng 22.700 đồng/cp.

Với thị giá hiện tại của NLG là 24.000 đồng/cp, giá trị khoản đầu tư này hiện vào khoảng 154,4 tỷ đồng, gấp 1,06 lần vốn đầu tư ban đầu. Suất sinh lợi trên vốn đầu tư ban đầu vào khoảng 0,96%/năm.

Điều này không khiến nhiều người bất ngờ khi trong giai đoạn từ 2010 – 2015, tăng trưởng bình quân doanh thu của NLG chỉ là 7%/năm, tăng trưởng lợi nhuận chỉ 1,6%/năm. Tỷ suất lợi nhuận ròng/vốn cũng giảm từ 45,5% (năm 2010) xuống còn 14,5% (năm 2015). Nhìn những con số tài chính này có thể thấy Nam Long không có nhiều tăng trưởng đột biến trong suốt quá trình Mekong Capital đầu tư.

Nếu đóng quỹ VAF, Mekong Capital còn lại gì?

Hiện tại, Mekong Capital quản lý 4 quỹ, gồm Mekong Enterprise Fund (MEF), Mekong Enterprise Fund II (MEF II) , Vietnam Azalea Fund (VAF) và Mekong Enterprise Fund III (VAF III).

Quỹ MEF được khai trương năm 2002 với tổng vốn cam kết 18,5 triệu USD. Quỹ đã thoái vốn hoàn toàn 9 trong 10 công ty trong danh mục đầu tư. Khoản đầu tư cuối cùng Quỹ còn giữ là Công ty Cổ phần Minh Hoàng cũng đang được Quỹ xúc tiến để thoái vốn.

Quỹ MEF II khai trương vào tháng 6/2006, có vốn cổ phần chưa niêm yết 50 triệu USD. Quỹ dự kiến hoạt động trong khoảng 11 - 12 năm từ tháng 6 năm 2006. Quỹ đã thực hiện 10 khoản đầu tư kể từ khi khai trương, và hiện còn nắm giữ 3 sau khi hoàn toàn thoái vốn 7 công ty. Các công ty mà MEF II đang đầu tư gồm CTCP Thế Giới Di Động, Hệ thống trường Quốc tế Việt Úc và CTCP Hóa chất Á Châu.

Quỹ MEF III là quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân chưa niêm yết, được khai trương vào tháng 5 năm 2015 và hiện đã huy động được 87,4 triệu USD. MEF III đặt mục tiêu sẽ huy động tổng vốn cam kết tối đa 150 triệu USD. MEF III dự kiến hoạt động trong 10 năm, và sẽ thực hiện tổng cộng 10 - 12 khoản đầu tư trong 4 năm đầu hoạt động. Hiện tại, Mekong Capital chưa công bố bất kỳ khoản đầu tư nào của Quỹ này.

Như vậy, nếu VAF đóng quỹ, khả năng MEF III sẽ được thay thế để thực hiện các khoản đầu tư của Mekong Capital tại Việt Nam.

Theo Khổng Chiêm

Người đồng hành

Trở lên trên