MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mệnh lệnh UPCoM

Mới đây, UBCKNN đã công bố Thông tư 180/2015/TT-BTC (TT180) có hiệu lực từ 1-1-2016 : các công ty đại chúng hình thành trước ngày 1-1-2016 nếu không niêm yết (tại HOSE và HNX) sẽ phải đăng ký giao dịch tại UPCoM trong vòng 1 năm. CTĐC hình thành sau ngày 1-1-2016 sẽ phải giao dịch tại UPCoM trong vòng 30 ngày sau khi IPO hoặc hoàn tất đăng ký CTĐC.

Bảo vệ cổ đông, NĐT

Thực tế, lên UPCoM chỉ được gọi đơn thuần là “giao dịch CP” tại UPCoM, còn các quy định về công bố thông tin cũng không khác mấy so với CTĐC thông thường. Hiện tại có những CTĐC dù chưa niêm yết, cũng chưa giao dịch tại UPCoM nhưng vẫn công bố BCTC theo quý chứ không chỉ theo năm. Trong khi niêm yết sẽ phải đảm bảo một loạt tiêu chí ngặt nghèo hơn. Và thực tế, việc giao dịch tại UPCoM cũng là một cách để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, cho NĐT.

Như vậy, dù không muốn hay không thể niêm yết, đến hết năm 2016 gần như tất cả CTĐC sẽ phải lên UPCoM và điều này hứa hẹn tạo ra những sự thay đổi toàn diện, từ thị trường cho đến các CTĐC và cả NĐT. Giữa năm 2011, VNSteel (TVN) đã tiến hành IPO và giá trúng thầu bình quân 10.101 đồng/CP. Nhưng 4 năm đã qua vẫn không thấy TVN lên sàn và nếu theo dõi BCTC của TVN sẽ thấy dù có muốn TVN cũng không thể niêm yết trong năm 2015 này.

Lý do đơn giản: TVN đã lỗ trong 2 năm 2013 và 2014 lần lượt gần 98 tỷ đồng và hơn 42 tỷ đồng, nên không đáp ứng tiêu chuẩn. Gần đây, thông tin TVN lên UPCoM đã được công bố và rõ ràng dù đã gặp những thách thức nhưng với tên tuổi của mình, TVN cũng có thể trở thành một món hàng hấp dẫn đối với các NĐT. Một loạt tên tuổi khác như Tổng công ty Chăn nuôi, Viglacera, Gang thép Thái Nguyên… cũng đang hiện diện tại UPCoM. Trường hợp CTĐC sợ niêm yết lộ bí mật kinh doanh hay bị thâu tóm, thì việc lên UPCoM cũng không ảnh hưởng gì đến sự thận trọng, vì cứ nhìn một loạt CP tại UPCoM có giá chỉ vài ngàn đồng nhưng trả cổ tức bằng tiền mặt cũng lên đến vài ngàn đồng/CP.

Và có lẽ, cổ đông của các ngân hàng (NH) trì hoãn niêm yết cũng sẽ rất vui mừng. Do vốn lớn, một thời CP được săn đón, nên số lượng NĐT nắm giữ CP NH cũng rất đông đảo. Việc các NH chậm niêm yết cũng khiến cổ đông của NH không dễ bán CP trên thị trường OTC, mà khi bán được cũng không được giá như trước vì OTC giờ đã teo tóp. Khi CP của các CTĐC được giao dịch tại UPCoM, với cơ chế giao dịch khớp lệnh giống như HOSE và HNX, tất nhiên người mua kẻ bán sẽ dễ dàng gặp nhau hơn. Nhờ vậy, thanh khoản của thị trường được hưởng lợi theo 2 hướng:

Đầu tiên là GTGD tại UPCoM sẽ tăng, điều này có lợi cho cả CTCK thu được phí giao dịch. Trong 5 phiên giao dịch gần nhất tại UPCoM, phiên 4-12 được xem là khá khẩm nhất với GTGD đạt gần 38 tỷ đồng, một con số quá nhỏ nếu so với GTGD tính bằng ngàn tỷ đồng của HOSE và HNX. Hiện tại số lượng CP đang có mặt tại UPCoM xấp xỉ 250, TT180 có hiệu lực trong thời gian tới sẽ thúc đẩy con số này tăng mạnh và càng nhiều CP hiện diện tại UPCoM sẽ càng giúp thanh khoản tăng cao.

Kế tiếp, số tiền NĐT thu về từ việc bán ra CP trên UPCoM có thể sử dụng để tái đầu tư tại chính sàn này hoặc chuyển sang HOSE hay HNX, nhờ vậy thanh khoản của thị trường chung cũng gia tăng. Tại các đợt IPO, mối quan tâm hàng đầu của NĐT ngoài tiềm năng, thực lực của doanh nghiệp, còn có vấn đề thời điểm niêm yết, thực tế là khả năng thanh khoản của CP. Khi doanh nghiệp đã tiến hành IPO và buộc phải lên UPCoM, nghĩa là NĐT sẽ giảm bớt đi lo lắng về thanh khoản, và như vậy các đợt IPO cũng có thể thu hút được nhiều hơn số NĐT tham gia, thúc đẩy quá trình cổ phần hóa.

Cạnh tranh để phát triển

Ngoài những lợi ích về mặt thanh khoản, cũng như đảm bảo quyền lợi cho NĐT, số lượng công ty đổ bộ lên UPCoM một cách đông đảo cũng tạo ra những cuộc cạnh tranh rất có lợi cho việc thúc đẩy phát triển, chẳng hạn: Hiện tại, có những CTĐC dù chưa niêm yết, nhưng chấp hành khá tốt, thậm chí vượt chuẩn về công bố thông tin như BCTC được trình bày rõ ràng, công bố thông tin khá đầy đủ, minh bạch. Khi UPCoM có mặt những công ty này, mặt bằng chung về CBTT sẽ từ từ được nâng lên, mặt khác cũng có thể trở thành “đối trọng” với các công ty tại HOSE và HNX.

Tất nhiên, các công ty tại 2 sàn này cũng phải nâng cấp để chứng tỏ những ưu điểm của mình. Giữa HOSE, HNX và UPCoM cũng có thể xuất hiện những cuộc đua, chẳng hạn như về số lượng niêm yết, những tiêu chuẩn, yêu cầu đối với công ty niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, điều này có lợi cho cả thị trường. Rõ ràng, hàng hóa tại HOSE và HNX sẽ phải chứng tỏ đẳng cấp “hàng hiệu” thông qua những việc như có KQKD tích cực, công bố thông tin đầy đủ, để giữ vị thế thu hút NĐT cho mình.

Ở một chiều khác, trước đây HNX có một số CP đầu cơ có thể hút dòng tiền mạo hiểm thì nay UPCoM với nhiều hàng hóa cũng có thể tạo ra một khẩu vị mới cho NĐT để tìm kiếm lợi nhuận cao (tất nhiên đi kèm rủi ro lớn). Về mặt hàng hóa, chắc hẳn sẽ có nhiều công ty phải xem xét đến việc có mặt tại UPCoM hay lên sàn.

Thí dụ, A và B đều là những công ty hàng đầu, có vị thế ngang nhau, nhưng A đã niêm yết từ lâu còn B thì chưa. Như vậy, khi B buộc phải đưa CP giao dịch tại UPCoM thì B cũng sẽ phải cân nhắc đến chuyện lên sàn. Bởi lẽ, ngoài việc đảm bảo vị thế, thương hiệu, hình ảnh của mình, lên sàn sẽ giúp ích rất nhiều cho việc huy động vốn. Có lẽ, giữa không niêm yết và niêm yết, DN có thể chọn việc không niêm yết. Nhưng giữa UPCoM và niêm yết, một số DN sẽ không thể trì hoãn nữa mà chọn cách niêm yết càng sớm càng tốt.

Theo Trần Lê Bảo Châu

Sài Gòn Đầu tư Tài Chính

Trở lên trên