MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Một năm ảm đạm của quỹ đầu cơ

Thông tin Quỹ Nobel Foundations sẽ tăng cường rót vốn vào các quỹ đầu cơ đã khiến nhiều người phải nhướng mày. Nhiều năm có lợi nhuận thấp khiến họ giảm số tiền trao giải Nobel 2012.

Thông tin Quỹ Nobel Foundations sẽ tăng cường rót vốn vào các quỹ đầu cơ, do việc nhiều năm liên tiếp có mức lợi nhuận thấp buộc họ phải giảm số tiền mặt trao giải Nobel trong năm 2012, đã khiến nhiều người phải nhướng mày.

Họ nhướng mày vì năm qua lại là một năm ảm đạm đối với quỹ đầu cơ. Và do đó, việc Nobel Foundation kỳ vọng sẽ cải thiện tình hình lợi nhuận nhờ vào quỹ đầu cơ dường như quá lạc quan. HFRX, một chỉ số thường dùng để chỉ về lợi nhuận của ngành quỹ đầu cơ, chỉ tăng 3%, so với 18% của chỉ số chứng khoán S&P 500. Sau nhiều năm liên tiếp ế ẩm, việc có thêm một năm ảm đạm nữa cũng không có gì đáng nói. Nhưng điều quan ngại là ở chỗ các vấn đề của quỹ đầu cơ đang trở nên trầm trọng hơn so với trước.

Chỉ số S&P 500 đã qua mặt quỹ đầu cơ trong 10 năm liên tiếp (ngoại trừ năm 2008 là cả hai đều giảm xuống rất mạnh). Một danh mục đầu tư không có gì phức tạp - ví dụ như 60% danh mục là đầu tư vào cổ phiếu và 40% còn lại là vào trái phiếu chính phủ - đã mang lại mức lợi nhuận tới hơn 90% trong 10 năm qua, so với chỉ 17% (sau khi tính phí) của các quỹ đầu cơ.

Đáng buồn là nhà đầu tư nhận được mức lợi nhuận còn thấp hơn cả mức phí quản lý phải trả cho các nhà quản lý quỹ đầu cơ.

Dĩ nhiên, không phải cả gần 8.000 quỹ đầu cơ đều làm ăn bết bát. Vẫn có một số ít siêu sao đã thắng cả thị trường. Theo tổ chức nghiên cứu Hedge Fund Research, top 10 nhà quản lý quỹ đầu cơ đã mang lại mức lợi nhuận tới hơn 30% trong năm qua. Thế nhưng, số nhà quản lý thua lỗ vẫn quá nhiều. Trong đó có cả những ngôi sao một thời như John Paulson, người được xem là bậc thầy đầu tư năm 2007 vì đã thấy trước được bong bóng nhà đất Mỹ. Quỹ của ông lỗ tới 17% trong 10 tháng đầu của năm 2012, sau khi lỗ 51% năm 2011.

Vì sao các quỹ lại làm ăn bết bát? Lý do thì có rất nhiều. Theo Paulson, tình cảnh khốn đốn hiện nay là do ông đã đặt cược sai về tình hình ở châu Âu. Những người khác thì đổ lỗi cho sự biến động của các thị trường, do bị tác động mạnh bởi sự can thiệp của nhà làm chính sách các nước. “Các thị trường đang dõi theo động thái của các chính phủ, trong khi các chính phủ lại đang dõi theo diễn biến của thị trường”, ông Jim Vos thuộc hãng tư vấn Aksia nhận xét. Thậm chí một nhà đầu tư cổ phiếu có tài “chọn mặt gửi vàng” cũng sẽ cảm thấy bối rối nếu toàn bộ thị trường nháo nhào trước những động thái can thiệp của các ngân hàng trung ương. Nhiều quỹ đầu cơ thừa nhận họ cảm thấy lơ mơ trong một môi trường đầu tư như thế này. Một số đã phải cắt giảm quy mô hoặc đóng cửa.

Đối với những quỹ vẫn còn tham gia thị trường, thông điệp gửi đến nhà đầu tư cũng thay đổi 180 độ. Nếu như trước đây, các quỹ đầu cơ thường tự đề cao về khả năng mang lại lợi nhuận nhanh cho một danh mục đầu tư thì bây giờ họ nhấn mạnh về khả năng mang lại khoản lợi nhuận ổn định trong dài hạn.

Thông điệp bị thay đổi cũng còn một lý do khác. Hiện nay, khoảng 65% tài sản của ngành quỹ đầu cơ đã bị các quỹ lương hưu, quỹ hiến tặng như Nobel Foundation và các nhà đầu tư tổ chức khác rút khỏi, so với chỉ 20% cách đây 10 năm. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp này bây giờ rất ngại rủi ro. “Họ giờ quan tâm đến tính minh bạch và ưu tiên việc đa dạng hóa danh mục hơn là lợi nhuận cao”, Omar Kodmani của Permal, một nhà đầu tư quỹ đầu cơ. Các nhà đầu tư cũng ngại dùng đến đòn bẩy tài chính.

Một điều đáng chú ý là để được nhận vốn đầu tư, các quỹ đầu cơ nay phải chấp nhận các điều kiện khắt khe từ các tổ chức rót vốn. Chẳng hạn, họ yêu cầu nhà quản lý quỹ đầu cơ phải đầu tư đúng với lĩnh vực chuyên môn của mình, chứ không được thay đổi chiến lược xoành xoạch.

Theo Simon Lack, một chuyên gia tư vấn đầu tư, tính cứng nhắc của mô hình đầu tư mới là yếu tố đã làm lợi nhuận của ngành quỹ đầu cơ trở nên ì ạch trong suốt nhiều năm qua.

Quỹ đầu cơ hiện nay quản lý tới 2.200 tỉ USD giá trị tài sản, tăng gấp 4 lần so với năm 2000. Khi dư dả tiền bạc trong tay, các quỹ đã đặt cược vào các canh bạc “hạng hai” mà nhiều khi bị xem là “đầu tư trái ngành”, tức không nằm trong lĩnh vực hiểu biết chuyên môn của nhà quản lý quỹ. Vì thế, nhiều khi, lợi nhuận thấp hoặc bị thua lỗ. “Với quy mô tài sản quản lý 1.000 tỉ USD, các quỹ đầu cơ đã tạo ra mức lợi nhuận chấp nhận được, nhưng lại đem về mức lợi nhuận ít hơn ở quy mô 2.000 tỉ USD”, ông Lack nhận xét.

Khi lợi nhuận ngành quỹ đầu cơ vẫn tiếp tục ì ạch và nhà quản lý quỹ thì bị bó giò bởi những yêu cầu khắt khe từ nhà đầu tư, dường như quỹ đầu cơ không còn là nơi lý tưởng để rót vốn vào. Trong khi đó, đã có những hình thức quỹ đầu tư mới đang dần được nhiều người ưa chuộng. Quỹ ETF là một ví dụ.

Các quỹ đầu tư ETF cho phép nhà đầu tư rót vốn vào mọi thứ từ vàng, bất động sản cho đến các công ty ở Indonesia và họ chỉ tính một khoản phí rất thấp, chỉ vài phần trăm của một điểm phần trăm trên số tiền mà nhà đầu tư bỏ vào. Con số này quả là rất hấp dẫn so với mức phí 2% trên giá trị tài sản và 20% trên lợi nhuận kiếm được thường được tính bởi các quỹ đầu cơ.

Trong một môi trường đầu tư với mức lãi suất cực thấp như hiện nay (chẳng hạn, tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang cho biết sẽ duy trì mức lãi suất gần 0 cho đến khi nào nền kinh tế thực sự khởi sắc), mức lợi nhuận sẽ khó mà đạt được 2 chữ số. Và vì thế, việc tính phí quản lý 2% hằng năm dường như là quá cao đối với nhà đầu tư.

Nói như vậy, không có nghĩa là quỹ đầu cơ đã mất đi sức hút. Một số quỹ lớn vẫn tạo ra mức lợi nhuận cao trong dài hạn. Nhưng nhìn chung một quỹ đầu tư tầm trung đang là một vụ đặt cược tồi tệ.

Theo Đàm Hoa
The Economist / Nhịp cầu đầu tư

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên