MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua bán công ty chứng khoán: Thách thức lớn cho nhà đầu tư ngoại

Việc mua bán CTCK bị thất bại do phía bên mua là nhà đầu tư nước ngoài chỉ đàm phán khi mua lại được khoảng 80% vốn điều lệ của công ty.

 Trong bối cảnh tái cấu trúc thị trường chứng khoán đang diễn ra mạnh mẽ, khối nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy nhiều cơ hội đầu tư và mua các công ty chứng khoán (CTCK) Việt Nam. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng.

Thuật ngữ tái cấu trúc hoạt động doanh nghiệp được nhắc nhiều nhất trong định hướng hoạt động của CTCK. Thay đổi nhân sự, thu hẹp một số hoạt động hay bán bớt tài sản là cách mà nhiều công ty đã và đang làm. Đáng chú ý, việc tái cấu trúc nguồn vốn cũng được không ít CTCK áp dụng, nhằm giảm áp lực vay nợ, thay đổi hệ thống quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trước cơ hội này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm mọi cách sở hữu vốn của CTCK trong nước nhằm mở rộng phạm vi hoạt động tại Việt Nam thông qua gia tăng số lượng các phòng/đại lý giao dịch; triển khai hệ thống công nghệ, sản phẩm mới phù hợp với pháp luật nhưng có sự khác biệt trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm của tập đoàn mẹ hay thậm chí chỉ “đánh bóng” thương hiệu.

Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài tìm cách nắm quyền sở hữu CTCK Việt Nam nhằm phục vụ tốt nhất cho đối tác, khách hàng nước ngoài của mình mà không phải phụ thuộc CTCK trong nước.

Gần đây nhất, hai CTCK của Nhật Bản là Arts Securities và Công ty TNHH Vietnam Investment Partners dự định mua lại cổ phần của CTCK VIT (VIT Securities). Thương vụ 99% bất thành. Theo tìm hiểu, có thể do mức giá bán quá rẻ khiến các cổ đông của VIT Securities suy nghĩ lại?! Thậm chí, đã có tâm lý lo ngại việc mua cổ phần này chủ yếu là nhằm mua giấy phép thành lập công ty chứ không phải tái cấu trúc doanh nghiệp.

Một trong những hình thức mà các CTCK lựa chọn khi tiến hành tái cấu trúc là mua bán, sáp nhập. Nguyên tắc chính của việc mua bán, sáp nhập là do doanh nghiệp tự nguyện đến với nhau và phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Ông Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước



Thất bại này khiến Việt Nam vẫn chỉ có 1 CTCK 100% vốn ngoại là Maybank Kim Eng. Dự báo, năm 2014 sẽ khó có thêm CTCK thuộc sở hữu toàn quyền của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Hùng – Phó giám đốc Công ty Tư vấn tài chính VietFi, việc mua bán CTCK bị thất bại do phía bên mua là nhà đầu tư nước ngoài chỉ đàm phán khi mua lại được khoảng 80% vốn điều lệ của công ty.

Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu trên 49% và dưới 100% vốn điều lệ tại CTCK. Về khách quan, việc các cổ đông CTCK bất nhất trong bán cổ phần cũng khiến nhà đầu tư nước ngoài “chào thua”.

Dù Thông tư số 210/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK đã quy định trình tự, thủ tục chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng cổ phần để nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 100% vốn tại CTCK Việt Nam, nhưng theo phản ánh của các CTCK, trên thực tế việc gom đủ 100% cổ phần là quá khó. Vướng mắc này đang khiến nhà đầu tư nước ngoài khó hiện thực hóa mục tiêu làm chủ CTCK tại Việt Nam.

Nguyên nhân nữa dẫn đến sự thất bại trong các thương vụ mua bán CTCK là nhà đầu tư ngoại khá e dè với những vướng mắc tài chính tồn đọng của CTCK trong giai đoạn cũ. Nhiều công ty, cổ đông muốn bán vốn, sẵn sàng đàm phán giá, nhưng do công ty có nhiều khoản tài chính chưa rõ ràng, hoặc đang trong giai đoạn tranh chấp, khiến nhà đầu tư thận trọng.

Thêm nữa, việc liên doanh, liên kết giữa các CTCK trong nước và những nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp nhiều vấn đề mâu thuẫn, các bên không thống nhất được chiến lược kinh doanh, nên phần nào kìm hãm năng lực phát triển của công ty.

Để việc mua bán được thành công, ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng, các CTCK cần làm cho đối tác hiểu được mục đích bán cổ phần của mình, đồng thời doanh nghiệp cũng phải hiểu rõ nhà đầu tư cũng như quy định pháp lý. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần ban hành, chỉnh sửa các quy định để tạo điều kiện cho việc tái cấu trúc CTCK được thuận lợi.

phuongmai

Báo Công thương

Trở lên trên