MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua cổ phiếu quỹ: Phòng thủ hay chiêu trò của doanh nghiệp?

Hàng loạt các DN lớn tận dụng công cụ “mua cổ phiếu quỹ” để phòng thủ hoặc “đỡ giá” cổ phiếu – Nghi vấn này của nhà đầu tư không phải không có lí khi phần lớn các DN đều đăng kí nhiều hơn… mua vào.

Trong nửa đầu năm 2015, nhiều DN thuộc Top đầu nhóm vốn hóa thị trường lớn đã ra các quyết định đăng kí mua cổ phiếu quỹ.

GAS -–ông lớn “nhá hàng” mua cổ phiếu quỹ!

Khởi đầu là TCty khí VN – PV Gas (mã: GAS) công bố mua 10 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 25/03/2015 – 31/03/2015 với khoảng giá tối đa là 100.000 đồng theo Nghị quyết HĐQT số 01/NQ-KVN ngày 08/01/2015. Đây được xem là Cty có nguồn tiền và khoản tương đương tiền rất lớn nên việc Cty này công bố sử dụng nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển để mua vào cổ phiếu quỹ, tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng xét trên giá mục tiêu và số lượng cổ phiếu này dự kiến mua vào, về lí thuyết tài chính được xem là hợp lí.

Kế hoạch mua cổ phiếu quỹ được GAS công bố từ tháng 1/2015 và trở thành một động lực để nâng đỡ giá cổ phiếu. Song điều bất hợp lí là thời gian Cty đăng kí mua chỉ vỏn vẹn 5 ngày, không đủ để GAS thực thi kế hoạch mua 10 triệu cổ phiếu, ngoại trừ được UBCKNN chấp thuận cho mua lô lớn. Trong khi giá mục tiêu 100.000đ/cp lại khá chênh lệch so với thị giá GAS trên thị trường thời điểm Cty đăng kí mua, kết quả không… bất ngờ là GAS chỉ mua vào vỏn vẹn gần 602 nghìn cổ phiếu quỹ, tương đương 6% số lượng cổ phiếu đăng ký mua vào. Nhà đầu tư trên thị trường nói chung, đều dường như đoán trước kế hoạch đăng kí mua cổ phiếu kì quặc của GAS – đăng kí cho có hoặc là có mục đích nào khác.

Kết quả sau cùng là tại thời điểm hiện nay, từ tháng 3 đến tháng 7, cổ phiếu GAS trồi sụt và hiện đang đứng ở mức 57.000đ/CP – chỉ nhỉnh hơn một nửa so với giá mục tiêu các nhà điều hành GAS đặt ra khi mua cổ phiếu quỹ.

HAG – Hoãn mua cổ phiếu quỹ và cái lí khó tin!

Tương tự như GAS, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) cũng là một trường hợp mua cổ phiếu quỹ “khó hiểu”. Ở thời điểm tháng 5/2015, khi thông tin về các khoản nợ đến kì đáo hạn (bằng trái phiếu) đang đè lên HAG với cả một sức nặng chưa tìm được nguồn thanh khoản trả nợ, giá cổ phiếu HAG bốc hơi mạnh mẽ và xuống dưới mức 18.0000đ/CP. 15 triệu cổ phiếu mà Cty này đăng kí mua làm cổ phiếu quỹ, trong đó có 5 triệu cổ phiếu “bầu Đức” đăng kí giao dịch cá nhân với mục tiêu tăng tỷ lệ sở hữu cá nhân lên 44,3%, trong bối cảnh đó được giới phân tích đánh giá là biện pháp rót tiền cứu giá cổ phiếu. Tuy nhiên, ngoài 5 triệu cổ phiếu mà ông Đức đã giao dịch thành công, 10 triệu cổ phiếu của Cty đã được công bố hoãn vào “giờ chót”, khi chỉ còn 3 ngày nữa thời hạn đăng kí mua của HAG kết thúc.

“Thị trường trong bàn tay DN?”

Không chỉ riêng thị trường VN, thị trường thế giới cũng thịnh hành chuyện DN mua cổ phiếu quỹ theo cung cách của các DN lớn nói trên.

Nhìn tổng quát, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia đầu tư phân tích: DN mua cổ phiếu quỹ có nhiều dạng. Có DN nguồn tiền dồi dào nhưng chưa có dự án cần tiền đầu tư thì đăng kí mua cổ phiếu quỹ để làm “của để dành”, có thể bán ra khi giá cổ phiếu tăng, thu nguồn thặng dư về cho cổ đông. Có DN mua cổ phiếu quỹ làm lợi cho các cổ đông hiện hữu nếu các cổ đông có nhu cầu tăng tỷ lệ sinh lời trên cổ phiếu. Hoặc mua cổ phiếu để nếu giá cổ phiếu trên thị trường xuống quá thấp, cổ đông cần được an định tâm lí. Việc Cty đặt mua chính cổ phiếu của mình, tăng lượng về cổ phiếu hoặc đặt giá mua nhiều lần sẽ làm giảm sự giảm giá của cổ phiếu DN trên thị trường (đỡ giá), thậm chí nếu làm tốt DN còn có thể tự “tạo sóng” chứng khoán. Theo đó, làm sao tạo được nhiều nhà đầu tư “bám đuôi” thông tin DN mua cổ phiếu quỹ, trước khi thông tin này chính thức được biến thành “đăng kí mua” của DN trên thị trường, để canh sóng mua và bán. Chẳng hạn với trường hợp GAS, đăng kí mua thì từ tháng 3, nhưng thông tin thì đã được công bố từ tháng 1.

Ngoài ra, cũng có những trường hợp DN đăng kí mua cổ phiếu quỹ để thưởng cho nhân viên, nhưng đây là chuyện hiếm ở VN. DN VN hiện nay chuộng phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên hơn là mua cổ phiếu quỹ để thưởng, bởi cổ phiếu ESOP nếu phát hành thì DN được tăng vốn điều lệ – điều mà các DN đa phần đều muốn đặt mục tiêu để có thể tăng nguồn lực, quy mô, tạo hồ sơ DN tốt hơn về vị thế xét trên thị trường, ngành, lẫn khi đi đàm phán đối tác và đặc biệt khi đi… vay nợ ngân hàng. Còn mua cổ phiếu quỹ thì DN sẽ bị giảm đi một lượng tiền mặt tại Cty, vốn chủ sở hữu trên bảng cân đối kế toán sẽ giảm đi một lượng tương đương. Do đó tổng tài sản cũng sẽ giảm đi làm cho giá trị DN giảm. “Sẽ hiếm có DN nào vì muốn chia cổ phiếu cho cán bộ nhân viên mà chịu chấp nhận giảm giá DN”, ông Hoàn nói.

Một trường hợp cũng liên quan đến mục đích mua cổ phiếu quỹ của DN, là để phân tán bớt ảnh hưởng của nhóm cổ đông, tránh DN trở thành mục tiêu thâu tóm. Mặc dù cổ phiếu quỹ được DN mua không có quyền biểu quyết và không được chia cổ tức, song khi tỷ lệ cổ phần lưu hành của DN giảm xuống, cổ phần tập trung trong tay nhóm cổ đông nào đó cũng bị giảm theo. Những người chủ DN có quyền điều hành có thể “rộng tay” chi mua cổ phiếu để giảm sức ép thâu tóm hoặc thậm chí sử dụng cổ phiếu quỹ để chia cho cổ đông, qua đó biến cổ phiếu quỹ – nguồn tài sản chung thành cổ phiếu có quyền biểu quyết, nếu được tập trung hoặc ủy thác có định hướng…

Cuối cùng là các DN mua cổ phiếu quỹ để một thời gian sau điều chỉnh giảm vốn điều lệ, hoặc mua cổ phiếu như một dạng mua gom để tiến tới hủy niêm yết. Hình thức này cũng không phổ biến ở VN, mặc dù thời gian gần đây số DN tự nguyện hủy niêm yết không ngừng tăng.

DN sẽ mất nhiều hơn được

Điểm qua các hình thức mua cổ phiếu quỹ thông dụng, để thấy, hiện Chứng khoán Việt Nam đã có quy định về giao dịch cổ phiếu quỹ, song tùy từng mục đích, các DNNY vẫn có thể “thao túng” các quy định này, theo cách của mình.

Nếu bỏ ngoài cái lợi là “bệ đỡ tinh thần” cho nhà đầu tư và cho cả thị trường ở một vài giai đoạn, việc công bố mua cổ phiếu quỹ của DN sẽ là bất lợi nếu chỉ mua trên… “giấy”, tức công bố mà không mua. Đây thậm chí có thể ví như DN cố tình hoặc vô tình tạo thông tin tích cực giả cho cổ phiếu của mình hoặc gây ra định giá DN dự phóng sai lệch, bóp méo EPS dự phóng khiến nhà đầu tư khó có thể xác định giá trị thực của DN. Ở nhiều trường hợp như vậy, ranh giới giữa cái lợi và mặt trái của thông tin mua cổ phiếu quỹ sẽ không có quy định, chế tài nào quản lí được.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Cố vấn cao cấp Cty Tư vấn Đầu tư IWCC, chuyện mua cổ phiếu quỹ của DN cũng có thể phát sinh nhiều điểm bất lợi khác mà ít ai quan tâm. Nếu DN mua cổ phiếu quỹ, trừ phi có thể đạt lợi ích thặng dư vốn nếu bán được giá cao, nhưng bản chất tài chính là DN sẽ giảm tiền mặt hoặc khi khởi động dự án đầu tư DN sẽ mất chủ động về nguồn vốn dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình quản trị DN, bị động nếu cần một nguồn tiền chớp cơ hội đầu tư nhanh chóng. Khả năng sinh lời của DN cũng sẽ giảm nếu xét về dài hạn. Xu hướng chung hiện nay là thị trường M&A cũng đang là đề tài nóng và cũng là cơ hội hoặc thách thức đối với DN VN do vậy DN đầu tư mua vào cổ phiếu quỹ cũng sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối về định giá DN của mình đồng thời mất cơ hội đón nhận nguồn vốn đầu tư nước ngoài đang đổ vào thị trường VN.

Hơn thế, ở VN, DN cũng thường chỉ tung chiêu mua cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu đang giảm. Giá cổ phiếu giảm đồng nghĩa nhà đầu tư đang chưa đặt niềm tin vào DN. Vực lại niềm tin đó bằng mua cổ phiếu quỹ, nói cho cùng cũng sẽ chỉ như một “thủ thuật” mà với nhà đầu tư đã được sàng lọc trên thị trường 15 năm và không dễ “mắc câu”, DN có khi sẽ mất nhiều hơn được!

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên