MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua hay không mua?

Giá của nhiều CP đã hấp dẫn, một số CP thậm chí đã chạy trước thị trường, nhưng diễn biến của VN Index hay HNX Index vẫn vô cùng thất thường. NĐT đang phải đối mặt với việc tham gia hay đứng ngoài thị trường.

Dồn nén…

Trong 10 phiên giao dịch gần nhất, số phiên giảm của VN Index (7 phiên) nhiều hơn tăng (3 phiên). Điều đáng lo ở đây là càng về sau, đỉnh của mỗi đợt phục hồi càng thấp. Ngày 30-12-2015 đỉnh là 579 điểm, sau đó giảm 3 phiên liên tiếp xuống 569 điểm, phục hồi 1 phiên lên 574 điểm (6-1), nhưng lại xuất hiện thêm 3 phiên giảm xuống 558 điểm rồi phục hồi lên 564 điểm (12-1), nhưng ngay sau đó lại là 1 phiên giảm xuống sát 560 điểm vào 13-1.

Đến đây sẽ có 2 giả thiết được đặt ra: Thứ nhất, thị trường đang bắt đầu xu hướng giảm khi các đợt phục hồi càng lúc càng yếu và đáy sau thấp hơn đáy trước. Thứ hai, VN Index đang bị dồn nén để tạo đáy trung hạn và chuẩn bị cho đợt sóng mới.

Với giả thiết thứ nhất, cần xác định vùng hỗ trợ tâm lý 550 điểm hiện được xem là khá mạnh đối với thị trường, còn theo phân tích kỹ thuật là vùng 555-560 điểm. Tính đến thời điểm này, cả 2 vùng vẫn được giữ khá vững, tuy nhiên với việc có một loạt phiên điều chỉnh, VN Index cũng đã ngấp nghé khả năng xâm phạm các vùng hỗ trợ này.

Nếu xét trên điểm số, một số NĐT có thể cảm thấy bi quan, nhưng nhìn vào diễn biến của thị trường lại cho thấy không ít cơ hội đang xuất hiện. Đơn cử, phiên 13-1, EIB tăng trần từ 11.300 đồng/CP lên 12.000 đồng/CP. Sau một thời gian dài lình xình quanh vùng 8.7, chỉ sau 2 phiên giao dịch, SKG đã tăng lên gần 9.6. Một số CP có sức bật cũng như dự báo KQKD quý IV-2015 tích cực cũng đã tranh thủ đà phục hồi trong phiên 12-1 để tăng mạnh, vượt qua cả phần sụt giảm trước đó.

Ngày 13-1, mặc dù VN Index đã điều chỉnh vào cuối phiên, nhưng mốc 560 điểm vẫn được giữ vững. Vấn đề của thị trường có lẽ là chưa có sự đồng thuận. Bên mua vẫn còn rụt rè chưa giải ngân mạnh tay, trong khi những người nắm giữ CP vẫn bị dao động khi thị trường rung lắc và vẫn có thể bán ra ồ ạt.

Về việc VN Index đang bị dồn nén, lực nén xuất phát chủ yếu từ 2 nguồn là marginkhối ngoại bán ròng. Phiên 13-1, khối ngoại đã bán ròng hơn 82 tỷ đồng tại HOSE và tính từ đầu năm 2016 đến nay chưa có phiên nào khối ngoại mua ròng tại sàn này, sự khác biệt chỉ là bán ít bán nhiều.

Khoan bàn đến nguyên nhân bán ròng của khối ngoại, nhưng có một điều rõ ràng là khi một lượng lớn CP được tung ra thị trường, bên mua không vội gì vào hàng, thay vào đó cứ mua túc tắc với giá tốt nhất. Nhưng cũng cần nhắc lại, khi CP ngân hàng có đợt bùng nổ đầu tiên cách đây 1 năm, dòng tiền dẫn dắt đến từ NĐT trong nước.

Về margin, khi VN Index giảm từ 600 điểm xuống vùng 560 điểm, một lượng lớn đã được các CTCK thu hồi, nhưng áp lực vẫn còn tồn tại ở một số CP nhất định. Nguyên nhân nằm ở chỗ thị trường khó khăn hơn, áp lực sinh lời trở nên cao hơn sẽ khiến NĐT mạo hiểm nhiều hơn. Khả năng sinh lời hạn hẹp nên khi tìm được CP hấp dẫn, NĐT sẽ gia tăng lượng margin nhằm mua được nhiều CP hơn và hưởng lời trên số lượng.

Hoặc nhận thấy CP có giá hấp dẫn, NĐT sẽ mua vào và chờ đợi thời cơ đến, đặc biệt là mùa công bố KQKD quý IV-2015 đang đến. Nhưng mấu chốt của vấn đề là khi CP giảm dần về một mức giá hợp lý, dù khối ngoại có bán ròng hay lượng CP giải chấp (nếu có) cũng không tạo ra áp lực cho bên mua nữa.

Để tạo sức bật?

Các chỉ số và thanh khoản có thể khiến một số NĐT chán nản và cho rằng thị trường chưa có điểm gì tích cực, nhưng cơ hội của thị trường vẫn còn. Vấn đề cần phải xác định ở đây là sự dịch chuyển của dòng tiền sẽ như thế nào để NĐT có thể lựa chọn những CP với mục đích trú ẩn và chờ đợi giá tăng.

Tính từ đầu năm 2016 đến nay, mặt bằng chung của nhóm blue chip gần như không thay đổi, tức không tăng nhưng cũng không giảm. Như vậy, những blue chip hứa hẹn KQKD quý IV-2015 khả quan vẫn có thể là sự lựa chọn hợp lý. Phiên 12-1, bên cạnh sự bùng nổ của toàn thị trường khi VN Index tăng hơn 6 điểm, tương đương 1,15%, đạt 564 điểm, diễn biến nhóm CP bất động sản có thể là một điểm sáng.

Và phiên 13-1, nhóm CP này đồng loạt điều chỉnh nhưng mức độ khá thấp, và giá vẫn còn cao hơn so với vài phiên trước. Bên cạnh nhóm CP BĐS, như đã nói ở trên, nhóm CP cơ bản rất biết “tranh thủ” tăng giá, nghĩa là khi thị trường giảm, nhóm này cũng giảm theo, nhưng khi thị trường phục hồi thì tỷ lệ thường cao hơn tỷ lệ chung và đồ thị vẫn theo chiều đi lên.

Nhiều khả năng, vùng 550 điểm có thể bị thử thách trong một số phiên tiếp theo và nếu trụ vững cộng với thanh khoản gia tăng vượt mốc 2.500 tỷ đồng/phiên (cho cả 2 sàn), khả năng một đợt tăng tích cực cho đến trước Tết Nguyên đán có thể xuất hiện.

Trường hợp nếu mốc 560 điểm vẫn được giữ nhưng thanh khoản vẫn thấp, xu hướng thị trường vẫn khó được định hình và một số phiên giảm mạnh vẫn có thể xuất hiện trước khi đà phục hồi diễn ra. Khi mùa cao điểm công bố BCTC quý IV-2015 sẽ rơi vào cuối tháng, các yếu tố như diễn biến TTCK quốc tế, giá dầu vẫn có thể tạo ra những tác động ngắn hạn cho thị trường.

Thực tế, đã là dân CK khả năng có thể cầm tiền, đứng ngoài thị trường trong một thời gian dài rất khó xảy ra. Vậy nên, nếu NĐT vẫn mua và giữ CP, lúc này đòi hỏi tính chính xác kèm theo sự kiên định đối với lựa chọn của mình. Trong nhiều năm gần đây, TTCK vẫn thường có những đợt sóng tích cực trước Tết Nguyên đán tùy theo mức độ, nhưng không thiếu cơ hội cho những người khôn ngoan và kiên nhẫn.

Theo Ngọc Trúc

Sài Gòn Đầu tư Tài Chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên