MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Mượn danh" cổ đông hiện hữu để phát hành riêng lẻ?

Có một điểm mấu chốt khiến cổ phiếu chào bán riêng lẻ không đủ hấp dẫn đối với nhà đầu tư là điều khoản về hạn chế chuyển nhượng. Trong khi bán cho cổ đông hiện hữu lại không phải chịu bất lợi đó.

Thị trường đang trên đà tăng trưởng, không ít doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội để phát hành cổ phiếu, một cách "in tiền" thông dụng nhất, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn cổ đông của doanh nghiệp đó. Cách được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhất vẫn là phương án phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu - là phương án dễ tìm được sự đồng thuận của đại hội cổ đông công ty.

Tuy nhiên, quan sát khá nhiều doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy, dường như mục đích cuối cùng của các đợt phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu không phải là....cổ đông hiện hữu, mà là các cá nhân/tổ chức khác - là phương án 2 khi việc phát hành không được như ý.

Cổ đông hiện hữu mua không đáng kể


Có thể kể đến Đức Long Gia Lai (DLG) với phương án phát hành 69,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Thế nhưng, số lượng cổ phiếu cổ đông hiện hữu mua chỉ đạt 20,6 triệu đơn vị, tương đương 29,6% số lượng chào bán. Toàn bộ 49,1 triệu cổ phiếu chưa bán hết nhanh chóng được Đức Long Gia Lai phân phối cho 15 cá nhân với giá bán bằng mệnh giá.

Tương tự, An Dương Thảo Điền (HAR)Tập đoàn Thiên Quang (ITQ) phát hành lần lượt 18,2 triệu và 5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên, số lượng cổ phiếu cổ đông hiện hữu đặt mua chỉ ở mức 10,6% đến 19,3% số lượng chào bán. Cũng rất nhanh chóng, các cá nhân nhỏ lẻ đã "nhảy vào" mua nốt toàn bộ số lượng cổ phiếu còn "ế" của các đợt phát hành nói trên.

Trường hợp đáng nói nhất phải kể đến KTB. Với giá hiện hành chỉ ở quanh mức 6.500 đồng/cổ phiếu (hồi cuối tháng 7, lúc công ty chào bán cổ phiếu phát hành thêm), Khoáng sản Tây Bắc mạnh dạn chào bán tới 13,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Với những tính toán thông thường, mức hấp dẫn của cổ phiếu phát hành thêm gần như không có. Không ngoài dự đoán, chỉ có 355 cổ phiếu được cổ đông hiện hữu đặt mua - chiếm tỷ lệ không đáng kể.

Vậy mà, KTB chẳng nao núng trước kết quả đáng buồn đó, khi có tới 14 nhà đầu tư rót gần 134 tỷ đồng để mua lại toàn bộ số lượng cổ phiếu còn dư. Trong đó có bà Nguyễn Thị Hiên - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu, tương đương số tiền bỏ ra 10 tỷ đồng.

Có lẽ, với những dẫn chứng trên, khó có ai tin phương án bán cổ phần "ế" cho các cá nhân là phương án 2, là giải pháp tình thế khi phương án 1 (chào bán cho cổ đông hiện hữu không thành công). Trường hợp của KTB cũng như của các doanh nghiệp khác đủ để nhà đầu tư tin rằng doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo đợt chào bán thành công 100%.

Lách luật?


Những trường hợp chúng tôi đã nêu ở trên, về khía cạnh nào đó, giống với việc chào bán riêng lẻ hơn là cho cổ đông hiện hữu, khi phần lớn cổ phần được các cá nhân gom về. Vậy, khác nhau ở đây là gì? Và tại sao các doanh nghiệp lại lựa chọn phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, thay vì chào bán riêng lẻ?

Trao đổi với lãnh đạo một công ty chứng khoán, bà cho biết hiện nay thủ tục chào bán cổ phần riêng lẻ, tuy có phức tạp hơn so với chào bán cho cổ đông hiện hữu, nhưng chưa chắc đó đã là rào cản cho các doanh nghiệp. Có nghĩa là, nếu muốn, họ hoàn toàn có thể lựa chọn phương án chào bán riêng lẻ.

Thế nhưng, có một điểm mấu chốt khiến cổ phiếu chào bán riêng lẻ không đủ hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đó là điều khoản về hạn chế chuyển nhượng. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ thông thường bị hạn chế chuyển nhượng trong thời gian từ 1 năm trở lên. Trong khi cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu lại không phải chịu bất lợi đó, có thể trao tay bất cứ khi nào.

Một khi chào bán cho các cá nhân được coi là phương án xử lý cho đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu, đương nhiên, sẽ được hưởng các chính sách của đợt chào bán cho cổ đông hiện hữu. Nói ngắn gọn, cổ phiếu sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng, mặc dù bản chất vẫn là chào bán riêng lẻ.

Đây là một lựa chọn tương đối khôn ngoan của các doanh nghiệp. Họ hoàn toàn có thể chào bán cổ phiếu, thu hút vốn, các cổ đông cũng thỏa mãn hơn khi tính thanh khoản của cổ phiếu được đảm bảo. Về mặt quản lý, đây là một "lỗ hổng" đã được các doanh nghiệp tận dụng triệt để.

Dấu ấn của các cá nhân trong các thương vụ khủng, chúng tôi xin nói vào một dịp khác.

Đan Nguyên

thunm

Tài chính Plus

Trở lên trên