Trong những câu chuyện trao đổi xoay quanh về thị trường
chứng khoán (TTCK) năm 2011, các chuyên gia đều bày tỏ niềm lạc quan và kỳ vọng
tốt đẹp về thị trường năm tới. Những rủi ro vẫn còn đó nhưng thị trường sẽ
thích nghi với điều này và từng bước phục hồi.
Rủi ro vẫn còn nhưng
sẽ dịu bớt
Nhìn chung các chuyên gia chứng khoán đều nhìn nhận các rủi
ro như lạm phát, lãi suất, tỷ giá, sức mạnh của dòng tiền, tâm lý nhà đầu tư…
trong năm 2010 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến TTCK trong năm 2011 tuy nhiên mức độ
ảnh hưởng sẽ dịu lại.
Theo quan điểm của ông Lê Anh Thi - Phó Tổng Giám đốc CTCK
Âu Việt (AVS), tỷ giá và CPI sẽ là trọng tâm vĩ mô trong năm tới nhưng TTCK sẽ
thích nghi với điều này. Đây sẽ là đặc điểm khác biệt của TTCK năm 2011 so với
năm 2010 và thị trường hoàn toàn có thể có những lần giao dịch với khối lượng
giao dịch tăng cao và chỉ số tăng điểm mạnh.
Cụ thể, áp lực tỷ giá điều chỉnh xuất phát từ vấn đề cân
bằng cung cầu ngoại tệ chứ không thuần túy do vấn đề nhập siêu. Ông dự báo tỷ
giá sẽ điều chỉnh trung bình 5-7% trong năm 2011 (tương tự năm 2010) và phần
lớn sẽ thực hiện sớm vào nửa đầu năm 2011. Áp lực điều chỉnh tỷ giá nhiều khả
năng sẽ giảm đi trong 6 tháng cuối năm khi dòng tiền đầu tư nước ngoài, ODA và
kiều hối dự kiến sẽ tăng khá.
Đề cập đến vấn đề lạm phát và lãi suất, ông Thi dự báo CPI
sẽ tiếp tục ở mức cao hơn 7% trong năm 2011, chủ yếu do áp lực từ điều chỉnh tỷ
giá, xu hướng tăng giá lương thực thực phẩm ở Việt Nam và toàn cầu cùng với
việc điều chỉnh lương tối thiểu, than, điện xăng dầu đầu năm 2011.
Ông dự báo lãi suất cơ bản sẽ duy trì trong khoảng 8-10%/năm
trong năm tới và nhiều khả năng lãi suất cơ bản sẽ tăng đầu năm và giảm về cuối
năm. Tuy nhiên, tương tự 2010, nhà đầu tư sẽ theo dõi lãi suất thực trên thị
trường hơn là lãi suất cơ bản.
Đồng quan điểm, bà Lê Nguyệt Ánh - Phó phòng phân tích CTCK
ACB (ACBS) cho biết: “Vào thời điểm hiện tại, các vấn đề về lãi suất và tỷ giá
chưa hoàn toàn được giải quyết, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường,
đặc biệt là trong nửa đầu năm 2011”.
Ông Phan Dũng Khánh - Trưởng Phòng Phân tích & Tư vấn
Đầu tư CTCK KimEng (KEVS) cũng nhất trí rằng, lạm phát và lãi suất sẽ bớt căng
thẳng, dần dần tạo tâm lý tốt cho nhà đầu tư. Ngoài ra, việc nhiều tổ chức,
chuyên gia kinh tế trên thế giới dự báo nền kinh tế thế giới tăng trưởng (mặc
dù chậm nhưng bền vững) trong năm 2011 cũng sẽ là một yếu tố tác động lớn đến
kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước sẽ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh
hơn. Do đó, hiệu quả sẽ dần cải thiện và ủng hộ TTCK tốt lên kể từ năm 2011 cho
đến các năm sau.
Và những kỳ vọng
Ông Lê Anh Thi: Thị trường sẽ từng bước phục hồi
Tôi lạc quan về TTCK năm 2011 và tin rằng thị trường sẽ từng
bước phục hồi vững chắc. Tôi mạnh dạn đưa ra một số dự báo như sau:
Thứ nhất, dòng tiền từ phía NĐTNN tiếp tục tăng mạnh, nhất
là ETF và P-Notes. Đáng lưu ý là năm 2012 là thời hạn nhiều quỹ đóng thoái vốn,
dự báo ĐHCĐ thường niên 2011 và 2012 của các quỹ này sẽ sôi động và quan trọng.
Thứ hai, các cổ phiếu mid-cap, vốn hóa trung bình sẽ là tâm
điểm của thị trường. Trong khi đó, các cổ phiếu bluechips vốn hóa lớn sẽ tiếp
tục khó khăn và các chủ đề đầu tư vẫn tiếp tục thay đổi nhanh như năm 2010.
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng tuy không trở lại vai trò dẫn
dắt thị trường nhưng sẽ từng bước hồi phục khi lãi suất giảm và các ngân hàng
nhỏ đóng đủ vốn 3,000 tỷ đồng. Nếu như năm 2010 là năm niêm yết của ngành chứng
khoán thì năm 2011 sẽ là năm của ngành ngân hàng.
Bên cạnh đó, cổ phiếu ngành bất động sản tiếp tục có nhiều
đợt sóng trong năm 2011 cùng với sự hồi phục của thị trường bất động sản. Ngoài
ra, cổ phiếu ngành dầu khí cũng có ảnh hưởng do số lượng lên sàn lớn và Tập
đoàn dầu khí có chiến lược thoái vốn. Trong khi cổ phiếu ngành chứng khoán sẽ
giảm dần vai trò do nhà đầu tư không kỳ vọng lợi nhuận đột biến ở ngành này.
Thứ ba, khối lượng giao dịch sẽ theo xu hướng tăng dần do
quy mô thị trường đã thay đổi. Khả năng giao dịch T+2, cho phép mua bán trong
phiên sẽ góp phần đáng kể làm gia tăng khối lượng và giá trị giao dịch. Đồng
thời, các sản phẩm phái sinh sẽ từng bước phát triển, giúp thị trường cân bằng
hơn và nhà đầu tư sẽ hạn chế được rủi ro.
Thứ tư, Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực sẽ giúp nâng
cao công tác giám sát thị trường và điều kiện phát hành, niêm yết chặt chẽ hơn.
Tình trạng “làm giá” và đòn bẩy tài chính tràn lan có khả năng sẽ giảm, giúp
cho chỉ số không có những đợt giảm mạnh do làn sóng giải chấp.
Thứ năm, chỉ số HNX-Index tiếp tục phản ánh biến động của
thị trường trung thực hơn chỉ số VN-Index do việc nâng đỡ VN-Index thông qua
một số cổ phiếu có vốn hóa lớn.
Cuối cùng là dưới áp lực cạnh tranh, các CTCK sẽ ngày càng
phát triển sâu hơn: chất lượng phục vụ, tính năng công nghệ, chất lượng tư vấn
và quan hệ với doanh nghiệp…
Cá nhân tôi cho rằng VN-Index có thể đạt 550-600 điểm trong
năm sau.
Ông Phan Dũng Khánh:
TTCK sẽ đi vào chu kỳ tăng trưởng
Năm 2011, theo tôi TTCK sẽ đi vào chu kỳ tăng trưởng sau
nhiều năm sụt giảm từ 2007. Đây là cơ hội lớn cho những nhà đầu tư chứng khoán
so với những kênh đầu tư khác vì chứng khoán đang ở mức thấp, rõ ràng cơ hội
của TTCK cao hơn và ít rủi ro. Chưa kể, giá trị đồng tiền giảm đi nghĩa là giá
trị các loại hàng hóa trở nên rẻ hơn mà TTCK vẫn giảm điểm cho thấy chứng khoán
ngày càng rẻ .
Ngoài ra, tính theo chu kỳ thì sau chu kỳ giảm giá mạnh thì
hiện nay thị trường đang bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng trở lại.
Về cơ bản dù nền kinh tế và thị trường tài chính còn nhiều
vấn đề khó khăn, tuy nhiên đây chính là sự vận động tất yếu của một chu kỳ kinh
tế. Nền kinh tế cùng với thị trường lúc nào cũng có những vấn đề cần phải giải
quyết, khi vượt qua thì thị trường sẽ phát triển mạnh mẽ, ổn định và bền vững
hơn. Thị trường cũng đã phản ánh điều này từ mấy năm nay thậm chí có nhiều chuyên
gia cho rằng đã phản ánh hơi quá mức. Do đó, theo tôi mức đáy của 2 sàn HO và
HA sẽ khó quay trở lại.
Bà Lê Nguyệt Ánh: Thị
trường sẽ vận hành nhịp nhàng và ít rủi ro hơn
Tôi giữ quan điểm khá tích cực về thị trường niêm yết trong
năm 2011. Vào thời điểm hiện tại, nhiều cổ phiếu đang giao dịch mức thấp hơn
nhiều so với giá trị nội tại trong khi chỉ số P/E của thị trường Việt Nam hấp dẫn
nhiều so với khu vực. Đây là động lực chính cho thị trường phục hồi khi các yếu
tố vĩ mô ổn định hơn.
Tuy nhiên trong ngắn hạn (quý 1/2011), các thông tin về tỷ
giá, lãi suất và CPI có thể vẫn tác động tiêu cực đến thị trường.
Ngoài ra, trong năm 2011, cùng với các biện pháp của cơ quan
quản lý, nhiều khả năng chúng ta sẽ có một thị trường vận hành nhịp nhàng hơn
và ít rủi ro hơn cho nhà đầu tư.
Theo Viết Vinh
Vietstock