Vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất là vướng mắc lớn
nhất trong quá trình cổ phần hóa.
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109/2007/NĐ-CP về cổ
phần hóa DN 100% vốn nhà nước đã được Bộ Tài chính đăng tải trên trang web
www.mof.gov.vn nhằm lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trước khi trình Chính phủ xem
xét, ban hành.
Dưới đây là 5 điểm mới căn bản trong Dự thảo Nghị định, mà nếu
được thông qua sẽ tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nói chung
và chuyển đổi DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần nói riêng, ngăn chặn
thất thoát vốn và tài sản nhà nước tại DN.
Một là, lựa chọn và có chính sách ưu đãi phù hợp cho cổ đông
chiến lược đối với DN cổ phần hóa. Thời gian qua, với cơ chế quy định tại Nghị
định 109/2007/NĐ-CP, hầu hết DN cổ phần hoá đều không lựa chọn được NĐT chiến
lược thực sự, kể cả DN lớn, có uy tín và thương hiệu như Vietcombank, Sabeco…
Trong khi đó, một trong những mục tiêu xuyên suốt của quá trình cổ phần hóa đó
là thực hiện đa sở hữu, nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới
phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của DN.
Thời gian
tới, để đạt được mục tiêu này trong quá trình cổ phần hóa các tập đoàn, tổng
công ty nhà nước và DN 100% vốn nhà nước hoạt động trong những ngành, lĩnh vực
đặc thù, Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định xác định phương thức bán cổ phần
linh hoạt hơn, gồm cả bán trước và bán sau khi bán đấu giá công khai.
Trường
hợp bán cổ phần cho NĐT chiến lược sau khi đấu giá công khai thì giá bán do Ban
chỉ đạo cổ phần hóa thỏa thuận trực tiếp với NĐT chiến lược, nhưng không thấp
hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai.
Trường hợp đấu
thầu hạn chế thì giá bán được xác định theo kết quả đấu thầu hạn chế giữa các
NĐT chiến lược, nhưng không thấp hơn giá khởi điểm của cuộc đấu thầu đã được cơ
quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp thoả thuận trực tiếp trước khi thực
hiện đấu giá công khai là giá thỏa thuận giữa các bên, nhưng không thấp hơn giá
khởi điểm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Hai là, xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá
trình cổ phần hóa được tăng cường, đảm bảo ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản
nhà nước. Cơ chế cổ phần hoá hiện nay yêu cầu DN phải tổ chức rà soát và xử lý
các tồn tại về tài chính (nếu có) nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính, thực
chất là nghiệp vụ tái cấu trúc lại DN trước khi bán cổ phần.
Tuy nhiên, trên
thực tế, một số DN đợi đến thời điểm xác định giá trị DN mới tiến hành xử lý
tồn tại về tài chính, nên thời gian định giá DN bị kéo dài. Dự thảo Nghị định
đã bổ sung các quy định yêu cầu DN phải đối chiếu toàn bộ các khoản công nợ; phải
có văn bản thông báo để cơ quan thuế tiến hành kiểm tra quyết toán thuế xác
định chính xác nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách trước khi công bố giá trị
DN; quy định rõ những tài sản không được loại trừ ra khỏi giá trị DN và DN phải
có trách nhiệm xử lý dứt điểm trước khi chuyển đổi; phải xác định giá trị vốn
góp của công ty mẹ tại các công ty con, 100% vốn công ty mẹ thì phải tiến hành
định giá lại giá trị của công ty con như khi xác định giá trị DN 100% vốn nhà
nước cổ phần hóa.
Ba là, xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất
trong giá trị DN cổ phần hóa. Đây có thể coi là vấn đề vướng mắc lớn nhất trong
quá trình cổ phần hóa thời gian qua.
Việc xác định giá đất sát với giá chuyển
nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường là
rất khó thực hiện, vì đối với diện tích đất sản xuất - kinh doanh thì hầu như
không có giao dịch (chỉ có đất ở là có giao dịch). Do vậy, không có căn cứ để
UBND cấp tỉnh có thể quyết định một cách kịp thời về giá đất sát với giá chuyển
nhượng quyền sử dụng đất thực tế.
Trong khi chưa sửa Luật Đất đai và chính sách
về thuê đất theo hướng sát với thị trường thì Dự thảo Nghị định đã quy định rõ
trường hợp DN được thuê những diện tích đất đô thị, có lợi thế vị trí địa lý
đều phải xác định giá trị lợi thế vị trí địa lý của lô đất thuê theo thời hạn
thuê đất còn lại, diện tích đất thuê và chênh lệch giá thuê đất hàng năm.
Đồng
thời, Dự thảo yêu cầu DN cổ phần hóa có trách nhiệm rà soát, xây dựng và gửi
phương án sử dụng đất đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa
bàn trước khi thực hiện xác định giá trị DN.
Bốn là, chính sách bán cổ phần cho người lao động trong DN
cổ phần hoá. Về cơ bản, chính sách ưu đãi cho người lao động trong DN đã được
kế thừa và duy trì qua các giai đoạn. Tuy nhiên, khi cổ phần hóa các DN quy mô
lớn, lực lượng lao động trẻ có thâm niêm công tác ít, nhưng muốn gắn bó và cống
hiến lâu dài cho DN, thì số cổ phần mua ưu đãi như hiện nay chưa thực sự hấp
dẫn. Để khắc phục, Dự thảo Nghị định bổ sung nội dung:
- Người lao động trong danh sách thường xuyên của DN tại
thời điểm công bố giá trị DN cổ phần hoá, thuộc đối tượng DN cần sử dụng và có
cam kết làm việc lâu dài cho DN trong thời hạn ít nhất là 3 năm (kể từ ngày DN
được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu) sẽ được mua thêm cổ phần
ưu đãi theo mức 200 cổ phần/1 năm cam kết làm việc tiếp trong DN, với mức giá
bằng giá đấu thành công thấp nhất (trường hợp đấu giá công khai trước) hoặc
bằng giá khởi điểm bán cho các NĐT chiến lược (đối với trường hợp bán thoả
thuận trước).
Tuy nhiên, số cổ phần của người lao động mua thêm này bị hạn chế
chuyển nhượng trong thời gian 3 năm; trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
trước thời hạn đã cam kết thì phải bán lại cho công ty số cổ phần đó theo giá
đã được mua, nhưng không cao hơn giá giao dịch cổ phiếu bình quân của công ty
trên thị trường.
- Riêng người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ
chuyên môn nghiệp vụ cao làm việc tại DN, đồng thời có cam kết làm việc lâu dài
cho DN từ 3 năm trở lên sẽ được mua thêm theo mức mỗi 500 cổ phần/1 năm cam kết
làm việc tiếp trong DN, với mức giá quy định như trên.
Năm là, tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực
và trách nhiệm của các tổ chức tài chính trung gian, các công ty kiểm toán, tư
vấn... khi tham gia hoạt động hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi DN.
Do đối tượng
cổ phần hoá trong thời gian tới là chủ yếu các DN có quy mô lớn và hoạt động
trong những ngành, lĩnh vực đặc thù, nên Dự thảo Nghị định đã bổ sung nội dung
yêu cầu cơ quan kiểm toán nhà nước kiểm toán lại kết quả xác định giá trị DN và
xử lý các tồn tại về tài chính trong giai đoạn này.
Dự thảo Nghị định quy định thời hạn cụ thể và chế tài xử lý
đối với việc nộp các khoản thu từ cổ phần hoá về Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN cùng
cấp. Sau thời hạn quy định, DN cổ phần hoá phải nộp thêm tiền lãi tính theo lãi
suất tiền vay quá hạn của khoản vay có thời hạn 3 tháng tại ngân hàng thương
mại nơi DN cổ phần hoá mở tài khoản. Khoản phạt chậm nộp này DN cổ phần hoá
không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập DN và dùng nguồn lợi
nhuận sau thuế thu nhập để bù đắp.
Đối với các DN quy mô lớn, có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng,
hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù (bảo hiểm, ngân
hàng, bưu chính - viễn thông, hàng không, khai thác mỏ quý hiếm) và công ty mẹ
thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thì Bộ Tài chính sẽ chủ trì kiểm tra
quyết toán xác định lại giá trị vốn nhà nước tại các DN này tại thời điểm đăng
ký kinh doanh lần đầu.
Theo Thạc sỹ Nguyễn Duy Long
ĐTCK