MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nâng hạng thị trường chứng khoán: Không chỉ là kỳ vọng

Nâng hạng thị trường chứng khoán lên “mới nổi” không chỉ phản ánh kỳ vọng các nhà đầu tư, mà còn là quyết tâm chính trị của Chính phủ

Nâng hạng thị trường chứng khoán lên “mới nổi” không chỉ phản ánh kỳ vọng các nhà đầu tư, mà còn là quyết tâm chính trị của Chính phủ, và nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu ngành chứng khoán trong năm 2016 và các năm tiếp sau.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2016, đại diện Công ty chứng khoán Bản Việt cho rằng, nâng hạng TTCK có thể coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà TTCK Việt Nam phải thực hiện được trong những năm đầu giai đoạn 2016 – 2020.

Tăng hạng hút vốn ngoại

Kiến nghị này không chỉ phản ánh kỳ vọng các nhà đầu tư hiện nay, mà còn là quyết tâm chính trị của Chính phủ, thể hiện qua Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2020 đã được phê duyệt.

Trước hơn 160 nhà đầu tư quốc tế tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại Hoa Kỳ hồi đầu tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng giá trị các doanh nghiệp Nhà nước sẽ được cổ phần hóa ước đạt 25 tỷ USD, số lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài khoảng 3,75 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Đinh Tiến Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận: “với giá trị lớn như vậy, nguồn tiền trong nước chắc chắn sẽ không đủ để hấp thụ hết số cổ phần nói trên”.

Bên cạnh đó, Dự thảo Kế hoạch của Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2016 – 2020 đưa ra giả thiết, toàn bộ các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa được đưa lên giao dịch trên TTCK thì riêng khối doanh nghiệp này sẽ giúp tăng quy mô TTCK lên khoảng 55% - 60% GDP.

Việc nâng hạng sẽ giúp TTCK đạt mục tiêu trở thành kênh huy động vốn chủ đạo cho nền kinh tế, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn trực tiếp, mà không phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, muốn nâng được hạng và hội nhập thành công, đòi hỏi TTCK Việt Nam cũng như doanh nghiệp phải có những cải cách lớn, căn bản, tuân thủ luật chơi chung của quốc tế. Trong đó, đối với ngành chứng khoán, quan trọng nhất là cải cách thể chế và hoàn thiện khung pháp lý theo chuẩn quốc tế. Còn đối với doanh nghiệp lên sàn thì quản trị công ty là yếu tố hàng đầu.

6 tiêu chí để vào danh sách thị trường mới nổi

Hiện các TTCK được phân loại thành ba nhóm từ thấp đến cao, gồm Thị trường cận biên (Frontier Market), Thị trường mới nổi (Emerging Market) và Thị trường phát triển (Developed Market). Trong khi, TTCK Việt Nam hiện đang được xếp vào nhóm Thị trường cận biên. Căn cứ theo danh sách tái xếp hạng của S&P DJ năm 2013, Việt Nam được khuyến nghị nằm trong danh sách nâng hạng lên Thị trường mới nổi. Đây là tín hiệu tốt để Việt Nam có thể được nâng hạng. Tuy nhiên, để chính thức được đưa vào danh sách các Thị trường mới nổi, Việt Nam cần có các chính sách và hoạt động đồng bộ của các thành viên thị trường và cơ quan quản lý Nhà nước và TTCK Việt Nam phải đáp ứng được sáu tiêu chí:

Thứ nhất là cần mở rộng quy mô và thanh khoản của TTCK. Theo đó, cần từng bước xem xét cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tỷ lệ cao hơn tại các doanh nghiệp, lĩnh vực mà Nhà nước không cần kiểm soát;

Thứ hai, Sở GDCK cần hoàn thiện thể chế và hạ tầng công nghệ theo hướng xây dựng thống nhất một Sở GDCK (hiện ở Việt Nam vẫn đang vận hành song song hai Sở GDCK Hà Nội và TP Hồ Chí Minh) với hệ thống giao dịch hiện đại, cấu trúc lại cơ sở hàng hóa, điều kiện niêm yết với các tiêu chí rõ ràng;

Thứ ba, việc đăng ký giao dịch chứng khoán cần tiết giảm các thủ tục hành chính, bổ sung mục về nhà đầu tư là người cư trú và người không cư trú;

Thứ tư, đẩy mạnh công bố thông tin doanh nghiệp và thiết lập hệ thống kế toán theo chuẩn mực quốc tế;

Thứ năm, cần lập trung tâm giải đáp thắc mắc cho nhà đầu tư nước ngoài;

Thứ sáu, cần có chiến lược hội nhập quốc tế theo chiều sâu, tận dụng sự hỗ trợ của các nước có thị trường phát triển.

Luật hóa để giám sát thao túng

Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung) đã được Quốc hội thông qua vào ngày 27/11/2015. Đối với lĩnh vực chứng khoán, ngoài ba tội danh đã có (tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, tội thao túng giá chứng khoán), Luật đã bổ sung thêm một tội danh mới (tội làm giả tài liệu trong hồ sơ chào bán, niêm yết chứng khoán).

Việc bổ sung này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến hoạt động của TTCK.

Cuối tháng 1, ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBCKNN cũng cho biết, trong năm nay nhiều văn bản mới và sắp ban hành, như hướng dẫn thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán; hướng dẫn hoạt động giao dịch chứng khoán; chào bán chứng khoán ra công chúng, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu; hướng dẫn việc thành lập và quản lý quỹ mở.Những văn bản này đã sửa những điểm bất hợp lý, bổ sung các quy định mới, nhằm hạn chế việc lợi dụng sự chưa đồng bộ, trùng lặp của các văn bản pháp quy trước, góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán. Các văn bản mới không chỉ tăng tính minh bạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, mà còn tăng giám sát các hoạt động của TTCK, bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư.

Tại Hội nghị tổng kết của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong năm 2015 thị trường tài chính nhiều nước sụt giảm mạnh, dòng vốn rút ra khỏi các thị trường mới nổi 540 tỷ USD nhưng TTCK Việt Nam vẫn giữ ổn định đà tăng trưởng và được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, giá trị danh mục đầu tư tại Việt Nam hiện đạt quy mô hơn 15 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014 và đây là mức cao nhất từ trước tới nay. Tính chung cả năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục mua ròng lượng cổ phiếu với giá trị lên tới 3.390 tỷ đồng. “So với các nước trong khu vực, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam vẫn có tín hiệu tích cực hơn rất nhiều” ông Đinh Tiến Dũng nói.

Chỉ số thị trường tăng 6,1% trong bối cảnh thị trường nhiều nước giảm mạnh. Tổng giá trị huy động vốn đạt gần 300 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 28% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Quy mô niêm yết năm 2015 gia tăng tích cực, mức vốn hóa thị trường đạt mức 1.360 nghìn tỷ đồng (tăng 17% so với cuối năm 2014) và tương đương 34% GDP; tổng trị giá niêm yết theo mệnh giá tăng khoảng 24%; Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục có kết quả khả quan, doanh thu, lợi nhuận đều ước tăng trưởng hơn 10% so với năm 2014.

Về hoạt động đầu tư, số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,5 triệu tài khoản, tăng hơn 105 nghìn tài khoản (tương đương 7%) so với cuối năm 2014. Giá trị danh mục đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng 12,5% so với cuối năm 2014. TTCK tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp, Chính phủ và là kênh đầu tư có hiệu quả của công chúng./.

Theo Nhân Trí

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên