MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng “toan tính” gì khi đầu tư vào Vietnam Airlines?

Mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vốn đã rất khăng khít hàng chục năm qua. Và giờ, khi “ông lớn” này phải gấp rút giảm sở hữu nhà nước, thì “miếng bánh” cổ phần sẽ được chia lại. Dĩ nhiên, lợi ích sẽ là chất kết dính chặt nhất!

Phương án cổ phần hóa (CPH) đã dành sẵn cơ hội cho một tổ chức tài chính được ưu tiên mua cổ phần, trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines. Tuy nhiên, theo Vietnam Airlines, thứ tự ưu tiên cho 3 NĐT/cổ đông chiến lược tham gia vào tổng công ty này sẽ là một tập đoàn hàng không nước ngoài, sau đó mới tới lượt các NĐT tài chính khác.

Chủ nợthành cổ đông

Phiên đấu giá 49 triệu cổ phần (3,48% vốn điều lệ) lần đầu tiên ra công chúng (IPO) của Vietnam Airlines ngày 14/11 vừa qua được chờ đợi nhất trong năm. Nhưng kết quả đấu giá lại không gây bất ngờ. Vì từ trước đó, đã có hơn 1.600 nhà đầu tư (NĐT) trong và ngoài nước đăng ký mua vượt số lượng cổ phần chào bán.

Trong đó, có sự tham gia của 2 NĐT là Techcombank - tổ chức mà Vietnam Airlines vừa thoái hết vốn và CTCK Vietcombank (100% vốn của Vietcombank). Hai tổ chức này đăng ký mua tới 99% lượng hàng chào bán và sau đó, đã “vét” gần hết cổ phần đấu giá.

Mặc dù tạo được sức nóng từ trước và phiên đấu giá “cháy hàng”, nhưng mức giá bán thành công bình quân chỉ đạt 22.307 đồng/cổ phiếu, gần như bằng giá chào bán. Vietnam Airlines cũng chỉ thu về được hơn 1.093 tỷ đồng.

Trong số này, Techcombank cho biết đã mua được 25.760.000 cổ phần, chiếm 52% số cổ phần đăng ký mua và tương ứng 1,82% vốn Vietnam Airlines. Được biết, Techcombank đã gắn bó hơn 15 năm với Vietnam Airlines - từng là cổ đông sáng lập ngân hàng (sở hữu 20% vốn và giảm dần xuống 2,7% vào cuối 2013).

Techcombank và Vietnam Airlines đã có hơn 15 năm gắn bó

Về lợi ích, Techcombank cũng cho biết ngân hàng là nhà tài trợ vốn lớn cho nhiều dự án trọng điểm của Vietnam Airlines, đơn cử, dự án đầu tư 6 máy bay ATR 72-500, 16 máy bay A321… Bên cạnh đó, ngân hàng thực hiện thu hộ tiền bán vé, cung cấp tài chính cá nhân cho nhân viên tổng công ty và đơn vị thành viên… Đến cuối năm 2013, tổng dư nợ vay dài hạn của Vietnam Airlines tại Techcombank khoảng hơn 1.100 tỷ đồng, thuộc top 4 ngân hàng cấp vốn lớn nhất.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Techcombank bỏ ra khoảng 574,6 tỷ đồng để “ôm” cổ phần Vietnam Airlines. Điều này càng chứng tỏ mối thâm tình hiếm thấy giữa một tổng công ty nhà nước lớn và một NHTM cổ phần ngoài quốc doanh.

Vietcombank cũng đầu tư mua cổ phần hãng hàng không quốc gia, thông qua “công ty con” là Chứng khoán Vietcombank (VCBS). Lượng cổ phần đặt mua khoảng 22.562.900 cổ phần.

Dễ “chen chân”cấp vốn

Là hãng hàng không quốc gia và sở hữu nhà nước sẽ giảm xuống 75%, Vietnam Airlines đang là đích ngắm của nhiều tập đoàn hàng không nước ngoài, tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Trong phương án CPH, sau khi Vietnam Airlines đàm phán, lựa chọn được 1 tập đoàn hàng không nước ngoài thì sẽ lựa chọn tiếp 2 NĐT chiến lược là hãng bay, hoặc các tổ chức tài chính khác.

Tỷ lệ cổ phần bán cho NĐT chiến lược là 20%. Đây sẽ là cơ hội để 1 - 2 ngân hàng trong nước đầu tư vào Vietnam Airlines. Dĩ nhiên, NĐT tài chính này phải có tiềm lực mạnh để tham gia hỗ trợ sâu hơn cho hãng bay.

Cụ thể, trong giai đoạn 2014 - 2018, Vietnam Airlines cần 61.218 tỷ đồng (tương đương 2.708 triệu USD) vốn vay dài hạn để phục vụ mua sắm đội bay và đầu tư xây dựng hạ tầng sân bay, nhà ga.

Đồng thời, trong giai đoạn này, tổng công ty phải thực hiện trả nợ gốc các khoản vay dài hạn ước tính là 44.958 tỷ đồng (tương đương 1,978 triệu USD), chiếm 77,34% tổng dư nợ tín dụng dài hạn (tính đến cuối năm 2018).

Hơn nữa, nhu cầu vay nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines cũng không hề nhỏ để phục vụ điều tiết cân bằng dòng tiền (USD), thanh toán trong thời kỳ cao điểm hoặc thị trường ngoại hối khó khăn… Đơn cử, trong năm 2015, chỉ tiêu vay nợ ngân hàng và nợ đến hạn là 11.625 tỷ đồng, nợ vay dài hạn là 42.539 tỷ đồng.

Số dư tiền và các khoản tương đương tiền cuối kỳ tăng đều qua các năm từ mức 2.162 tỷ đồng (năm 2013) lên mức 13.838 tỷ đồng (cuối năm 2018), chiếm 12,4% doanh thu.

Dòng tiền thu từ sản xuất kinh doanh đảm bảo đủ cân đối cho đầu tư, chi sản xuất kinh doanh trong các năm. Vì từ năm 2015, lợi nhuận của tổng công ty sẽ tăng trưởng đáng kể, trong khi sẽ giảm bớt lưu chuyển tiền vào cuối chu kỳ đầu tư đội bay. Nhờ đó, các chỉ số về khả năng thanh toán của Vietnam Airlines sẽ được cải thiện tốt hơn.

Với ngân hàng, những lợi ích lớn hơn từ khoản đầu tư vào Vietnam Airlines chính là tăng cường quan hệ, khai thác hệ thống DN, tài trợ vốn, quản lý tài chính, cung cấp dịch vụ… để nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài, ổn định.

Nhưng, điều lo ngại là phải có chế tài để tránh chuyện “đi đêm”, khi ngân hàng vừa là cổ đông lớn, vừa là nhà tài trợ vốn, chuyện đã xảy ra ở một số nhà băng và công ty sân sau?

>> IPO Vietnam Airlines – Techcombank đã mua 25,8 triệu cổ phiếu

Theo Hải Hà

thunm

Thời báo kinh doanh

Trở lên trên