MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư thua thiệt vì thuế chứng khoán

Trước đây, quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào các công ty không đại chúng khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, do sự bất cập của chính sách thuế, nên khoản vốn đầu tư này sụt giảm.

Sau một thời gian triển khai, lấy ý kiến, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, do Bộ Tài chính xây dựng vẫn chưa đưa ra hướng khắc phục những bất cập của chính sách thuế chứng khoán hiện hành.

Dự thảo dường như không có điểm nào gỡ khó cho chính sách thuế trên thị trường chứng khoán, dù trước đó, nhiều nội dung của chính sách thuế này đã được các thành viên thị trường phản ánh.

Cụ thể: Theo Luật Thuế TNCN (sửa đổi), hiệu lực từ ngày 1/7/2013, có hai phương pháp tính thuế với khoản chuyển nhượng chứng khoán (cổ phiếu của doanh nghiệp đại chúng) gồm thuế khoán 0,1% trên doanh thu hoặc 20% trên thu nhập chịu thuế, áp dụng với một số đối tượng nhà đầu tư. Còn tại các doanh nghiệp không đại chúng, do không có hướng dẫn nên cách tính mà cơ quan thuế thường áp là 25% trên thu nhập chịu thuế.

Tuy nhiên, với các tổ chức không cư trú tại Việt Nam (các quỹ đầu tư nước ngoài đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam), tính 25% quá bất lợi, bởi họ không được trừ nhiều loại chi phí thực tế bỏ ra trong quá trình đầu tư (chi phí nhân sự, chi phí luật sư, chi phí đi lại…) vào chi phí tính thuế. Thậm chí, nhà đầu tư không được trừ nhiều loại chi phí thực tế phát sinh trong quá trình đầu tư, nên mức thuế mà họ phải đóng có khi lên đến 50 - 60%.

Bên cạnh đó, các tổ chức đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài bị mắc kẹt với các khoản đầu tư vào loại doanh nghiệp này, không thực hiện chuyển nhượng được, hoặc nếu có chuyển nhượng được thì họ lại rất bức xúc với cách tính thuế 25% như đã nói ở trên.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Hoàng Hải – Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, trước đây, có khá nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư vào các công ty không đại chúng, thường là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với tổng giá trị ước khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, do sự bất cập của chính sách thuế, nên khoản vốn đầu tư này sụt giảm, đồng thời các khoản đầu tư mới gần như không phát sinh. Điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung khó thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Mặt khác, khi các doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn thì họ sẽ gặp khó trong kinh doanh, làm giảm doanh thu và lợi nhuận đóng thuế. “Điều đáng báo động mà VAFI nhận được từ các nhà đầu tư là chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán đang làm nản lòng họ, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hải nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế, công ty chứng khoán đã đề xuất trong dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thuế TNDN (sửa đổi), cần quy định rõ thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là 20% trên thu nhập tính thuế cả năm áp dụng đối với trường hợp đối tượng người nộp thuế có chứng từ, xác định được thu nhập tính thuế. Đối với các trường hợp chưa xác định được thu nhập tính thuế, áp dụng thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần

Về phía VAFI, hiệp hội từng nhiều lần kiến nghị cần có chính sách ưu đãi thuế cho quỹ đầu tư (nhất là các loại quỹ mới như quỹ bất động sản, quỹ ETF, quỹ mở...), nhằm hình thành và phát triển cho được ngành công nghiệp quản lý quỹ và cơ chế ưu đãi này cần được đề cập trong các văn bản luật. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Thuế TNDN (sửa đổi) đều không đề cập đến điểm này. Điều này làm cho các quỹ không mặn mà trong việc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Hải khẳng định: “VAFI đang trong quá trình tập hợp thêm ý kiến từ các thành viên, nhằm sớm có quan điểm mới về chính sách thuế đối với lĩnh vực chứng khoán, tránh quan niệm cho rằng, đầu tư vào chứng khoán là đánh bạc, là cuộc chơi của nhà giàu, nên cần đánh thuế thật nặng như hiện nay. Quan trọng hơn cả là phải thực hiện chính sách thuế ưu đãi đối với ngành chứng khoán như đối với một số lĩnh vực khác”.

Theo Nguyễn Hải

phuongmai

Báo Công thương

Từ Khóa:
Trở lên trên