MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhận diện tác động của tỷ giá đến 5 ngành cơ bản

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp các DN có cơ hội nâng cao tỷ suất lợi nhuận trong hoàn cảnh hiện nay.

Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD từ ngày 18/8/2010 từ mức 18.544 VND/USD lên mức 18.932 VND/USD và giữ nguyên biên độ tỷ giá ở mức +/-3% đã thu hút được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư cũng như giới phân tích ở nhiều góc độ khác nhau. Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi xin được phân tích ảnh hưởng của việc điều chỉnh tỷ giá đối với hoạt động kinh doanh của một số DN thuộc các ngành được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Sữa

Hiện nay, ở Việt Nam đến 80% nguyên liệu sản xuất sữa bột là nhập khẩu. Vì vậy, khi NHNN điều chỉnh tỷ giá USD/VND tăng thêm 2% sẽ đẩy mức chi phí đầu vào của các DN ngành sữa lên cao. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời tạo cơ hội để các công ty sữa đẩy giá bán lẻ của mình và mức tăng thường cao hơn mức tỷ giá điều chỉnh. Do đó, lợi nhuận của các công ty sữa trong 2010 dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng mạnh bởi biến động của tỷ giá. Hiện nay, Thông tư 104/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính tỏ ra chưa hiệu quả trong việc quản lý biến động giá sữa. Một số lỗ hổng của thông tư như quy định các công ty chỉ bị áp dụng các biện pháp bình ổn giá khi giá bán lẻ sản phẩm của mình tăng 20% trong vòng 15 ngày liên tục. Trên thực tế, mỗi lần điều chỉnh giá bán lẻ, các hãng sữa chỉ tăng khoảng 5-7% vẫn dưới mức 20% như quy định. Từ đầu năm, các hãng sữa bột cũng đã vin vào cớ tỷ giá biến động để liên tục đẩy giá sữa bán lẻ của mình lên. Ngày 21/8, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 112/2010/TT-BTC sửa đổi thông tư 104/2008/TT-BTC nêu trên. Theo đó, mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ phải đăng ký giá bán khi bán hàng lần đầu và trước khi điều chỉnh giá. Nhiều khả năng các hãng sữa sẽ có thêm một đợt tăng giá nữa trước khi Thông tư 112 có hiệu lực.

Thủy sản

Là các DN xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp các DN có cơ hội nâng cao tỷ suất lợi nhuận trong hoàn cảnh hiện nay. Đầu vào nhập khẩu của ngành chỉ có nguyên liệu chế biến thức ăn thuỷ sản (ngô, bột mỳ, đậu nành) và với việc bản thân giá của các mặt hàng này đang có dấu hiệu gia tăng thì trong vài quý tới, điều này sẽ bắt đầu làm tăng giá nguyên liệu cá đầu vào, nhưng mức độ ảnh hưởng này sẽ thấp hơn việc tăng giá xuất khẩu. Trước mắt, nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn tồn kho còn tương đối khá và thuỷ sản nguyên liệu vẫn được nuôi theo thức ăn giá thấp. Tuy nhiên, với việc cạnh tranh nội bộ ngành ở mức khá cao, có khả năng các DN nhỏ sẽ lợi dụng điều này để giảm giá xuất khẩu, để đẩy mạnh doanh thu và điều này sẽ gây tác động không tốt đến toàn ngành nói chung.

Vận tải biển

Các DN trong ngành vận tải biển, đặc biệt là các DN vận tải hàng rời, thường có tỷ lệ lớn doanh thu (70-100%) bằng ngoại tệ, nhưng chi phí chính là nhiên liệu cũng thường bằng ngoại tệ do phải mua tại các cảng nước ngoài. Với tình hình diễn biến giá cước vận tải như hiện nay, thì việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp các biên lợi nhuận gộp được cải thiện. Tuy nhiên, việc đầu tư đổi mới đội tàu khiến các DN vận tải có các khoản vay bằng USD khá lớn (từ 30- đến trên 100 triệu USD tuỳ DN) và việc phải trích lập các khoản lỗ do chênh lệch đánh giá lại các khoản nợ bằng ngoại tệ, cũng như chi phí lãi vay có thể sẽ tương đương, hoặc trong một số trường hợp, lớn hơn khoản lợi nhuận gộp thu được từ việc điều chỉnh tỷ giá. Cũng xin lưu ý là trong dài hạn thì việc đổi mới đội tàu sẽ giúp các DN có thể tính mức phí thuê tàu cao hơn (do tàu có trọng tải lớn hơn và độ tuổi ít), và điều này nhìn chung sẽ tạo điều kiện để có tăng trưởng tốt về doanh thu và lợi nhuận.

Vật liệu xây dựng

Đối với các DN xi măng, do có số dư vay nợ bằng USD và EUR cao, nên việc điều chỉnh tỷ giá sẽ có tác động tiêu cực cho các công ty trong ngành thông qua các khoản lỗ về đánh giá lại các khoản vay bằng ngoại tệ cũng như chi phí lãi vay tăng cao, và điều này sẽ làm những khó khăn hiện tại trở nên trầm trọng hơn. Đối với các DN nhựa, do nguyên liệu đầu vào chủ yếu là nhập khẩu, nên cũng sẽ có ảnh hưởng, tuy vậy ít có khả năng tăng giá do mức độ ảnh hưởng sẽ không có nhiều. Tương tự đối với các DN ngành đá (ví dụ VCS), đầu vào cũng là chủ yếu là nguyên liệu nhập khẩu nhưng với khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng của việc điều chỉnh tỷ giá nhìn chung là tích cực. Đối với các DN ngành thép, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ là nhân tố khiến các DN tăng giá nhẹ trong thời điểm này và xu hướng chung của giá thép có thể tăng cao hơn trong thời gian tới do tác động từ diễn biến của giá thép thế giới.

Dược phẩm

Cũng giống như một số ngành khác, các hoạt chất dược phẩm (API - active pharmaceutical ingredients) phần lớn là nhập khẩu và chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành. Tuy nhiên qua trao đổi với các DN trong ngành thì việc điều chỉnh tỷ giá đã được tính đến từ trước và đã có những chuẩn bị cần thiết. Do đó trong thời gian tới, ít có khả năng việc điều chỉnh tỷ giá sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả lợi nhuận của các công ty trong ngành.

Theo Phạm Lưu Hưng Khối Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI

ĐTCK

thanhhuong

Trở lên trên