MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều chiêu bán khống chứng khoán

Các thanh tra viên của SSC hiện vẫn đang tiếp cận với một số nhân viên môi giới, công ty chứng khoán đã chào mời cho vay chứng khoán để tiếp tục khui ra những vụ vi phạm khác.

Vụ bắt giữ nguyên trưởng phòng môi giới CTCP Chứng khoán Viễn Đông (VDSE), cùng việc phát hiện hành vi bán khống chứng khoán tại CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC-HCM) và Công ty CP chứng khoán Đại Nam (DNSE) trước đó đã hé lộ nhiều chiêu bán khống chứng khoán...

Ông Vũ Bằng - chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) - khẳng định tới đây các hành vi bán khống sẽ bị xử phạt thật nặng, có thể rút giấy phép hành nghề của nhân viên môi giới, đình chỉ hoạt động môi giới đối với công ty chứng khoán từ 1-2 tháng.

“Tay không bắt giặc”

Trước đó, với một số tài khoản do người thân và bạn bè đứng tên nhưng ủy quyền cho mình, Phan Thiên Hậu - nguyên trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán Viễn Đông - đã câu kết với một số nhân viên môi giới dưới quyền thực hiện hàng loạt phi vụ bán khống chứng khoán để chiếm đoạt tiền bỏ túi riêng.

Cụ thể, theo cơ quan điều tra, mặc dù không có chứng khoán nhưng Hậu vẫn lưu ký 50.000 cổ phiếu ACB vào một tài khoản được ủy quyền.

Khi đã kê khống chứng khoán trong tài khoản, Hậu ung dung thực hiện lệnh bán (khống), đồng thời sử dụng nghiệp vụ “ứng trước tiền bán chứng khoán” để lấy tiền mua bù lại số cổ phiếu đã bán.

Chẳng hạn, ngay trong ngày thực hiện lệnh bán một phần cổ phiếu ACB, Hậu đã chỉ đạo một nhân viên giả chữ ký của khách làm thủ tục vay tiền bằng hình thức “ứng trước tiền bán chứng khoán” để lấy tiền. Sau đó nhóm này sử dụng số tiền vay ứng trước để thanh toán tiền mua chứng khoán từ chính tài khoản này, nhưng thời gian mua được lùi lại 3-4 ngày.

Tuy nhiên, Hậu và đồng bọn chỉ mua 40.000 cổ phiếu ACB để cân đối lại tài khoản đã lưu ký khống 50.000 cổ phiếu ACB trước đó. Cũng với chiêu “tay không bắt giặc” này, Hậu và đồng bọn đã lần lượt bán khống và mua bù đối với một loạt cổ phiếu khác như EIB, PMC, DIG, PNJ và SSI để trục lợi.

Khác với chiêu thức được Hậu và đồng bọn áp dụng, hai nhân viên của HSC là ông Nguyễn Viết Xuân và bà Phạm Thị Sương đã cho khách hàng mượn chứng khoán trên tài khoản của khách hàng khác để bán, theo công bố vào ngày 11-10 của SSC. Trước đó ngày 11-9, Công ty CP chứng khoán Đại Nam cũng bị SSC phạt 150 triệu đồng do đã cho khách hàng vay chứng khoán để bán, một hình thức bán khống.

Sẽ cấm hoạt động môi giới 1-2 tháng

“Các hành vi bán khống chứng khoán ngày càng tinh vi và phức tạp, rất khó được phát hiện...”, ông Vũ Bằng cho biết vào chiều 16-10.

Theo ông Bằng, nhân viên môi giới một công ty chứng khoán có tài khoản đứng tên mình với vài triệu chứng khoán và được ủy quyền toàn quyền bán một số chứng khoán khác, tạo thành một “kho” chứng khoán khá lớn.

Sau đó nhân viên này chào mời khách hàng vay chứng khoán để bán, với khoản đặt cọc và tỉ lệ phí nhất định. Khi đã đạt được thỏa thuận, nhân viên này sẽ thực hiện bán chứng khoán trên tài khoản của mình theo lệnh của khách hàng, sau đó mua lại chứng khoán đó khi được yêu cầu.

“Dù bản chất là bán khống, nhưng việc mua hay bán chứng khoán đều thực hiện trên chính tài khoản của nhân viên môi giới, nên Trung tâm Lưu ký chứng khoán cũng... bó tay dù quản lý đến từng tài khoản”, ông Bằng nói.

Thậm chí trong một số trường hợp, theo ông Bằng, nhân viên môi giới cũng chẳng cần bán hay mua chứng khoán theo lệnh nhà đầu tư nhưng vẫn hưởng phí. Ngoài ra, thông qua nhân viên môi giới chứng khoán, các nhà đầu tư đã thành lập từng nhóm, cho vay chứng khoán lẫn nhau để thực hiện hành vi bán khống.

Do các chiêu thức bán khống ngày càng tinh vi, để phát hiện một số vụ bán khống, thanh tra SSC đã vào vai khách hàng, nhiều lần gặp gỡ với các đối tượng mới có thể thu thập đầy đủ chứng cứ để xử lý. “Các thanh tra viên của SSC hiện vẫn đang tiếp cận với một số nhân viên môi giới, công ty chứng khoán đã chào mời cho vay chứng khoán để tiếp tục khui ra những vụ vi phạm khác”, ông Bằng nói.

“Số tiền phạt vài trăm triệu đồng là không đủ sức răn đe. SSC đang sửa đổi nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó có tăng nặng khung xử phạt một số hành vi. Thậm chí có thể vận dụng các quy định để xử lý. Tới đây các hành vi bán khống chứng khoán nếu bị phát hiện, nhân viên môi giới sẽ bị tước giấy hành nghề, công ty chứng khoán có thể bị cấm hoạt động môi giới trong 1-2 tháng.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, các hành vi bán khống chứng khoán có thể bị xếp vào loại phá hoại thị trường, SSC sẽ gửi hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để truy tố. Chẳng hạn trong thời điểm xảy ra những vụ lùm xùm về ngân hàng như vừa qua, nếu phát hiện có hành vi bán khống cổ phiếu ngân hàng, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra...” - ông Bằng nói.

Cấm bán khống chứng khoán

SSC đã từng có công văn gửi các tổ chức kinh doanh chứng khoán (TCKDCK - công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán), yêu cầu không được thực hiện bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán (bán khống).

Cụ thể, TCKDCK, nhân viên làm việc tại các TCKDCK không được làm trung gian cho các tổ chức, cá nhân vay, mượn chứng khoán của nhau để bán dưới mọi hình thức, kể cả trong trường hợp không dẫn đến việc thay đổi quyền sở hữu và giao dịch bán thực hiện trên tài khoản của bên cho vay. TCKDCK không được sử dụng chứng khoán của mình, của khách hàng, của nhà đầu tư ủy thác và các quỹ đầu tư do công ty quản lý cho các tổ chức, cá nhân vay, mượn để bán dưới mọi hình thức...


Theo Hải Đăng

Tuổi Trẻ

phuongmai

Trở lên trên