MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều doanh nghiệp “vỡ mộng” tăng vốn

Ngày càng nhiều nhà đầu tư chấp nhận từ bỏ quyền mua khi thị giá về xấp xỉ với giá bán "ưu đãi", thậm chí còn thấp hơn.

Thị trường vốn đã lình xình từ nhiều tháng qua nhưng các doanh nghiệp vẫn liên tiếp thông báo phát hành tăng vốn.

Mặc dù tình hình thị trường không khả quan nhưng các thông tin chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vẫn không ngừng được đưa ra. Các trường hợp tăng vốn với tỷ lệ lớn như  1:1, 1:2… ngày càng một phổ biến.

Mới đây, ĐHCĐ cổ đông của S96 đã thông qua phương án tăng vốn “khủng” từ 100 lên 510 tỷ đồng; ASM tăng vốn từ 99 tỷ lên 401 tỷ; SDB từ 55 tỷ lên 150 tỷ đồng...

Khi thị trường ảm đảm, không chỉ việc chào bán riêng lẻ, đấu giá cổ phần không thuận lợi mà ngay cả việc chào bán cho cổ đông hiện hữu cũng khó thực hiện được.

Quyền mua “ngược đãi”

Nhiều doanh nghiệp sau khi tiến hành chốt danh sách tăng vốn, thị giá đã liên tục giảm về sát hoặc thấp hơn “giá bán ưu đãi”, khiến cho các cổ đông nắm giữ quyền mua không còn nhiều động lực để nộp tiền thực hiện quyền mua.

Những ví dụ có thể kể ra như MCG, WSS, HLA, GTT…

Anh Thuật, một nhà đầu tư tại sàn chứng khoán HBS cho biết: “Tôi có 10.000 quyền mua MCG, tương ứng lượng mua thêm là 15.000 cổ phần nhưng quyết định chỉ thực hiện 1/2. Tại ngày cuối cùng đăng ký nộp tiền mua (22/10), thị giá của MCG là 18.000 đồng – gấp rưỡi giá thực hiện quyền mua là 12.000 đồng/cp. Tuy nhiên, sau 4 phiên giảm sàn, giá hiện tại chỉ còn 13.800 đồng”.

Được biết MCG cũng dự định phát hành 8,86 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược với giá 18.000 đồng/cp.

Trong tình cảnh hiện tại, việc phát hành ưu đãi cho cổ đông được nhiều nhà đầu tư gọi là phát hành “ngược đãi” vì họ gần như bị ép phải mua. Lúc này, nhà đầu tư có xu hướng ưa chuộng những cổ phiếu có tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt cao.

 
Giá mua cổ phần
phát hành thêm
Thị giá ngày
16/11
MCG
12.000
13.800
HLA
12.000
10.400
WSS
10.000
9.800
PVR
10.000
9.800
GTT
10.000
10.600
TLH(*)
15.000
11.000
 ( *) Giá khởi điểm đấu giá

Nếu mua, nhà đầu tư vừa đối mặt với tình trạng bị găm vốn trong thời gian dài, vừa phải chịu rủi ro mất giá cổ phiếu. Chính về thế gần đây, trước ngày chốt quyền, giá các cổ phiếu này đều giảm mạnh.

Nếu đã “trót” nắm quyền mua, nhà đầu tư sẽ phải đứng trước hai lựa chọn:

(1) Từ bỏ quyền: sẽ khiến nhà đầu tư bị thiệt khi giá cổ phiếu điều chỉnh giảm trong khi không được thêm gì. Việc chuyển nhượng quyền mua là khá khó khăn khi không mấy ai hào hứng.

(2) Thực hiện quyền: khi thị giá vẫn còn cao hơn giá thực hiện quyền mua thì việc đóng tiền mua cổ phiếu mới vẫn có lợi hơn là bỏ quyền. Tuy nhiên, trong xu hướng thị trường như hiện tại thì không có gì đảm bảo rằng cổ phiếu vẫn giữ giá cho tới khi cổ phiếu phát hành thêm chính thức được giao dịch.

Nhiều trường hợp phát hành cho cổ đông với giá bằng mệnh giá nhưng thị giá hiện tại đã xuống dưới mệnh giá như PVR, WSS…

Hôm qua (16/11) là ngày giao dịch không hưởng quyền chào bán cổ phiếu tỷ lệ 10:4,5 của PVR. Giá phát hành bằng mệnh giá, tuy nhiên, kết thúc ngày, giá PVR chỉ còn 9.800 đồng.

Với việc ngày càng nhiều nhà đầu tư chấp nhận bỏ quyền mua, việc tăng vốn của các doanh nghiệp trên hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Quá trình tăng vốn thường mất từ 3-4 tháng, trong khoảng thời gian này, thị trường hoàn toàn có thể có những thay đổi bất ngờ. Vì vậy, nhà đầu tư nên cân nhắc trước việc thực hiện/từ bỏ quyền mua.

Một ví dụ tiêu biểu là đầu năm 2009, hầu hết các cổ đông của Vinaconex đã từ bỏ quyền mua khi cổ phiếu VCG xuống còn 12-13.000 đồng (giá mua cổ phần mới là 20.000 đồng).

Viettel đã có hành động táo bạo khi bỏ ra 700 tỷ đồng để mua 35 triệu cổ phần. Sau đó, có lúc VCG đã lên trên 60.000 đồng.

Phát hành qua đấu giá cũng gặp khó

Kênh phát hành qua đấu giá cũng không mấy khả quan. Lúc quyết định đấu giá, nhiều doanh nghiệp để giá khởi điểm khá thấp so với thị giá lúc đó.

Tuy nhiên, đến lúc chính thức đấu giá thì thị giá đã thấp hơn cả giá khởi điểm khiến cho không mấy nhà đầu tư mặn mà như trường hợp của TLH, PHH, PVG…

Những tháng cuối năm nay này, nhiều doanh nghiệp Nhà nước cũng đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa.

Một số doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh hấp dẫn, yếu tố cơ bản tốt và giá đấu thấp cũng vẫn được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Những trường hợp đã IPO thành công trong thời gian gần đây là Phân bón Bình Điền…

Tuy vậy cũng có không ít trường hợp nhà đầu tư chỉ đặt mua một phần lượng đấu giá; thậm chí không có nhà đầu tư nào tham gia.

IPO của các tổng công ty lớn trong thời gian gần đây đều không bán hết do lượng đăng ký thấp.

Đợt IPO lớn nhất và được quan tâm nhất trong năm của PV Gas cũng chỉ có lượng đăng ký mua xấp xỉ bằng 2/3 lượng chào bán.

Đấu giá Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) chỉ bán được 59% lượng chào bán; đấu giá Tổng Công ty thiết bị điện Việt Nam bán được 80,6%.

Trong Q3, nhiều cuộc đấu giá diễn ra thành công với lượng đặt mua áp đảo, kể cả phát hành thêm (HUT, SMC, SHI, PET…) lẫn IPO như Bảo hiểm BIC, Điện Gia Lai, Vũng Tàu Intourco…
 
K.A.L

duchai

Trở lên trên