MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại chuỗi 32 phiên mua ròng của khối ngoại

Tổng giá trị mua ròng trong 32 phiên vừa qua đạt hơn 2.851 tỷ đồng. Các mã bất động sản và tài chính là đối tượng chính được hướng đến.

Chuỗi phiên mua ròng kỷ lục
 
Trước khi bán ròng vào ngày hôm qua, từ 31/3 đến 18/5, nhà đầu tư ngoại đã có 32 phiên mua ròng liên tiếp tại HoSE. Đây là một trong những chuỗi mua ròng kéo dài và lớn nhất từ trước đến nay, đạt 2.851 tỷ đồng, bình quân 89 tỷ đồng/phiên.

Trong đó, tổng lượng mua vào đạt 127,2 triệu đơn vị, trị giá 6.836 tỷ đồng. Còn lượng bán ra đạt 87 triệu đơn vị, trị giá 3.985 tỷ đồng.

Cùng thời gian trên, tại HNX, khối ngoại cũng mua ròng hơn 117 tỷ đồng.

Xu hướng mua ròng của khối ngoại từ đầu năm là rất rõ ràng, tính gộp cả phiên hôm qua (19/5), trải qua 90 phiên giao dịch, họ đã mua ròng trong 75 phiên và bán ròng trong 15 phiên. Tổng giá trị mua ròng đạt xấp xỉ 4.800 tỷ đồng – gấp rưỡi giá trị mua ròng trong cả năm 2009 là 3.200 tỷ đồng.

Ngoài chuỗi mua ròng vừa qua, khối ngoại cũng có chuỗi 21 phiên mua ròng liên tiếp từ 11/1 đến 8/2.

Nhìn chung trong thời gian qua, bất chấp xu hướng chung của thị trường thì khối ngoại vẫn đều đặn mua vào những mã được họ ưa thích như nhóm bất động sản, một số bluechip đầu ngành…

Việc khối ngoại mua ròng kéo dài và mua xong thường “để đấy”, cho thấy họ đang thực hiện đầu tư với tầm nhìn trung và dài hạn.

Trong thời gian tới, mặc dù có thể không còn mua ròng mạnh như thời gian qua thì nhiều khả năng khối ngoại vẫn sẽ tập trung mua một số mã nhất định đồng thời bán ra những mã mà họ có định thanh lý.
Chênh lệch giá trị mua bán mỗi phiên
của khối ngoại tại HoSE từ đầu năm(tỷ đồng)

Giải ngân chủ yếu vào các cổ phiếu bất động sản , tài chính

Quan sát động thái giao dịch của khối ngoại từ đầu năm, có thể thấy họ thường tập trung “gom” mạnh một mã hoặc 1 nhóm cổ phiếu nào đó rồi mới quay sang các mã khác.

Trong tháng tháng 1, khối ngoại đã mua ròng EIB cho đến khi cạn room. Kịch bản tương tự cũng diễn ra đối VNM trong tháng 2 và đầu tháng Ba. Từ tháng Ba đến nay chủ yếu là HAG và 1 số mã bất động sản.

Trong số 15 mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất (theo giá trị), nhóm cổ phiếu bất động sản có 7 mã. Trong đó có 3 mã dẫn đầu danh sách là VIC (6 triệu đơn vị - 579 tỷ đồng), HAG (4 triệu đơn vị - 336 tỷ) và SJS (3,1 triệu đơn vị - 262 tỷ).

Bốn mã khác là DIG, KBC, CTD và BCI.

Lượng mua VIC chủ yếu được mua thỏa thuận với 4,3 triệu đơn vị, trị giá 417 tỷ đồng. Trong những phiên khối ngoại mua ròng thì VIC đã tăng giá mạnh.

Xét riêng giao dịch khớp lệnh thì HAG là mã được mua ròng nhiều nhất. Mặc dù vậy, trong những phiên gần đây thì cả VIC và HAG đều đã bị bán ròng, tuy vậy, lượng bán không nhiều.

Từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bỏ ra hơn 1.020 tỷ đồng để mua ròng hơn 12 triệu đơn vị HAG. Năm 2009, HAG là mã được mua ròng nhiều thứ 2 sau FPT với 10,94 triệu đơn vị, tương đương 871 tỷ đồng.

Hiện tại, khối ngoại đang nắm 25,28% vốn của HAG.

Ngoài nhóm bất động sản, các mã khác được khối ngoại ưa thích là HPG (4 triệu đơn vị - 238 tỷ), BVH (4,4 triệu đơn vị - 209 tỷ), HSG (3,6 triệu đơn vị - 164 tỷ), MSN, HCM, GMD…

Một điểm đáng chú ý là bên cạnh việc mua vào thì nhiều mã cũng đồng thời bị bán ra với lượng lớn như HAG, VIC, SJS, HPG, BVH… Chỉ một vài cổ phiếu có lượng bán ra rất thấp như HSG, DIG, MSN.
 
15 mã được mua ròng nhiều nhất từ 31/3-18/5

Phía bán ròng, chỉ một vài mã có lượng và giá trị bán ròng lớn như FPT, DPM, VPH, BTP…

FPT dẫn đầu top bán ròng với 1,37 triệu đơn vị, tương đương 113 tỷ đồng. Lượng giao dịch cổ phiếu này rất lớn với 1,58 triệu đơn vị mua vào và 2,95 triệu đơn vị bán ra; đồng thời, khối ngoại còn chuyển nhượng nội khối 1,78 triệu đơn vị.

Năm 2009, FPT là mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với 17,2 triệu đơn vị, tương đương 1.245 tỷ đồng.

DPM đứng thứ 2 với 2,78 triệu đơn vị, trị giá 87 tỷ đồng. Tiếp đến là VPH (0,98 triệu đơn vị - 58 tỷ), BTP (3,81 triệu đơn vị - 54 tỷ), IJC (0,8 triệu đơn vị - 20 tỷ)…

Thông tin từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, tính đến ngày 29/4/2010, Trung tâm đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 14.026 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 1.276 nhà đầu tư tổ chức và 12.750 nhà đầu tư cá nhân.
Riêng trong tháng 4/2010, đã có thêm 141 nhà đầu tư nước ngoài bao gồm 26 tổ chức và 115 cá nhân đầu tư nước ngoài được VSD cấp mã số giao dịch chứng khoán.
Như vậy, tính từ đầu năm, đã có thêm 437 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã số giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Đặc biệt trong tháng 1, lượng nhà đầu tư tổ chức mới tăng mạnh với 63 tổ chức.

K.A.L
Theo HoSE/HNX/VSD

duchai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên