MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại TTCK Việt Nam 2009

Sang năm 2010, TTCK sẽ tiếp tục đóng góp vai trò cơ bản là kênh huy động vốn hiệu quả cho DN.

TTCK Việt Nam sau đợt điều chỉnh mạnh cuối năm đã xuống đến mức giá khá thấp nếu so sánh với các nước trong khu vực. P/E của thị trường Việt Nam năm 2010 ước tính xấp xỉ 12 lần, thấp hơn phần lớn nước châu Á khác.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,2% dự kiến trong năm 2010 của Việt Nam lại là một mức khá cao, chỉ thấp hơn mức dự báo 9,3% của Trung Quốc và 7,4% của Ấn Độ. Đây chính là lý do thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với NĐT nước ngoài.

5 quãng thăng trầm

TTCK Việt Nam trong năm 2009 đã trải qua 5 giai đoạn tăng giảm, trong đó có 3 đợt giảm điểm và 2 đợt tăng điểm. (xem đồ thị dưới).


Giai đoạn đầu năm từ ngày 2/1 đến ngày 24/2 là giai đoạn tiếp nối chuỗi giảm điểm từ năm 2008 và mức đáy 234,66 điểm của VN-Index đã thiết lập vào ngày 24/2. Trong giai đoạn này, các biện pháp hỗ trợ kinh tế của Việt Nam mới thực hiện từ cuối tháng 1 chưa đủ thời gian để phát huy tác dụng. TTCK thế giới vẫn bị bao trùm trong sự hoài nghi về con số thiệt hại mà các ngân hàng Mỹ phải gánh chịu và nguy cơ phá sản của các ngân hàng vẫn còn rất lớn.

Giai đoạn phục hồi nhanh từ ngày 25/2 đến ngày 10/6, VN-Index đã tăng 118% trong 72 ngày với 3 đợt sóng lên, các sóng càng về sau càng có tốc độ tăng nhanh. NĐT trong nước, trong đó có phần quan trọng của các NĐT cá nhân, đã mạnh dạn mua vào ở vùng đáy và giúp TTCK lấy lại động lực. Tiếp theo đó, các gói kích thích kinh tế quy mô lớn được chính phủ nhiều nước áp dụng đã làm tăng niềm tin của giới đầu tư. TTCK thế giới bắt đầu phục hồi đã tiếp thêm đà cho TTCK Việt Nam.

Tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất của Việt Nam tăng nhanh từ tháng 3 (tăng trưởng tín dụng tháng 4 và 5 là 4,8% và 4,2%). Thời gian này chưa có sự kiểm tra chặt chẽ đối với việc sử dụng tín dụng, nên nhiều khả năng một phần tín dụng mới đã làm tăng luồng tiền cho TTCK. Ban đầu, nhiều NĐT tổ chức còn nghi ngại về xu hướng tăng nhưng sau đó khối này cũng bắt đầu vào cuộc. Trong thời gian đó cũng xuất hiện sự tham gia tích cực trở lại của NĐT nước ngoài với 2 đợt mua thấp bán cao rất nhịp nhàng (xem chart mua-bán của NĐT).

Giai đoạn điều chỉnh từ ngày 12/6 đến ngày 20/7. Sau một thời gian tăng nóng, sự điều chỉnh đến như một tất yếu. Tuy nhiên, trong giai đoạn này không có nhiều thông tin tiêu cực mà ngược lại, những biện pháp kích thích kinh tế đã bắt đầu phát huy tác dụng. Sản xuất công nghiệp ước tính tăng 8,2% trong tháng 6 (cao hơn 7,2% của tháng 5 và hơn hẳn mức 2,5% của quý I), chỉ số bán lẻ tăng 8,8% (cuối năm 2008 là 6,5%), ước tính GDP cuối năm 2009 được điều chỉnh tăng lên so với trước (trong kịch bản lạc quan, GDP năm 2009 được ước tính là 4,9%).

Sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật của thị trường Việt Nam, trong khi TTCK thế giới lại tăng điểm khá mạnh đã tạo ra một sự kìm nén đối với sức cầu. Và khi được giải tỏa, sức cầu đã làm VN-Index bật mạnh trong những ngày cuối tháng 7 và sau đó là đợt sóng lên kéo dài 3 tháng.

Giai đoạn tăng điểm từ ngày 22/7 đến ngày 22/10. Nếu như đợt tăng điểm trong giai đoạn đầu năm phần nào đến từ niềm tin và luồng tiền, thì đợt tăng điểm lần này có thêm sự hỗ trợ mạnh bởi các dấu hiệu hồi phục kinh tế trong nước và quốc tế.

Đầu tháng 8 cũng đã có đề xuất cho gói kích thích kinh tế thứ 2 và nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2009 từ 27% lên 30%, điều này thêm củng cố cho luồng tiền đổ vào TTCK. Các thông tin về kết quả kinh doanh và chia thưởng cổ phiếu được tận dụng để nâng giá cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu BĐS được chú ý từ cuối tháng 8 đã trở thành động lực kéo thị trường vào tháng 9 trong bối cảnh thị trường BĐS khá khởi sắc so với đầu năm.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10, mặc dù thị trường điều chỉnh do đã tăng điểm khá mạnh trước đó, nhưng luồng tiền từ đòn bẩy tài chính trong tháng 10 đã một lần nữa làm tăng sức cầu và đẩy thị trường lên đỉnh cao mới. Chính bởi lượng đòn bẩy lớn, TTCK trở nên rất nhạy cảm với các chính sách vĩ mô và tiền tệ, đây chính là tiền đề để cho đợt điều chỉnh kéo dài cho đến hết năm 2009.

Đợt điều chỉnh từ ngày 23/10 đến cuối năm: bắt đầu bằng phiên thứ Sáu (23/10) với khối lượng giao dịch kỷ lục, thị trường bắt đầu chu kỳ điều chỉnh bởi nhiều thông tin không tích cực từ chính sách vĩ mô và tiền tệ. Bên cạnh các tin đồn về thắt chặt chính sách tiền tệ khiến thị trường nhiều lúc chao đảo, sự căng thẳng thanh khoản của hệ thống ngân hàng và diễn biến bất thường của giá vàng, ngoại tệ cũng có những tác động lớn đến TTCK.

Nhưng tác động mạnh nhất đến thị trường phải kể đến việc NHNN bất ngờ quyết định nâng lãi suất cơ bản vào cuối tháng 11. Sự điều chỉnh này thể hiện sự thay đổi trong chính sách vĩ mô từ hỗ trợ tăng trưởng sang hướng ổn định vĩ mô (kèm theo là hạn chế nới lỏng tín dụng) sau khi kỳ họp Quốc hội kết thúc.

Yếu tố hỗ trợ TTCK tăng điểm trong năm 2009

Nhìn lại 2 đợt tăng điểm trong năm 2009, có thể thấy có 2 yếu tố quan trọng hỗ trợ là yếu tố cơ bản của DN và yếu tố luồng tiền cho TTCK

Xét ở khía cạnh DN, kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết đã có sự cải thiện đáng kể so với cuối năm 2008. Ngành vật liệu xây dựng và xây dựng được hưởng lợi trực tiếp nhiều nhất từ gói kích thích kinh tế; ngành vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng nhờ có giá nguyên vật liệu giảm thấp do suy thoái kinh tế nên gia tăng được tỷ suất lợi nhuận; các DN có đầu tư tài chính có được nguồn thu lớn từ hoàn nhập dự phòng và lãi đầu tư chứng khoán; trong khi ngành BĐS cũng có hoạt động tốt hơn nhờ luồng tiền từ gói kích thích kinh tế. Ngành ngân hàng cũng có điều kiện thuận lợi trong năm 2009 với mức tăng trưởng tín dụng cao, lợi nhuận lãi biên được cải thiện và có thêm các nguồn thu từ đầu tư tài chính

Lợi nhuận của các DN niêm yết đã được cải thiện nhanh từ quý II và và luôn có xu hướng cao hơn so với kỳ vọng trước đó. Chúng tôi đã liên tục điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận của các công ty để theo kịp sự tăng trưởng nhanh này. Vào tháng 4/2009, chúng tôi ước tính tăng trưởng LNST năm 2009 của 30 công ty trong rổ SSI30 là 8,4%; đến tháng 6, tỷ lệ tăng trưởng này đã được điều chỉnh tăng lên 27,6%. Tháng 7 tăng lên 33%, tháng 8 là 43,9% và đến tháng 9 là 51%.

Về luồng tiền vào thị trường. Đây là yếu tố khó đo lường nhưng lại có một sức mạnh rất lớn. Kênh quan trọng nhất của luồng tiền này là từ hệ thống ngân hàng. Cả 2 đợt hồi phục của thị trường đều có dấu ấn việc nới lỏng chính sách tiền tệ và khi có sự căng thẳng đối với luồng tiền từ các ngân hàng, TTCK đều bước vào giai đoạn điều chỉnh.

Gần đây nhất là đợt tăng điểm trong tháng 10 với lượng cho vay ký quỹ của các CTCK tăng đột biến đã đẩy thị trường lên đỉnh cao nhất của năm, mặc dù cuối tháng 9 chúng tôi đã có cảnh báo về rủi ro vĩ mô có thể xảy ra. Tuy nhiên, ngay sau đó, những thông tin về việc thắt chặt tiền tệ đã ngay lập tức tác động đến sức cầu. Do thời gian được vay ngắn, nhiều NĐT phải bán ra để trả nợ và càng làm tăng áp lực bán ra khi thị trường giảm điểm. Đây chính là tác dụng tiêu cực của việc dùng đòn bẩy tài chính khi các khoản đầu tư chứng khoán vẫn bị coi là rủi ro cao và luôn được NHNN kiểm soát chặt chẽ. (xem đồ thị dưới).

So sánh định giá, tăng trưởng GDP và diễn biến giá

Nhìn về năm 2010

TTCK Việt Nam sau đợt điều chỉnh mạnh cuối năm đã xuống đến mức giá khá thấp nếu so sánh với các nước trong khu vực. P/E của thị trường Việt Nam năm 2010 ước tính xấp xỉ 12 lần, thấp hơn phần lớn nước châu Á khác. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,2% dự kiến trong năm 2010 của Việt Nam lại là một mức khá cao, chỉ thấp hơn mức dự báo 9,3% của Trung Quốc và 7,4% của Ấn Độ. Đây chính là lý do thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với NĐT nước ngoài.

Mặc dù mức giá đã khá rẻ, nhưng sự phục hồi của TTCK sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố nội tại của nền kinh tế, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN và các biến động trong điều hành chính sách tiền tệ.

VN-Index và tăng trưởng GDP

Tăng trưởng GDP hàng quý của Việt Nam giảm sâu xuống mức thấp nhất trong vòng nhiều năm vào quý I/2009 và TTCK cũng giảm xuống mức thấp nhất trong thời gian này. Khi GDP bắt đầu có tăng trưởng, TTCK cũng bắt đầu hồi phục. Ở mức tăng trưởng GDP là 5,3% trong năm 2009, thấp hơn mức tiềm năng của một nền kinh tế đang phát triển là 6,5%, thì sự hồi phục này chưa mang nhiều ý nghĩa. Theo quan điểm của chúng tôi, tăng trưởng GDP trên 6,5% mới có thể tạo đà cho TTCK.

Năm 2010 sẽ là năm khẳng định sự phục hồi kinh tế Việt Nam với mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra là 6,2%. Tăng trưởng kinh tế sẽ kèm theo nó là tăng trưởng của các DN nền tảng của TTCK. Nếu Chính phủ tạo được niềm tin rằng mục tiêu tăng trưởng này có thể thực hiện và cơ sở cho tăng trưởng năm 2011 được xây dựng với tốc độ cao hơn, thì TTCK có khả năng hồi phục bền vững. Nếu không, TTCK sẽ ở thế cầm chừng và đi ngang.

Năm 2010, nguồn cung cho TTCK chắc chắn sẽ tiếp tục tăng. Có khá nhiều DN chuẩn bị niêm yết, trong đó phải kể đến một loạt ngân hàng thương mại. Năm trước, một số DN niêm yết đã khá thành công trong việc tăng vốn và phát hành trái phiếu chuyển đổi. Sang năm 2010, TTCK sẽ tiếp tục đóng góp vai trò cơ bản là kênh huy động vốn hiệu quả cho DN.

Theo Khối phân tích và đầu tư SSI
ĐTCK

ngocdiep

Trở lên trên