MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhựa Bình Minh và câu chuyện di dời nhà máy khỏi nội thành

BMP đang có kế hoạch triển khai dự án nhà máy thứ 4 tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, Bến Lức, tỉnh Long An với diện tích 155.662m2 đang trong giai đoạn phê duyệt thiết kế hoàn chỉnh.

Câu chuyện di dời nhà máy tại 240 Hậu Giang, Phường 4, Quận 6, TP,HCM của CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) không phải là câu chuyện mới bởi theo chủ truơng của UBND thành phố HCM, sẽ không có nhà máy công nghiệp nào được ở lại trong nội thành. Tuy nhiên giai đoạn chuyển giao nhà máy, xây nhà máy mới để không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh hiện tại của BMP là điều mà hầu hết các cổ đông đều quan tâm.

Hiện nay BMP có 3 nhà máy, nhà máy 1 tại trụ sở chính tại 240 Hậu Giang, một nhà máy tại khu công nghiệp Sóng Thần và một nhà máy tại Hưng Yên (miền Bắc). Tổng công suất thiết kế của 3 nhà máy này, nếu chạy 100% công suất là 80.000 tấn/năm. Công ty khai thác nhà máy 1 vào khoảng 80% sản lượng thiết kế, nhà máy Sóng Thần chạy 74% sản lượng thiết kế còn nhà máy tại miền Bắc chỉ chạy khoảng 25% sản luợng thiết kế do nhà máy tại Hưng Yên chủ yếu sản xuất ống lớn (1200mm) và thị trường này rất mới.

BMP đang có kế hoạch triển khai dự án nhà máy thứ 4 tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2, Bến Lức, tỉnh Long An với diện tích 155.662m2 đang trong giai đoạn phê duyệt thiết kế hoàn chỉnh, khi đưa vào hoạt động sẽ nâng tổng công suất lên gấp 3 lần hiện nay.

Theo ông Lê Quang Doanh, Chủ tịch HĐQT của BMP, tổng diện tích của BMP hiện nay chỉ xấp xỉ 100.000m2, khi đưa nhà máy 4 vào hoạt động, vì tập trung một chỗ nên có điều kiện tự động hóa và tối ưu hóa, nên dù diện tích chỉ tăng gấp rưỡi nhưng sản lượng có khả năng tăng gấp 3 lần hiện tại.

Tất nhiên thời điểm để triển khai nhà máy số 4 cũng không phải một sớm một chiều. Việc đầu tư theo chiến lược “từng bước một” chứ không đầu tư một lúc. Theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc của BMP, dự kiến vốn đầu tư cho dự án Vĩnh Lộc khoảng 1.000 – 1.200 tỷ đồng, máy móc thiết bị hiện đại, tự động hóa, bên cạnh các sản phẩm truyền thống còn làm các sản phẩm nhựa khác khi thị trường cần. Tuy nhiên ông Ngân nhấn mạnh trong giai đoạn 2013-2014 thì vốn đầu tư cho dự án Vĩnh Lộc chỉ khoảng 143 tỷ đồng, công ty sẽ dùng vốn tự có để trả tiền thuê đất (dự kiến 40 tỷ), chuẩn bị phương án xây tường rào, san lấp mặt bằng...Ngay từ bây giờ đến sang năm chưa cần vốn, nên năm nay vẫn chia cổ tức cao cho cổ đông (40% tiền mặt, 30% cổ phiếu).

BMP góp vốn 26% vào CTCP đầu tư kinh doanh bất động sản Bình Minh Việt để xây dựng cao ốc tại trụ sở chính 240 Hậu Giang, nhưng do tình hình đầu tư bất động sản đang không thuận lợi và công ty chưa bị áp lực di dời nhà máy hiện hữu tại 240 Hậu Giang nên dự án đang dừng ở giai đoạn tiếp tục hoàn thiện các thủ tục cấp phép đầu tư, phê duyệt quy hoạch và các công việc chuẩn bị cho thời điểm triển khai thích hợp.

Theo ông Lê Quang Doanh, “chủ trương về lâu về dài dứt khoát sẽ đi khỏi đây (trụ sở chính), dù không làm cao ốc vẫn phải di chuyển sản xuất ra khỏi thành phố. Tuy nhiên giữa lâu dài và trước mắt thì chọn thời điểm nào tốt nhất để triển khai, kế hoạch xây cao ốc năm 2013 nhưng hiện tại bất động sản đang không có người mua nên chúng ta sẽ chậm lại – chậm lại chứ không phải không làm - thủ tục pháp lý còn có rất nhiều thứ, về vốn thì chủ trương cố gắng không dùng vốn của công ty hiện hữu cho tòa cao ốc này. Dự kiến trong tháng 5 HĐQT mới sẽ bàn kỹ về vấn đề này”.

Về vai trò của Nawaplastic, năm 2012 Nawaplastic đã tăng tỷ lệ nắm giữ tại BMP từ hơn 16% lên 20,4%, Nawaplastic là công ty mẹ của BTP – đơn vị cung cấp đầu vào hạt nhựa PVC và PVR cho BMP, sự xuất hiện của Nawaplastic trong HĐQT của BMP đặt dấu hỏi cho cổ đông, liệu Nawaplastic đóng góp được gì cho BMP trong giai đoạn tới. Theo ông Lê Quang Doanh, trong thời gian 1 năm quan hệ ngắn ngủi với Nawaplastic, BMP và Nawaplastic có quan hệ “thân thiện”, BMP đã sang thăm xưởng sản xuất của Thái Lan tại BMP để học hỏi cơ hội và ông đọc được thiện chí của Nawa muốn phát triển tại Bình Minh.

Một số nhà đầu tư tỏ ý lo ngại về việc cả BMP và Nhựa Tiền Phong (NTP) đều đầu tư nhà máy mới, tăng công suất có thể gây hiện tượng thừa cung, theo ông Doanh, tất cả phụ thuộc vào thị trường, nếu thị trường nóng công ty hoạt động hết công suất cũng không đủ cung ứng, nhưng nếu thị trường yếu, các nhà sản xuất phải kìm hãm sản xuất để không vào tình trạng “càng làm càng lỗ”.

TBC (công ty liên doanh giữa VN và Thái Lan do Nawa là công ty mẹ) đơn vị bán hạt nhựa đầu vào cho BMP, ông Doanh cho rằng BMP đang mua với giá nhựa cạnh tranh so với các đơn vị các, TBC, TBC Thái từ hàng chục năm nay có quan hệ rất tốt với Nhựa Bình Minh. Tuy nhiên theo ý kiến của cổ đông, BMP không cần phải chạy theo hàng giá rẻ bởi giá rẻ một là cạnh tranh không lành mạnh, hai là hàng giả, hàng nhái, BMP nên chú trọng đến giá "hợp lý" phù hợp với chất lượng cao của sản phẩm là được.

Về quản lý hàng tồn kho, theo ông Doanh, tất cả có thể tiết kiệm được BMP sẽ tiết kiệm tối đa, nguyên liệu trong quý 1 tăng 3-4% so với năm trước, giá điện xăng dầu tăng, quan điểm của ông Doanh là “thế giới phẳng”, “mình có hơn người ta ở thương hiệu tốt, mỗi thứ một chút dẫn đến thị phần giữ tương đối tốt”.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên