MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những cổ phiếu quán quân “đá tung” thị trường năm Giáp Ngọ

Năm Giáp Ngọ (bắt đầu từ dương lịch 06/02/2014 đến 13/02/2015) thực sự xứng đáng là năm của con Ngựa: đầy biến cố, sôi động và quyết liệt. Trong năm, thị trường chứng khoán cũng trải qua nhiều con sóng lớn và khi năm này kết thúc, hãy cùng nhìn lại một vài cổ phiếu nổi bật của thị trường.

Tóm tắt:

- Trong năm Giáp Ngọ (bắt đầu từ dương lịch 06/02/2014 đến 13/02/2015), SDI là cổ phiếu nổi bật nhất trên sàn Upcom với mức tăng trưởng giá 524%.

- LGC đứng đầu về tăng trưởng giá trên sàn niêm yết chính thức với mức tăng 589% sau khi thay đổi phương án hủy niêm yết tự nguyện và thoát xác thành CII B&R

- AVF đứng đầu về mức giảm giá khi bộc lộ sự bết bát trong hoạt động kinh doanh cùng sự rối ren trong quản lý


Năm Giáp Ngọ (bắt đầu từ dương lịch 06/02/2014 đến 13/02/2015) thực sự xứng đáng là năm của con Ngựa: đầy biến cố, sôi động và quyết liệt. Đi cùng với những biến động về kinh tế chính trị nói chung thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều con sóng lớn. Chúng có thể nhấn chìm thành quả trong năm của vô số nhà đầu tư nhưng đồng thời cũng đã là cơ hội làm giàu của rất nhiều nhà đầu tư khác.

>> Những con sóng nhấn chìm nhà đầu tư trong năm Giáp Ngọ

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/02/2015, VN-Index đạt 587,2 điểm – tăng 30,7 điểm tương đương 5,52% so với mức giá khởi đầu tại ngày 06/02/2014. HNX- Index đạt 85,26 điểm – tăng hơn 11 điểm tương đương 14,9%. Đóng góp vào sự sôi động về thanh khoản của thị trường là 2.638 tỷ mua ròng của khối ngoại, trong đó họ mua ròng 2.070 tỷ trên HSX và mua ròng 567,6 tỷ trên HNX.

Cuối năm, chúng ta hãy cùng nhìn lại một vài cổ phiếu nổi bật của thị trường.

Quán quân tăng giá

So sánh giá cổ phiếu tại thời điểm đầu năm và cuối năm, sàn Upcom năm nay có thể ghi điểm bởi CZC, PTD, PTH với mức tăng giá lần lượt là 1.117%, 915% và 800%.

Tuy nhiên, đó là những cổ phiếu thanh khoản thấp và ít hấp dẫn. Siêu cổ phiếu Upcom trong năm qua phải là SDI của CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng với mức tăng trưởng 421% từ ngày 13/08/2014 đến 19/09/2014. Dù sau đó giá SDI đã có một thời gian lao dốc nhưng tính tại thời điểm cuối năm Giáp Ngọ, SDI vẫn tăng tới 524% so với đầu năm. Cổ phiếu này được gọi là hiện tượng “nóng” của thị trường trong thời gian đó, đem lại lợi nhuận cực lớn cho nhiều nhà đầu tư.

CTCP Đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng là một trong những công ty con quan trọng của Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) và là chủ đầu tư trực tiếp của dự án Vinhomes Riverside, trước đây có tên gọi là Vincom Village. Ngày 14/8 – ngày khởi đầu cho sự tăng giá “khủng” của SDI cũng là ngày Hanel hoàn tất chuyển nhượng 24 triệu cổ phiếu tương đương 20% vốn điều lệ của SDI cho Vingroup. Số cổ phiếu này được sang tay cho Vingroup tại mức giá 23.506 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị chuyển nhượng hơn 564 tỷ đồng. Sau giao dịch trên, Vingroup sở hữu 94% cổ phần của SDI.

do thi SDI.JPG
(Đồ thị SDI)

Trên 2 sàn niêm yết chính thức, quán quân tăng giá của năm là cổ phiếu LGC của CTCP Đầu tư Cầu đường CII (CII B&R). Từ ngày 06/02/2014 đến 13/02/2015, cổ phiếu này đã tăng 589%.

do thi LGC.JPG
(Đồ thị cổ phiếu LGC)

Có tên cũ là CTCP Điện Lữ Gia, sau thời gian làm ăn bê bết, không còn động lực tiếp tục bám sàn, LGC đã được ĐHCĐ thông qua việc hủy niêm yết tự nguyện. Tuy nhiên, công ty mẹ của LGC là CTCP đầu tư Hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (mã: CII) đã quyết định chuyển hướng và tái cơ cấu LGC. Theo đó, thay vì hủy niêm yết, LGC sẽ tiếp tục ở lại sàn giao dịch và trở thành doanh nghiệp chuyên đầu tư vào các dự án BOT, BT trong lĩnh vực cầu đường của CII.

LGC tái sinh trên cơ sở tái cấu trúc các khoản vốn mà CII đã đầu tư vào các doanh nghiệp/dự án cầu đường mà CII đang đầu tư. Và có thể thấy kết quả của quá trình tái cấu trúc này là sự tăng trưởng vốn, cải thiện kết quả kinh doanh và mức tăng đáng mơ ước của giá cổ phiếu.

Quán quân giảm giá

SVN – CTCP Solavina giữ vị trí này với mức giảm hơn 86%. Cổ phiếu vốn có thanh khoản thấp với đồ thị đi ngang này đã đột ngột lao dốc từ ngày 04/04/2014 đến 19/05/2014.

Đứng thứ 2 là AVF – giảm xấp xỉ 85%. Cổ phiếu AVF đã từng tăng hơn 36% từ giá 6.600 đồng lên 9.000 đồng trong tháng 2 và tháng 3 nhưng rồi đã lao dốc mạnh khi tình hình kinh doanh thua lỗ bắt đầu lộ diện. Đi cùng với đó là việc các nhân sự cấp cao trong công ty đồng loạt bán khối lượng lớn cổ phiếu AVF, rời khỏi công ty và một ban điều hành mới được thay thế vào. AVF càng gây chú ý khi liên tục bị Sở Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh nhắc nhở về việc chậm công bố thông tin, cổ phiếu rơi vào diện cảnh báo, diện kiểm soát đặc biệt và trong tháng cuối của năm Giáp ngọ này, cổ phiếu AVF gây dấu ấn với 16 phiên giảm sàn liên tục, đóng cửa tại mức giá 1.000 đồng.

Xuân Mai

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên