MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những con số “giật mình” về kết quả các đợt IPO nửa đầu năm 2014

Ế quá nhiều. Vốn nhà nước sau IPO quá lớn.

Nửa đầu năm 2014 đã qua đi với tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã diễn ra rất nhanh chóng. Tổng cộng đã có 17 tổng công ty, 4 cảng biển lớn cùng một số doanh nghiệp khác đã hoàn tất chào bán cổ phần đầu ra công chúng (IPO).

Trong đó ấn tượng nhất là Bộ Giao thông vận tải khi đã cổ phần hóa được toàn bộ các tổng công ty trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông như Cienco 1-4-5-6-8, Xây dựng Thăng Long, TEDI, Xây dựng đường thủy cũng như Tổng Công ty vận tải Thủy, Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam – Vinamotor cùng các cảng biển như cảng Hải Phòng, cảng Quảng Ninh, cảng Đà Nẵng và cảng Nha Trang.

Sắp tới, bộ này còn cổ phần hóa tiếp Vietnam Airlines, Vinalines, Cảng Sài Gòn…

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã cổ phần hóa được Viglacara, Viwaseen, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – Hancorp, Tổng công ty ; Bộ Công thương cổ phần hóa được Vocarimex.

Nhìn vào số lượng có thể thấy kết quả đạt được là rất tích cực. Nhưng khi nhìn vào kết quả chung của từng đợt IPO thì vấn đề lại không đơn giản như vậy.

Những thống kê dưới đây được chúng tôi tổng hợp từ 21 đợt IPO lớn (17 tổng công ty và 4 cảng biển) đã diễn ra từ đầu năm đến nay).

8/21 doanh nghiệp bán được chưa đến 10% lượng cổ phiếu đem đấu giá

Chỉ có 7 doanh nghiệp mà nhà đầu tư đã mua hết lượng cổ phiếu chào bán. Gọi là bán hết nhưng vẫn có thể “ế” một lượng nhỏ khi nhà đầu tư đặt giá quá cao không thanh toán tiền mua cổ phần.

Trong số 14 doanh nghiệp không bán được hết thì có 8 doanh nghiệp nhà đầu tư đặt mua chưa đến 10% lượng đấu giá. Đáng chú nhất là trường hợp của Cienco 8, nhà đầu tư chỉ đăng ký mua vỏn vẹn 37.000 cổ phần trên tổng số 10 triệu cổ phần đem đấu giá.

Những ông lớn khác như Vinamotor, Hancorp hay Cienco 6 cũng chỉ bán được 3-4% lượng chào bán.

Câu hỏi được đặt ra là tạo sao những cổ phiếu này lại “ế” nặng như vậy. Có thể có rất nhiều nguyên nhân như: định giá quá cao, hoạt động của doanh nghiệp không hấp dẫn, thông tin về đợt IPO chưa đầy đủ, tỷ lệ sở hữu của nhà nước lớn… Đây là những vấn đề mà nhà quản lý phải tính đến nếu không việc nhà đầu tư không mặn mà tham gia sẽ còn tiếp diễn.

Tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhà nước sau cổ phần hóa

Sau cổ phần hóa: Nhà nước nắm giữ tới 98% cổ phần!

Cổ phần hóa nhằm để đa dạng hóa cơ cấu sở hữu, cơ cấu quản trị của doanh nghiệp, tăng cường minh bạch... Tuy nhiên, việc cổ phần hóa không có nhiều ý nghĩa khi mà tại nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa, vốn nhà nước vẫn nắm tới 80-90%. Đối với những nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà nước là một trong những vấn đề quan trọng khi xem xét đầu tư.

Những doanh nghiệp bán hết cổ phần đều có đặc điểm chung là vốn nhà nước sau IPO ở mức thấp, chỉ từ 35-36% như Cienco 1, Cienco 4 hay Vocarimex.

Như là một hệ quả của việc cổ phần đấu giá bị “ế” với số lượng lớn, có tới 10/21 doanh nghiệp sau IPO có vốn nhà nước trên 90%. Có những trường hợp lên tới 98%-99% như Hancorp, Viwaseen, cảng Quảng Ninh hay Vinamotor.

Với những doanh nghiệp này có thể nói là việc IPO đã không thành công, chỉ đơn thuần là chuyển loại hình doanh nghiệp từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần. Tất nhiên, Sau cổ phần hóa, nhà nước có thể tiếp tục giảm bớt vốn nhưng việc này cũng không hề dễ dàng.

Tất nhiên, cổ phiếu bị “ế” ở thời điểm hiện tại nhưng có thể sau này sẽ “hot” nếu tình hình kinh doanh của doanh nghiệp khởi sắc. Trường hợp kinh điển nhất là PV Gas: khi IPO năm 2010, PV Gas chỉ bán được ½ lượng chào bán với mức giá 31.000 đồng/cp. Hiện nay, cổ phiếu PV Gas đã tăng gấp 4 lần, đạt 117.000 đồng.


-------
Đây là bài thứ 2 trong series các bài viết nhận định về các đợt IPO lớn trong năm 2014. Các bài đã đăng:


KAL

duchai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên