MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những doanh nghiệp đặt kế hoạch lỗ làm ăn thế nào?

Bên cạnh những doanh nghiệp lên kế hoạch làm ăn chỉ cần hòa vốn (lợi nhuận bằng 0 đồng) còn có những doanh nghiệp đặt kế hoạch lỗ cho năm kinh doanh của mình.

Thống kê của BizLIVE cho thấy trong năm 2014, có 3 doanh nghiệp đặt kế hoạch thua lỗ, bao gồm CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST), CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) và CTCP Sản xuất Kinh doanh Dược và Trang thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV).

VST đã lỗ liên tục trong 2012 và 2013 nên việc đặt kế hoạch lỗ trong 2014 không phải là điều khó hiểu. Kế hoạch lợi nhuận 2014 của VST là -179 tỷ đồng, lợi nhuận này đã tính đến khoản lãi từ việc bán 2 tàu VTC Sky và Viễn Đông 3. Trước đó, năm 2013, công ty lỗ 223 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tàu VTC Sky mới chính thức được bàn giao vào 30/1/2015. Nhờ doanh thu tăng và các chi phí được cắt giảm nên lợi nhuận 2014 của VST vẫn “vượt” kế hoạch với khoản lỗ là 144 tỷ đồng. Báo cáo quản trị công ty cũng cho biết, ngoài việc bán tàu Viễn Đông 3, VST còn chuyển nhượng 2 khu đất và thoái vốn khỏi CTCP Cung ứng dịch vụ Hàng hải và Xuất xứ Nhập khẩu Phương Đông trong 2014.

Khoản lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán của công ty vẫn còn trên 369 tỷ đồng. Do lỗ 3 năm liên tiếp, VST đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Tuy chưa tổ chức đại hội cổ đông thường niên nhưng dự kiến, kế hoạch lợi nhuận năm nay của công ty vẫn sẽ tiếp tục là một con số âm.

Trái ngược với VST, AMV cũng đặt kế hoạch lỗ khoảng 2,8 tỷ nhưng kết quả còn “thảm hại” hơn khi công ty ghi nhận mức lỗ 9,2 tỷ đồng trong 2014. Đây cũng là khoản lỗ lớn nhất của AMV từ trước đến nay.

Không chỉ kế hoạch lợi nhuận không thực hiện được, tất cả các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận thuần, lợi nhuận khác của AMV đều không đạt mục tiêu.

Báo cáo của AMV cho biết nhiều khoản đầu tư của công ty trong 2014 đều bị lỗ. Cụ thể, AMV lỗ 1,27 tỷ đồng trong việc chuyển nhượng đất ở Bình Dương. Trước đó công ty mua đất ở Bình Dương để xây dựng nhà máy mới, song do tỉnh Bình Dương thay đổi quy hoạch nên không thể giải phóng mặt bằng, dẫn tới việc phải chuyển nhượng bán lỗ. AMV cũng lỗ hơn 4,5 tỷ đồng khi đầu tư vào khu công nghệ cao.

Năm 2015, công ty không lên mục tiêu lợi nhuận ròng. Các chỉ tiêu đưa ra tương đương với kế hoạch 2014, bao gồm từ 7-8 tỷ đồng doanh thu và 100-200 triệu đồng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính.

PTC là doanh nghiệp duy nhất đặt kế hoạch lỗ nhưng lợi nhuận thu về lại là con số dương.

Đầu năm 2014, kế hoạch ban đầu của PTC khá khả quan với mục tiêu doanh thu đạt 142,3 tỷ đồng, trong đó doanh thu xây lắp dự kiến 132,354 tỷ đồng, doanh thu thương mại dự kiến đạt 10 tỷ đồng. Lợi nhuận thu về dự kiến 494 triệu đồng.

Tuy nhiên đến tháng 9/2014, PTC đã điều chỉnh kế hoạch với mục tiêu mới là 90 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận -18 tỷ đồng. Công ty cũng cho biết nếu kịp thời chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê tại Pháp Vân thì lợi nhuận có thể đạt 27 tỷ đồng.

Trong năm qua, PTC đã chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuế tại khu Ngọc Liệp, Quốc Oai, Hà Nội và bán đấu giá tài sản tại khu đất này. Nhờ khoản mục lợi nhuận khác hơn 8,7 tỷ đồng và lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết, PTC đã thoát lỗ trong năm qua.

Sắp đến thời điểm các kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được thông qua, tuy chưa có doanh nghiệp nào lên kế hoạch lỗ nhưng đã xuất hiện doanh nghiệp có kế hoạch lãi 0 đồng - CTCP Xây lắp dầu khí miền Trung (PXM).

Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính năm 2014 nhưng PXM đã liên tục lỗ trong 2012 và 2013. Khoản lỗ lũy kế của công ty tính đến 30/9/2014 là 307 tỷ đồng. Do vậy chỉ cần không lỗ, khoản lãi 0 đồng mà PXM đặt ra trong 2015 cũng đã là một bước tiến đáng kể.

Theo NGUYÊN MINH

PV

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên