MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những doanh nghiệp “thay ruột”, tăng vốn và giá cổ phiếu tăng phi mã

Điểm chung của những DN này là sau khi "thay ruột", ban lãnh đạo mới đều có kế hoạch tăng vốn, tái cơ cấu nguồn vốn. Phải chăng kỳ vọng vào sức sống mới trong cái vỏ cũ đã khiến giá cổ phiếu tăng mạnh?

Tham gia thị trường cổ phiếu có một cái hay là được theo dõi, chứng kiến những phi vụ mua bán, thâu tóm doanh nghiệp rất ly kỳ hấp dẫn. Ở mức nhẹ hơn, nhà đầu tư cũng có thể thấy một số cuộc “thay ruột” cho doanh nghiệp diễn ra rất gọn nhẹ nhưng vẫn hấp dẫn, bởi vì trùng hợp với công cuộc này, giá cổ phiếu của doanh nghiệp cũng tăng gấp mấy lần.

Đầu tiên phải kể đến CTCP Khoáng sản Quang Anh (mã: KSQ).

CTCP Khoáng sản Quang Anh tiền thân là Công ty TNHH Khoáng sản Quang Anh thành lập từ năm 2006, hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản với Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là ông Nguyễn Hồng Quang.

Doanh nghiệp này niêm yết lần đầu vào ngày 26/07/2013 và ngay lập tức sàn 8 phiên liên tục, khối lượng mỗi phiên chỉ 100 – 200 cổ phiếu. Với quy mô nhỏ, vốn điều lệ 30 tỷ đồng, thanh khoản của KSQ sau đó chưa đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư nên mặc dù là cổ phiếu khoáng sản – loại cổ phiếu chuyên được giới đầu cơ để ý nhưng cái tên KSQ ít được bàn luận trên các diễn đàn.

Từng “bị” cổ đông chất vấn về việc không PR, quảng cáo để “tạo sóng” cho giá cổ phiếu hay không mở rộng đầu tư sang lĩnh vực … tài chính để có thể kiếm lời nhiều hơn, ông Nguyễn Hồng Quang nói, ông cũng như các thành viên ban điều hành đều xuất thân là dân kỹ thuật, chỉ biết chuyên môn mỏ với quặng, không biết đến các “chiêu trò” tài chính khác.

Còn nhớ trong năm nay, ĐHCĐ của Khoáng sản Quang Anh đã phải tổ chức đến lần thứ 3 mới xong do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự mặc dù đại hội sẽ quyết định những vấn đề rất quan trọng như phát hành riêng lẻ 12.000.000 cổ phần để tăng vốn điều lệ; miễn nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hồng Quang (Chủ tịch HĐQT) và thành viên HĐQT là các ông Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Mạnh Cường, Cao Anh Tuấn, Lê Trường Sơn.

HĐQT mới là Ông Vương Văn Ba – Chủ tịch và các thanh viên là ông Đỗ Thanh Long, ông Ngô Tiến Hải, ông Nguyễn Quốc Việt, ông Trần Văn Kính.

Quá trình đổi ruột đã “hòm hòm” vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 khi HĐQT mới bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Phương làm tổng giám đốc, ông Phan Thanh Sơn làm kế toán trưởng. Những cổ đông lớn người Trung Quốc xuất hiện như Zhang Hua sở hữu 6,4%, Zheng Lan Ying sở hữu 5,2%.

Thế rồi sau đó, cổ phiếu KSQ như đổi vận. Từ ngày 02/07, KSQ bắt đầu chạy từ giá 3.900 đồng lên 9.500 đồng vào ngày 29/08, tức tăng gần 144% trong vòng 2 tháng. Chốt phiên ngày 10/09, KSQ đang có giá 8.100 đồng.

BCTC soát xét quý 2/2014 cho biết doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của KSQ đạt 57 tỷ - tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,8 tỷ - tăng 57% và EPS đạt 929 đồng.

Chứng khoán IBSC (mã: VIX)

Chứng khoán IB tiền thân là chứng khoán Vincom thành lập năm 2007 với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập của VIX là CTCP Vincom, Công ty Bảo hiểm Ngân hàng BIDV và ông Phạm Khắc Phương.

Năm 2010, khi Vincom quyết định chuyển nhượng công ty chứng khoán này thì VIX đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành và trở nên nổi tiếng với tên tuổi của ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy).

Nhưng sự nghiệp trong ngành chứng khoán của bầu Thụy có vẻ không dài lâu và sau con số lỗ khủng 78 tỷ đồng của quý 3/2012, bầu Thụy đã tính chuyện thoái vốn. Dù vậy, cũng phải đến đầu năm 2014 việc thoái vốn mới kết thúc và VIX một lần nữa đổi chủ, đổi tên thành Chứng khoán IB.

Chỉ trong vòng 4 tháng, VIX đã đổi Chủ tịch HĐQT 3 lần, từ ông Nguyễn Đức Thụy đến bà Thẩm Thị Mai Hương và hiện nay là ông Ngô Phương Chí. Theo số liệu gần đây, cổ đông lớn nhất của VIX đã xuất hiện. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Thành viên HĐQT cùng vợ là bà Dương Thị Hồng Hạnh và tổ chức liên quan CTCP CVE Invest đang sở hữu 26,67% vốn của VIX.

Cùng với việc thay đổi toàn bộ đội ngũ lãnh đạo, VIX đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, tức 600 tỷ đồng nhưng chưa thực hiện được.

Từ tháng 11/2013 đến nay, cổ phiếu VIX luôn trong chiều hướng đi lên, thậm chí không bị ảnh hưởng bởi sự kiện biển Đông. Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến ngày 10/09/2014, giá của VIX đã tăng hơn 2,6 lần.

Ông Ngô Phương Chí – chủ tịch HĐQT của VIX trả lời chúng tôi về diễn biến giá cổ phiếu VIX rất khéo: “Sự tăng giá của cổ phiếu VIX không nằm ngoài xu thế tăng giá chung của thị trường từ đầu năm đến nay. Tất nhiên, có thể thấy sự tăng giá của cổ phiếu VIX nổi trội hơn ít nhiều so với thị trường có thể là do nhà đầu tư đánh giá cao khả năng thành công kế hoạch tái cơ cấu công ty của Ban điều hành mới. Điều này thể hiện qua các chỉ tiêu kinh doanh tăng trưởng khá tốt trong quí I và II của Công ty.”

BCTC soát xét quý 2/2014 cho thấy sau 6 tháng đầu năm, VIX đạt 17,8 tỷ lợi nhuận sau thuế - tăng 41,3% so với cùng kỳ năm 2013. Mới chỉ hoàn thành 37% kế hoạch cả năm nhưng ông Ngô Phương Chí rất lạc quan về tình hình kinh doanh và ĐHCĐ bất thường mới nhất cũng không điều chỉnh kế hoạch.

CTCP Tập đoàn Khoáng sản Hamico (mã: KSH)

CTCP Tập đoàn Khoáng sản Hamico nổi tiếng gần đây bởi 17/18 phiên tăng trần liên tục giúp cổ phiếu này tăng 2,8 lần từ ngày 13/08 đến nay. Ngoài việc gây chú ý bởi chuỗi tăng trần khó đoán này, KSH còn liên tục công bố những thông tin cho thấy cuộc “tái cơ cấu” mạnh mẽ tại doanh nghiệp.

Cụ thể, cuộc họp HĐQT ngày 26/8/2014 của KSH đã thông qua việc miễn nhiệm 2 vị trí chủ chốt. Ông Nguyễn Tiến Dũng thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT và ông Vũ Minh Thành rời ghế Tổng giám đốc. Thay vào đó, ông Nguyễn Công Hùng được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Hoài Linh được bầu làm Tổng giám đốc Công ty.

KSH cho biết vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Công Hùng là tạm thời cho đến khi công ty tổ chức ĐHCĐ xin ý kiến.

Sau đó, KSH công bố tài liệu của cuộc họp ĐHCĐ bất thường sẽ diễn ra vào ngày 17/09 với nội dung tăng vốn điều lệ từ 116,9 tỷ lên 422,7 tỷ bằng cách phát hành thêm 30,6 triệu cổ phiếu. Trong đó 30 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược với mục đích cấn trừ công nợ và chuyển đổi vốn từ hợp tác kinh doanh sang vốn góp.

Gần đây nhất, ông Nguyễn Xuân Mai – cổ đông lớn nhất của KSH công bố, trong 2 ngày 8 và 9/9/2014, ông Mai đã bán ra lần lượt 2,8 triệu và 2,2 triệu cổ phiếu KSH. Trong 2 phiên giao dịch nói trên, cổ phiếu KSH xuất hiện lượng giao dịch thỏa thuận theo đúng số lượng cổ phiếu mà ông Mai bán ra. Sau khi bán ra hơn 5 triệu cổ phiếu KSH, ông Nguyễn Xuân Mai đã giảm số lượng cổ phiếu sở hữu từ 47,19% (cổ đông lớn nhất của KSH) xuống còn 4,4% - tương đương 514.620 đơn vị.

Theo thông tin được biết, ông Mai là người đứng đầu của Tập đoàn Hamico (không phải CTCP Tập đoàn Hamico – KSH).

BCTC soát xét quý 2/2014 cho thấy sau 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của KSH đạt gần 31 tỷ - tăng 11,5% so với cùng kỳ. LNST đạt 1,9 tỷ - tăng 380%.

Điểm chung của những doanh nghiệp này là sau khi "thay ruột", ban lãnh đạo mới đều có kế hoạch tăng vốn để tái cơ cấu nguồn vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư mới ... Phải chăng kỳ vọng vào một sức sống mới trong cái vỏ cũ đã khiến cho giá cổ phiếu tăng như vậy? Vẫn phải chờ những kết quả rõ ràng hơn mới có thể biết kỳ vọng này có đúng hay không...

>>> Hàng loạt doanh nghiệp công bố thay đổi nhân sự

Bảo Ngọc

trangntm

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên