MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Niêm yết bổ sung gần 1,6 tỷ cổ phiếu VCB: Không dễ

Nếu không thực hiện bán bớt cổ phần cho đối tác chiến lược thì trước khi niêm yết bổ sung, VCB sẽ tiếp tục phải xin một cơ chế đặc biệt.

Hai phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu VCB trở thành tâm điểm chú ý của NĐT và các thành viên thị trường khi Vietcombank được NHNN chấp thuận niêm yết bổ sung gần 1,6 tỷ cổ phiếu.

Với động thái này, VCB sẽ chiếm tỷ trọng thứ 4 trong rổ cổ phiếu tính chỉ số VN-Index. NĐT kỳ vọng, với diễn biến tăng giá của một số mã cổ phiếu dẫn dắt thị trường vừa qua như BVH, MSN, khi niêm yết bổ sung, VCB cũng sẽ lọt vào "mắt xanh" của các quỹ đầu tư chỉ số ETF và giá sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, việc niêm yết bổ sung số cổ phiếu này liệu có dễ dàng?

Niêm yết nhưng không thoái vốn

Bà Lê Thị Hoa, thành viên HĐQT Vietcombank cho biết, trong 2 kỳ ĐHCĐ gần đây, các cổ đông lớn đều đề nghị VCB niêm yết toàn bộ số cổ phần Nhà nước sở hữu để cổ phiếu tăng tính thanh khoản, quy mô vốn hóa thị trường được phản ánh chính xác. Sau cuộc họp ĐHCĐ năm nay, VCB đã có văn bản đề nghị NHNN và các cơ quan chức năng cho phép niêm yết toàn bộ số cổ phiếu của Ngân hàng. Sau khi nhận được văn bản đồng ý của NHNN, VCB đang tiến hành các thủ tục để niêm yết bổ sung theo đúng quy định.

Vẫn theo bà Hoa, hiện nay cổ đông nhà nước của VCB, bao gồm cả Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và NHNN, đều không có kế hoạch thoái bớt vốn tại VCB qua TTCK tập trung.

Theo nghị quyết ĐHCĐ năm 2011 của VCB, Ngân hàng sẽ phát hành thêm 12% cổ phần để trả cổ tức năm 2010 bằng cổ phiếu, phát hành thêm 20% cổ phần để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài. Quá trình đàm phán với đối tác ngoại đang được thực hiện. Thị trường dù còn nhiều khó khăn nhưng VCB không trì hoãn kế hoạch trên. Sau 2 đợt tăng vốn kể từ khi niêm yết, vốn điều lệ hiện tại của VCB là 17.588 tỷ đồng.

Phải chờ cơ chế đặc biệt

Theo quy định hiện hành, việc niêm yết bổ sung cổ phiếu đối với DN đang niêm yết khá nhanh. Sau khi DN nộp hồ sơ, nếu đầy đủ sẽ được Sở GDCK chấp thuận nguyên tắc. Sau 3 ngày hoàn thành việc lưu ký bổ sung, Sở sẽ chấp thuận niêm yết chính thức, sau đó DN tự chọn ngày đưa cổ phiếu lên giao dịch.

Tuy nhiên, một nguồn tin từ Sở GDCK TP. HCM (HOSE) cho biết, việc niêm yết bổ sung của VCB sẽ không giống với nhiều DN khác.

VCB được cổ phần hóa năm 2007 và lên niêm yết vào năm 2009. Trước khi lên sàn thì mức độ đại chúng (20% vốn điều lệ do tối thiểu 100 NĐT nắm giữ) của VCB không đạt yêu cầu theo quy định.

Phương án cổ phần hóa của VCB đươc chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tổng khối lượng phát hành trong đợt đầu là 30% vốn điều lệ, trong đó cổ phần bán đấu giá công khai trong nước là 6,5% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho CBCNV và cho các đối tượng nắm giữ trái phiếu tăng vốn là 3,5% vốn điều lệ; cổ phần bán cho NĐT chiến lược trong nước là 5% vốn điều lệ; cổ phần bán cho NĐT chiến lược nước ngoài tối đa không quá 20% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, sau khi đấu giá ra bên ngoài 6,5% vốn điều lệ và bán cho CBNV, VCB vẫn chưa tìm được đối tác chiến lược và tổng số cổ phần bán ra bên ngoài chưa đạt 20%. Trước sức ép của cổ đông về việc niêm yết, VCB đã lên sàn bằng một cơ chế đặc biệt.

Vậy lần niêm yết bổ sung này thì sao? Nguồn tin trên cho biết, nếu không thực hiện bán bớt cổ phần cho đối tác chiến lược thì trước khi niêm yết bổ sung, VCB sẽ tiếp tục phải xin một cơ chế đặc biệt, do toàn bộ số cổ phiếu trên khi niêm yết không có thanh khoản, cổ đông nhà nước vẫn đang sở hữu.

Ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường, UBCK, cho biết, hiện nay cơ quan này vẫn chưa nhận được hồ sơ xin niêm yết bổ sung của VCB và mục đích niêm yết bổ sung của ngân hàng này là gì cũng chưa rõ ràng. Sau khi nhận được hồ sơ, các cơ quan chức năng liên quan sẽ xem xét có chấp thuận cho VCB niêm yết bổ sung hay không.

Trong thời gian dài vừa qua, sự biến động của VN-Index phụ thuộc vào một số cổ phiếu có vốn hóa lớn như BVH, MSN, VIC. Trước tình hình đó, đầu tháng 2/2011, UBCK đã có công văn đề nghị HOSE xúc tiến việc nghiên cứu các giải pháp khắc phục tình trạng chỉ số VN-Index chưa phản ánh đúng xu thế biến động của thị trường do chịu ảnh hưởng của một số cổ phiếu lớn. Liên quan đến vấn đề này, ông Sơn cho biết, hiện HOSE đã nghiên cứu và chuẩn bị báo cáo UBCK về việc tính toán lại chỉ số VN-Index.

Nếu cách tính của HOSE theo hướng chỉ tính số cổ phiếu được phép giao dịch và loại trừ số cổ phiếu do Nhà nước, cổ đông chiến lược, lãnh đạo DN nắm giữ bị hạn chế chuyển nhượng có thời hạn, thì việc niêm yết bổ sung lượng cổ phiếu lớn như VCB cũng không có nhiều ý nghĩa.

Cho dù việc niêm yết bổ sung của VCB diễn ra như thế nào và cách tính chỉ số ra sao thì thông tin gần 1,6 tỷ cổ phiếu VCB niêm yết bổ sung đã gây ra hiệu ứng tâm lý khá mạnh cho NĐT.


Theo Nguyên Thành - Phong Lan
Đầu tư chứng khoán

thuytn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên