MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi buồn của cổ phiếu đầu cơ

Có thể thấy, không chỉ là sự im ắng của nhóm đầu cơ cũ, mà ngay cả xu hướng "lên sàn tăng giá" trong năm ngoái cũng không còn đất diễn trong năm nay.

Nếu như năm 2014, thị trường chứng khoán Việt Nam sôi sục bởi các cổ phiếu đầu cơ với cuộc chơi kinh điển mang tên “game phát hành” khiến nhiều người phải thốt lên rằng “cổ phiếu đầu cơ làm loạn thị trường”, thì năm 2015, dòng cổ phiếu này im ắng lạ.

Những đợt sóng to, nhỏ từ đầu năm đến nay đều nằm trong tay cổ phiếu vốn hóa lớn.

Gương mặt sáng nhất trong dòng đầu cơ năm nay có lẽ là SHN của CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội khi tăng 1 mạch từ 3.000 đồng lên 22.000 đồng với sự "nhảy vào" của Geleximco. Cổ phiếu SAM của CTCP Đầu tư và phát triển Sacom tăng 2 đợt trong cuộc mua đi bán lại của chứng khoán phố Wall (WSS) và HFC Việt Nam. Hay như FIT cũng tăng từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6) từ trên 12.000 đồng/cp lên 17.000 đồng/cp

Trong 2 tuần gần đây, ASM – CTCP Tập đoàn Sao Mai An Giang là cổ phiếu gây chú ý nhất với đồ thị tăng dựng đứng hơn 23% với kế hoạch phát hành hơn 107 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá bán 10.000 đồng/cp. Phiên ngay 6/8, cổ phiếu này giảm sàn và đóng cửa tại giá 9.500 đồng - thấp hơn mệnh giá.

Dù có một số gương mặt gây chú ý, nhưng mức tăng này chẳng bõ bèn gì nếu so với sóng đầu cơ của năm ngoái. Trong giai đoạn cổ phiếu lớn điều chỉnh, thi thoảng một phiên người ta thấy sự trỗi dậy của dòng đầu cơ và dự báo đã đến cuối sóng thì rất nhanh sau đó, cơn sóng này lại lùi lại.

Nói chung, theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư thì năm nay, ít ai kiếm ăn được từ cổ phiếu đầu cơ.

Tại sao vậy?

Trước hết là vấn đề dòng tiền. Các chuyên gia cho rằng, với Thông tư 36 được ban hành vào cuối năm 2014 và có hiệu lực từ ngày 1/2/2015, dòng tiền vào thị trường chứng khoán đã trở nên khắt khe, đặc biệt tại các công ty chứng khoán nhỏ.

Chưa kể, với kế hoạch hoàn thành cổ phần hóa gần 300 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2015 và thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tiền vào thị trường cũng hụt đi đáng kể. Cụ thể, theo số liệu của Bộ tài chính, tính đến hết quý I/2015, tổng số vốn mà các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã thoái là 8.213 tỷ đồng và số thu về là 8.599 tỷ đồng. Số vốn còn phải thoái trong 9 tháng cuối năm 2015 là 19.517 tỷ đồng.

Ngoài ra, kênh đầu tư bất động sản đang ấm lên và một phần dòng tiền bị hút sang đây.

Do đó, tiền phải đi có định hướng, chọn lọc hơn mà yếu tố rủi ro được đặt lên hàng đầu.

Các công ty chứng khoán – đơn vị cung cấp vốn cho khách hàng đã giới hạn nguồn cung margin cho nhóm cổ phiếu đầu cơ vì những rủi ro vốn có của nhóm này. Chưa kể nhiều cú “ngã ngựa” trong năm nay với những cổ phiếu thậm chí được đánh giá là cơ bản tốt như JVC, HHS khiến các công ty chứng khoán cũng phải tăng cường quản trị rủi ro hơn.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu lớn, đặc biệt là dòng ngân hàng với nền tảng cơ bản, lợi thế quy mô và được các chính sách kinh tế vĩ mô hỗ trợ, đã có kết quả kinh doanh khởi sắc. Dòng tiền của khối ngoại vẫn chỉ lựa chọn cổ phiếu lớn để mua và là một động lực để các cổ phiếu này có mức tăng trưởng không kém cạnh gì nhóm đầu cơ trong năm trước.

Một yếu tố rất lớn là động lực cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán năm nay là sự ra đời của Nghị định 60 với quy định mới về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Và câu chuyện nới room dành cho cổ phiếu lớn chứ ít có phần cho cổ phiếu đầu cơ.

Chính vì thế, sức hấp dẫn của nhóm bluechips rõ ràng hơn hẳn nhóm đầu cơ.

Lại nói về sự hấp dẫn, cổ phiếu đầu cơ vốn tạo sóng nhờ những câu chuyện riêng mà nhà đầu tư hay gọi là “game” và sự tác động của những người tạo lập. Tuy nhiên, với chiến tích của năm 2014 tại nhóm này, các cơ quan quản lý không thể không để ý và các đội tạo lập cũng phải chùn tay. Có thể thấy, không chỉ là sự im ắng của nhóm đầu cơ cũ, mà ngay cả xu hướng "lên sàn tăng giá" trong năm ngoái cũng không còn đất diễn trong năm nay.

Về phía nhà đầu tư, các loại game tại nhóm đầu cơ không mới và có thể dùng đi dùng lại vẫn hút khách nhưng có lẽ nhà đầu tư cũng đã ngán với game phát hành tăng vốn ồ ạt của các doanh nghiệp từ kiến thành voi trong khi kết quả kinh doanh không có sự tăng trưởng tương xứng, thậm chí số liệu báo cáo còn bị nghi ngờ bởi hệ thống sở hữu chéo dày đặc. Doanh nghiệp lớn cũng cần tăng vốn, và đầu tư vào đây có phần an tâm hơn.

 

 

Mai Hoàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên