MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nói Thông tư 36 làm thu hẹp dòng tiền là không thuyết phục”

Đại điện Ngân hàng Nhà nước, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng cho rằng thời gian qua nhiều ý kiến đã đánh giá không đúng về Thông tư 36 khi nghĩ rằng vì Thông tư này làm suy giảm tính thanh khoản của thị trường chứng khoán.

Tại Tọa đàm "Vai trò của thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế sáng nay (15/5), ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng cho biết khi Thông tư 36 có hiệu lực từ ngày 1/2/2015 có nhiều ý kiến cho rằng tính thanh khoản suy giảm vì áp dụng Thông tư 36.

Tuy nhiên ông khẳng định Thông tư 36 không phải là nguyên nhân gây suy giảm thanh khoản vì NHNN đã rà soát dữ liệu về dư nợ cho vay trong hoạt động kinh doanh cổ phiếu của hệ thống các TCTD 3 lần. Lần thứ nhất vào tháng 12/2014, lần hai vào tháng 1/2015 trước khi Thông tư 36 có hiệu lực và lần cuối cùng vào cuối tháng 3/2015 để xem tác động về toàn bộ dòng tiền trong các TCTD để cung cấp cho hoạt động đầu tư vào thị trường.

Theo đó, cho đến ngày 31/3/2015, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán so với thời điểm 10/1/2015 giảm 180 tỷ đồng, tuy nhiên so với tháng 31/10/2014 tăng 290 tỷ đồng.

Dư nợ cấp tín dụng đầu tư kinh doanh cổ phiếu tính đến ngày 31/3/2015 là  21 nghìn tỷ đồng, so 10/1/2015 tăng 5,2 nghìn tỷ đồng và so với tháng 10/2014 tăng 7,27 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, nhìn vào số liệu này thì Thông tư 36 đã làm cho dòng tiền cung cấp cho đầu tư khả quan hơn. Ông nhấn mạnh tác động của Thông tư 36 làm thu hẹp dòng tiền là không thuyết phục.

Ông Hiển cho biết từ năm 2009 cho tháng 7/2014 có 161 doanh nghiệp hủy niêm yết. Từ năm 2011 đến 2014 số doanh nghiệp niêm yết luôn thấp hơn doanh nghiệp hủy niêm yết. Theo ông, nếu thị trường không có chính sách bền vững, nếu vấn lấy dòng vốn từ ngân hàng sang thị trường chứng khoán là rất trầm trọng. Những đợt tăng giảm thất thường, làm tổn thương nhà đầu tư, nhà đầu tư bị cuốn vào xu thế tăng giá mà thua lỗ thì không quay lại thị trường.

Ông chỉ ra tác động của Thông tư 36 là làm lành mạnh hóa hoạt động của ngân hàng, làm cho dòng vốn vào chứng khoán trong trung dài hạn có chất lượng.

Ngoài ra, Thông tư 36 giúp các công ty chứng khoán có cơ hội tái cấu trúc. Hiện nay có 81 công ty chứng khoán trên thị trường.

Thông tư 36 siết chặt tỷ lệ cho vay buộc công ty chứng khoán có tiềm lực phải tăng vốn phát hành cổ phiếu, trái phiếu,... công ty mạnh sẽ có cơ hội khẳng định, công ty yếu sẽ phải tái cấu trúc.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chỉ ra tính thanh khoản của thị trường suy giảm chủ yếu do tâm lý. Hơn nữa, do bối cảnh quốc tế Mỹ tăng lãi suất, châu Âu duy trì lãi suất âm, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư Việt Nam. Nhà đầu tư vẫn đầu tư theo tâm lý "bầy đàn" và dòng vốn phụ thuộc vào dịch chuyển của nhà đầu tư nước ngoài..

Ông Hiển kết luận Thông tư 36 sẽ giúp thị trường có nền tảng bền vững trong tương lai.

Theo HẠNH PHÚC

PV

Bizlive

Trở lên trên