MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ môi giới: Khách "chửi" vẫn phải nghe

Trong cái nghề làm dâu trăm họ này, nữ bao giờ cũng thua thiệt hơn nam. Tâm lý khách hàng vẫn thích tư vấn là nam nhưng chị em chưa bao giờ lép vế.

Môi giới chứng khoán trước đây được coi là nghề hái ra tiền, với những lời đồn thổi anh này chị kia một tháng kiếm được cả trăm triệu. Nhưng khi thị trường ảm đạm trong suốt 2 năm qua, một phiên giao dịch 300-400 tỷ, dân môi giới lại được nhìn với ánh mắt thương cảm: chẳng hiểu “bọn nó” sống bằng gì!!!

Công việc của một môi giới hàng ngày vắt đầu từ 7h30 sáng hoặc có thể sớm hơn tùy thuộc vào thị trường biến động mạnh hay yếu. Có khi nửa đêm khách gọi dặn dò đặt lệnh cũng phải tư vấn tận tình. Buổi sáng thì chủ yếu xem bảng, đọc tin và tư vấn cho khách có nên mua bán hay không. Chiều các đội môi giới ngồi họp với nhau để thống nhất tư vấn cho khách đánh lên hay đánh xuống.

Thời điểm thị trường giảm mạnh năm 2011, buổi chiều các môi giới toàn ra quán uống nước chém gió. Bây giờ giao dịch thêm buổi chiều thì công việc bận rộn hơn, phải đi làm hồ sơ vay margin cho khách, có lúc thì phải mang hồ sơ đến tận nơi cho khách ký, hoặc đến tận chỗ khách để lấy tiền (nhưng hiện các công ty đã có giao dịch chuyển khoản tiền chứng khoán nên việc này cũng ít dần)….

P, một nữ môi giới chứng khoán tại một CTCK thuộc Top 10 cho biết, môi giới là một nghề vất vả, nữ làm môi giới lại càng vất vả gấp trăm lần. Trong cái nghề làm dâu trăm họ này, nữ bao giờ cũng thua thiệt hơn nam. Tâm lý khách hàng vẫn thích tư vấn là nam, một phần vì nữ thường khả năng phân tích kém hơn, chủ yếu đánh theo tin và cảm nhận riêng, còn về phân tích cơ bản hay phân tích kỹ thuật các môi giới nam có phần nhỉnh hơn.

Nói như vậy nhưng cũng có nhưng môi giới nữ “hổ báo” không thua kém các anh, quản lý những tài khoản vài chục tỷ của khách, một lệnh mua cả trăm nghìn cổ phiếu, đánh lên rồi lại đánh xuống.Thực ra, vấn đề vẫn là mối quan hệ riêng, khách của ai người nấy quản lý.

Về cái khoản tư vấn cho khách cũng lắm chuyện nực cười, T., một nữ môi giới tại CTCK H. kể, khách hàng có cô là vợ của sếp lớn, yêu cầu em không cần tư vấn gì cả, chỉ cần làm sao em “phím” cho chị ăn 10% là đủ rồi, phí chị đòi 0,15% (thông thường phí môi giới ở các CTCK từ 0,2-0,4%) nhưng vẫn bắt phải ăn chia tiền phí.

Thị trường lên, khách kiếm được tiền thì không sao. Đến lúc thị trường xuống, khách mất tiền, ngày nào cũng bị “ăn chửi”, hoặc suốt ngày nghe khách hàng ca cẩm. Dù sao, thị trường xuống chung, khách chửi vẫn phải ngọt nhạt dạ vâng chứ biết làm sao. Có ông khách đến văn phòng đập bàn rầm rầm gọi môi giới là “đồ con khỉ”, chị em vẫn phải cười với khách, rồi mai lại tư vấn tiếp, lại lỗ tiếp. Khách không hợp với môi giới, một đi không trở lại là chuyện bình thường.

Đối với môi giới nam, chạy đi chạy lại dễ, cười nói bắt tay bắt chân cũng dễ, gặp khách là các chị sồn sồn nói vài dăm ba câu đưa đẩy lại càng dễ. Còn đối với môi giới nữ, việc đi kiếm khách thực sự là một cuộc giành giật. Thị trường xuống lại càng khiếp, đi đâu cũng phải cười nói, làm quen, chìa card ra, PR cho công ty. Có khách tự đến công ty giao dịch, nhưng rảnh lúc nào cà phê cũng phải bắt khách, ngồi chém gió linh tinh cũng bắt khách, hoặc thỉnh thoảng lượn lờ sang các CTCK của “địch” để câu kéo khách về.

Với các em xinh xắn, ngoại hình là một lợi thế. Còn đối với các chị đã có gia đình, việc giao tiếp với khách cũng có phần kém hơn, nhưng được lợi thế quan hệ lâu năm “gừng càng già càng cay”.

Có ông khách mua chứng khoán nhưng thiếu tiền, hẹn tới hẹn lui chiều anh mang tiền đến nộp nhưng gọi mãi chẳng thấy đâu, lúc đấy môi giới lại phải lôi tiền túi ra nộp cho khách. Còn đối với trường hợp khách vay margin mua chứng khoán, đến lúc thị trường sập khách bỏ của chạy lấy người thì đấy là câu chuyện…thường ngày ở huyện! Môi giới sẽ có liên đới trách nhiệm, nhưng phạt thì ở mức..không cho nhân viên nghỉ việc để kéo cày trả nợ.

Nhìn các chị em khác làm ở ngân hàng ổn định, thu nhập cao, trong khi lương cứng của mình được 4-5 triệu, tháng nào cũng phải chạy đủ chỉ tiêu 10 tỷ (tương đương khoảng 20 triệu tiền phí), nhưng V., môi giới công ty T., vẫn bám trụ. Nghề chứng khoán vất vả, nhưng vui, dính vào rồi chẳng bỏ được. Thị trường xuống rồi cũng sẽ có ngày lên, nghề môi giới sẽ có ngày lại quay trở về thời hoàng kim như nó đã có.

Minh Châu

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên