MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nửa đầu năm 2015, 8 doanh nghiệp than báo lãi khởi sắc

6 tháng đầu năm, 8 doanh nghiệp than lãi ròng tổng cộng 111,5 tỷ đồng tăng 140% so với cùng kỳ - Đây có thể là lực đỡ cho những khó khăn trong 6 tháng còn lại của năm 2015.

Theo số liệu công bố của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), tình hình sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm trên các lĩnh vực của Tập đoàn tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 56.675 tỷ đồng, đạt 49,7% so với kế hoạch năm và tăng 5% so cùng kỳ. Sản xuất 21,1 triệu tấn than nguyên khai, đạt 51,7% kế hoạch năm, tiêu thụ đạt 18 triệu tấn. Sản xuất khoáng sản doanh thu đạt 39,8% kế hoạch năm, bằng 109,2% so cùng kỳ, đảm bảo việc làm và thu nhập bình quân của người lao động đạt 8,2 triệu đồng/người/tháng, tăng 5% so cùng kỳ năm 2014. Trên sàn niêm yết, cả 8 doanh nghiệp ngành than đều đã công bố BCTC quý 2/2015 với kết quả kinh doanh có lãi.

Về doanh thu, trong quý 2/2015, Than cọc 6 (TC6) đạt doanh thu cao nhất trong nhóm với 1.285,74 tỷ đồng, tiếp theo là than Cao Sơn (TCS) với mức doanh thu chênh lệch không đáng kể so với TC6 nhưng lại là doanh nghiệp than có tốc độ tăng mạnh nhất trong kỳ đạt 23%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, 8 doanh nghiệp ngành than đạt tổng cộng gần 12.305 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 10% so với cùng kỳ trong đó riêng than cao sơn chiếm 21%. Đáng chú ý nhất là mức sụt giảm mạnh 33% về doanh thu của Than Núi Béo (NBC),

Về lợi nhuận, trong kỳ cả 8 doanh nghiệp ngành than đều công bố KQKD có lãi, trong đó đáng kể nhất phải là KQKD ấn tượng của Than Cao Sơn, doanh nghiệp này báo lãi 21,14 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 50,22 tỷ đồng, theo giải trình nguyên nhân là do quý 2 năm nay, thời tiết ổn định nên chất lượng than tốt, lượng than tiêu thụ đảm bảo trong khi cùng kỳ thời tiết mưa kéo dài, liên tục nên chất lượng than tiêu thụ giảm, nên doanh thu bán hàng quý 2 năm ngoái giảm mạnh. Đồng thời, do thuế tài nguyên tăng từ 7% lên 9% nên chi phí sản xuất của công ty cũng tăng thêm khoảng 24 tỷ đồng.

Than Hà Lầm (HLC) cũng có KQKD tăng trưởng tốt so với cùng kỳ, HLC báo lãi 12,5 tỷ đồng sau thuế, gấp 2,26 lần cùng kỳ năm 2014. Than Mông Dương quý 2 lãi 8,4 tỷ vừa đủ bù lỗ quý 1, nên lũy kế 6 tháng đầu năm, Than Mông Dương còn lãi chưa đến 400 triệu đồng, quá thấp so với 10,2 tỷ đồng tiền lãi 6 tháng đầu năm 2014.

Về biên lãi gộp, so với cùng kỳ hầu hết các doanh nghiệp ngành than đều có biên lãi gộp được cải thiện, trong đó than Hà Lầm hiện là doanh nghiệp than có biên lãi gộp tốt nhất đạt 16,67% trong quý 2 và 14,6% trong 6 tháng đầu năm 2015, đáng chú ý 2 doanh nghiệp TC6 và TCS mặc dù có doanh thu vượt trội so với các doanh nghiệp khác trong ngành nhưng lại có biên lãi gộp rất thấp, 6 tháng TC6 đạt 5,4% và TCS đạt 7,5%.

Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, 8 doanh nghiệp ngành than đạt tổng cộng 12.304,87 tỷ đồng doanh thu thuần tăng trưởng 10% so với cùng kỳ; LNST đạt 111,52 tỷ đồng tăng trưởng 140,6% so với 6 tháng đầu năm 2014. Tuy nhiên trong chặng đường còn lại của năm 2015, khó khăn của các doanh nghiệp than niêm yết là rất lớn.

Theo một báo cáo mới đây của CTCK VPBS, đợt mưa lũ kéo dài trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến SXKD của tất cả các đơn vị thuộc TKV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là khu vực Hạ Long và Cẩm Phả. Theo thống kê ban đầu của TKV, tổng thiệt hại do mưa lũ dự kiến tại thời điểm 31/7/2015 lên đến 1.000 tỷ đồng và có thể tăng cao hơn nếu thời tiết còn diễn biến phức tạp. Đồng thời các ngày cuối tháng 7 phải ngừng sản xuất làm giảm sản lượng than sản xuất, tiêu thụ trên 0,5 triệu tấn.

Cũng theo báo cáo này, Than Mông Dương (MDC) được nhận định là công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với các mỏ than bị ngập nước từ -250m đến -90m, cơ sở vật chất của mỏ cũng bị hư hại do cơn lũ. Công ty ước tính sẽ mất khoảng 3-5 tháng mới có thể hồi phục công suất. Than Vàng Danh (TVD) cũng đã có tới bốn nhà máy đã bị ngấm nước do cơn bão và mưa lớn. Công ty đã phải tạm thời ngừng hoạt động cả bốn nhà máy để khắc phục khả năng thoát nước. Điều này sẽ gây tổn thất doanh thu cho công ty trong năm 2015. 6 doanh nghiệp than còn lại cũng chịu ảnh hưởng ở mức độ nhất định do tạm thời ngừng hoạt động hay gặp khó khăn trong vận chuyển. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại sẽ không nặng nề như MDC và TVD.

Ngay từ đầu năm 2015, lãnh đạo ngành than đã nhìn nhận những khó khăn mà ngành phải đối mặt trong năm 2015 do hoạt động khai thác ngày càng xuống sâu, khí và nước nhiều, các chi phí về thăm dò, thoát nước, thông gió, an toàn bảo hộ lao động và môi trường đều tăng. Trong khi đó, với tình hình kinh tế suy giảm, ngành than trên thế giới lại gặp nhiều khó khăn, giá bán giảm nhưng các loại thuế, phí tăng cao làm cho lợi nhuận ngành than có thể giảm mạnh. Và với những thiệt hại mà ngành than phải gánh chịu sau trận mưa lũ vừa qua có thể thấy thách thức trong 2 quý còn lại của năm 2015 đối với các doanh nghiệp than là không hề nhỏ. Hi vọng những kết quả đạt được trong nửa đầu năm 2015 sẽ là lực đỡ giúp các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn.

Trần Dũng

HNX

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên