MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ở Việt Nam, các hành vi giao dịch nội gián khá nhiều"

Ths. Nguyễn Thị Phương Luyến, Phó chủ nhiệm Bộ môn Chứng khoán (Học viện Ngân hàng) phát biểu.

Nói về hệ quả của giao dịch nội gián, Ths. Nguyễn Thị Phương Luyến cho biết, nó có thể gây nên những biến động giá và khối lượng giao dịch bất thường trên TTCK, gây thiệt hại nặng nề cho những NĐT biết thông tin sau; làm giảm lòng tin của NĐT khi tham gia thị trường.

Từ năm 2010 - 2012, UBCKNN và các sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) đã ban hành bình quân mỗi năm 173 quyết định xử phạt vi phạm trong hoạt động chứng khoán, với số tiền trên 10 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, trong con số nói trên, đa phần vi phạm thuộc về công bố thông tin không đúng với quy định. Các vụ xác định được và xử lý theo đúng tính chất vi phạm về giao dịch nội gián rất hiếm.

Ths. Nguyễn Thị Phương Luyến, Phó chủ nhiệm Bộ môn Chứng khoán (Học viện Ngân hàng) cho rằng, giao dịch nội gián không phải “của hiếm” như trên báo cáo thực tế. “Nếu so sánh với các nước có TTCK phát triển, ở Việt Nam, các hành vi giao dịch nội gián khá nhiều”, bà Luyến nói.

Theo vị này, giao dịch nội gián tồn tại ở ngay các thị trường tài chính và TTCK những quốc gia phát triển, vì nó mang lại lợi ích rất lớn cho những người thực hiện. Tuy nhiên, do hệ thống giám sát của những nước này rất chặt chẽ và có sự phối hợp của nhiều cơ quan tham gia, với chế tài xử phạt đầy đủ, rõ ràng nên ở đó, các hành vi giao dịch nội gián được hạn chế khá tốt.

Còn ở Việt Nam, khi mà công ty đại chúng còn sử dụng thông tin như là “món quà” cho một hoặc một nhóm nhỏ người đầu tư, thị trường không thể không có giao dịch nội gián, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam phân tích. Không ít các hiện tượng trên TTCK giai đoạn vừa qua có thể minh chứng cho quan điểm này, như hành vi bán tháo PVF hồi tháng 9 vừa qua.

Hay, một trường hợp khác cũng từng trở thành tâm điểm của thị trường đã được Ths. Võ Thị Hoàng Nhi (Học viện Ngân hàng chi nhánh Phú Yên) nêu, đó là vụ thâu tóm Sacombank. Ở vụ việc này, một số nhà đầu tư (NĐT) đã âm thầm thu gom cổ phiếu STB của Sacombank để đạt đến tỷ lệ sở hữu lớn, nhưng không hề công bố thông tin. Cho đến khi HĐQT và ban điều hành mới của ngân hàng này đi vào hoạt động, UBCKNN mới vào cuộc và đưa ra quyết định xử phạt những NĐT vi phạm.

Nói về hệ quả của giao dịch nội gián, Ths. Nguyễn Thị Phương Luyến cho biết, nó có thể gây nên những biến động giá và khối lượng giao dịch bất thường trên TTCK, gây thiệt hại nặng nề cho những NĐT biết thông tin sau; làm giảm lòng tin của NĐT khi tham gia thị trường.

Nhìn tổng thể, nếu còn để hành vi này diễn ra phổ biến, giao dịch nội gián sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn của DN, đến quá trình phát triển của TTCK và tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, công ty niêm yết là người cung cấp chứng khoán và thông tin cho thị trường phải chịu trách nhiệm trước hết về các giao dịch nội gián. Song, điều đáng nói là một số quy định hiện nay liên quan đến công bố thông tin lại đang thực hiện ngược với thông lệ quốc tế.

Cụ thể, về nguyên lý, công ty niêm yết không chịu trách nhiệm về giá chứng khoán trên thị trường, vì nó bị tác động rất lớn bởi yếu tố tâm lý, cũng như tình hình kinh tế, chính trị, xã hội. UBCKNN bắt công ty niêm yết phải giải trình lý do giá chứng khoán tăng hoặc giảm liên tục 5 - 10 phiên là điều phi lý.

Lẽ ra, đó phải là câu hỏi mà tổ chức niêm yết dành cho SGDCK, UBCKNN. Bởi các cơ quan này là người trung gian quản lý, giám sát để thông tin hai chiều tốt nhất. Và để đạt được yêu cầu trên, các cơ quan quản lý sẽ phải siết chặt hơn nữa việc công khai, minh bạch thông tin hoạt động của DN, cổ đông lớn… với công chúng. Bởi về bản chất, công ty đại chúng, sử dụng vốn của công chúng đầu tư để kinh doanh.

“Chỉ có làm như vậy, thị trường sẽ có thông tin thống nhất, đầy đủ, kịp thời và công bằng. Từ đó, NĐT cũng giám sát được việc thực hiện cơ chế thông tin của DN và hạn chế được thông tin nội gián”, đại diện Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam khuyến cáo.

Theo Công Chiến

phuongmai

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên