MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PetroVietnam thuyết phục cổ đông nhỏ chấp thuận góp vốn vào Đạm Cà Mau

Là cổ đông lớn nhưng PVN vẫn phải thuyết phục các cổ đông nhỏ đầu tư vào Nhà máy Đạm Cà Mau là bởi PVN có quyền lợi liên quan.

Trong quý IV này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục trao đổi với các cổ đông nhỏ của Đạm Phú Mỹ (DPM) để họ có quyết định mới về việc đầu tư Nhà máy Đạm Cà Mau.

Là cổ đông lớn, với số cổ phần nắm giữ chiếm tỷ lệ chi phối tại DPM, nhưng PVN vẫn phải thuyết phục các cổ đông nhỏ đầu tư vào Nhà máy Đạm Cà Mau là bởi PVN có quyền lợi liên quan (đồng thời là chủ đầu tư Dự án Đạm Cà Mau), nên không được quyền bỏ phiếu. Trước đó, vào đầu năm nay, các cổ đông nhỏ của DPM đã không đồng ý việc DPM bỏ tiền vào Dự án đạm Cà Mau, bởi cho rằng, việc đầu tư này không hiệu quả.

Dự án đạm Cà Mau có công suất tương đương Nhà máy Đạm Phú Mỹ (là 800.000 tấn/năm). Tuy nhiên, do thời điểm đầu tư bị chậm trễ, nên dự án này hiện có tổng mức đầu tư khoảng 900 triệu USD, gần gấp đôi so với tổng mức đầu tư 500 triệu USD của Nhà máy Đạm Phú Mỹ trước đó.

Không những vậy, Nhà máy Đạm Phú Mỹ ngay khi bắt đầu hoạt động còn nhận được những thuận lợi đáng kể, như giá khí đầu vào từ năm 2004 tới nay vẫn chỉ là 1,3 USD/triệu BTU, giá phân bón trên thị trường thế giới đang có chiều hướng tăng lên so với thời điểm quyết định đầu tư. Với những thuận lợi đó, ngay từ khi bắt đầu hoạt động, DPM liên tục đạt mức lợi nhuận cao, hơn 1.000 tỷ đồng/năm.

Còn với Dự án đạm Cà Mau, giá khí đầu vào sẽ được tính theo giá dầu quốc tế. Với mức giá dầu 50 USD/thùng, giá khí cũng đã xấp xỉ 3,5 USD/triệu BTU, cao hơn nhiều so với giá khí hiện tại của Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Chính bởi vậy, cổ đông nhỏ từ chối việc DPM bỏ tiền để tiếp nhận quyền đầu tư dự án Đạm Cà Mau từ PVN là điều dễ hiểu.

Do không đạt được thỏa thuận để DPM bỏ tiền đầu tư vào Nhà máy Đạm Cà Mau, nên đầu năm 2009, PVN đã quyết định thuê DPM quản lý và vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau. Hiện phần đào tạo nhân lực cho vận hành Nhà máy Đạm Cà Mau đã được khởi động.

Tuy nhiên, vào tháng 4/2009, Ban lãnh đạo DPM đã thừa nhận, PVN và DPM chưa đàm phán về những vấn đề liên quan, như phí vận hành và quản lý Nhà máy, sẽ bán đạm Cà Mau với thương hiệu “Đạm Phú Mỹ” hay xây dựng một thương hiệu độc lập là “Đạm Cà Mau”, thời hạn hợp đồng thuê quản lý.

Tới thời điểm này, các hợp đồng đó cũng chưa được ngã ngũ, khi ông Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc PVN cho hay sẽ tiếp tục trao đổi với các cổ đông nhỏ của DPM để có những quyết định mới về Dự án Đạm Cà Mau.

Lẽ dĩ nhiên, cổ đông nhỏ của DPM cũng phải cân nhắc kỹ việc DPM quản lý và vận hành thuê Nhà máy Đạm Cà Mau cho PVN. Nếu thúc đẩy thương hiệu “Đạm Cà Mau” với sản phẩm “hạt đục” - được xem là hợp thời hơn sản phẩm “hạt trong” của Đạm Phú Mỹ - thì việc kinh doanh của DPM sẽ bị ảnh hưởng khi cổ đông DPM vẫn kiên quyết không đầu tư vào Dự án đạm Cà Mau. Còn nếu chấp nhận kinh doanh Đạm Cà Mau với thương hiệu “Đạm Phú Mỹ” thì chẳng khác nào chấp nhận việc đầu tư vào Dự án đạm Cà Mau.

Không chỉ có vậy, từ năm 2010, giá khí đầu vào của DPM cũng sẽ bằng với giá thị trường. Hiện khí Nam Côn Sơn đang cấp cho các nhà máy điện ở thời điểm tháng 4/2009 là 3,48 USD/triệu BTU, với mức trượt giá là 2%/năm, còn giá khí của Bạch Hổ mà PVN bán cho các nhà máy điện cũng xấp xỉ 3 USD/triệu BTU.

Theo luận chứng đầu tư Nhà máy Đạm Phú Mỹ, giá thành sản xuất dự kiến từ 180 - 220 USD/tấn, trong khi giá bán đạm chỉ là 180 USD/tấn. Do đó, để đảm bảo cho DPM hoạt động tốt, giá bán khí cho DPM được Nhà nước chấp nhận ở mức 1,3 USD/triệu BTU cho 10 năm đầu và 1,7 USD/triệu BTU cho 10 năm tiếp theo. Đây là mức giá rất ưu đãi, bởi giá bán khí khô cho các doanh nghiệp khác cùng từ một nguồn luôn ở mức 3-3,3 USD/triệu BTU.

Trên thực tế, khoản lãi lớn của DPM chủ yếu là từ giá khí đầu vào thấp. Chỉ tính riêng năm 2006, DPM lãi 1.161 tỷ đồng, thì có tới 500 tỷ đồng là do chênh lệch giá khí đầu vào thấp.

Ngoài ra, với công suất sản xuất luôn đạt và vượt mức, giá thành đạm Phú Mỹ chỉ khoảng 140-150 USD/tấn. Tuy nhiên, khi bán ra thị trường, giá đạm Phú Mỹ lại được “định” theo giá nhập khẩu, với mức 200-300 USD/tấn, thậm chí có thời điểm lên tới 700 USD/tấn.

Theo Đầu tư ( 23/10)

thanhhuong

Trở lên trên