MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phân ngành GICS kích thích khối ngoại đầu tư vào TTCK Việt Nam?

Việc áp dụng GICS, theo ông Huy Nam – là một quyết định đúng đắn và cần thiết – giúp thị trường trở nên minh bạch, nhà đầu tư nước ngoài đỡ e ngại khi rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chiều 27/11/2015, Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM đã tổ chức buổi giới thiệu chuẩn phân ngành GICS (The Global Industry Classification Standard) và các chỉ số ngành của HoSE. Tại hội thảo, HoSE cho biết đã hoàn tất ký kết hợp đồng với hãng MSCI cung cấp chuẩn phân ngành GICS cho toàn bộ doanh nghiệp niêm yết trên Sở. Theo thỏa thuận với, HoSE sẽ cung cấp miễn phí thông tin phân ngành DN đến cấp 2- nhóm ngành cho toàn thị trường.

Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã giới thiệu sơ lược về chuẩn phân ngành GICS, một sản phẩm mới hợp tác giữa HoSE và MSCI – một tổ chức có 40 năm kinh nghiệm tính toán, nghiên cứu các chỉ số.

GICS – ngôn ngữ chung của thị trường chứng khoán thế giới

Việc phân ngành theo chuẩn GICS sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam có được “ngôn ngữ” chung với thị trường chứng khoán quốc tế - với các chỉ số ngành thống nhất. Từ đó giúp các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, đặc biệt là các quỹ đầu tư ra quyết định đầu tư chính xác nhất, thay vì “mông lung” như hiện nay.

GICS được lựa chọn vì sự phổ biến của nó khi phần lớn các thị trường chứng khoán trên thế giới đều sử dụng tiêu chuẩn phân ngành này.

Ông Huy Nam – thành viên Hội đồng chỉ số cho rằng, nhà đầu tư Việt Nam vẫn quen so sánh đầu tư với việc gửi tiết kiệm. Khác với chúng ta, nhà đầu tư quốc tế chỉ so đầu tư với chỉ số, đặc biệt là chỉ số ngành. Ví dụ cổ phiếu XYZ thuộc ngành Tiêu dùng cơ bản – tăng 5% trong khi ngành này tăng 10% thì cổ phiếu này “có vấn đề” – nhà đầu tư sẽ cân nhắc trong việc “xuống tiền”. Cổ phiếu ABC thuộc ngành này, có mức tăng trưởng cao hơn, sẽ được xem xét.

Việc so sánh chỉ có ý nghĩa trong cùng một ngành, bởi mức biến động giữa các ngành khác nhau là không giống nhau.

Tại Việt Nam, khuynh hướng phân mảng cùng với xu thế biến động đã rõ nét trong thời gian qua, đặc biệt là ở các lĩnh vực “nóng” như ngân hàng, dầu khí, bất động sản… Nhưng thị trường trên thực tế lại chưa có các công cụ đo theo kịp để phục vụ.

Việc áp dụng GICS, theo ông Huy Nam – là một quyết định đúng đắn và cần thiết – giúp thị trường trở nên minh bạch, nhà đầu tư nước ngoài đỡ e ngại khi rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cần thời gian để hoàn tất

Năm 2010, HoSE áp dụng chuẩn phân ngành VSIC 2007 (và đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết) – nhưng phải đến năm 2014, Sở mới hoàn tất phân ngành cho 100% số lượng doanh nghiệp niêm yết.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về thời gian mà HoSE và MSCI có thể hoàn tất phân ngành cho toàn bộ các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, đại diện MSCI cho biết, phải cần đến hàng năm. Bởi lẽ, việc phân ngành dựa vào doanh thu/lợi nhuận từng mảng hoạt động của doanh nghiệp, cần sự hợp tác giữa doanh nghiệp đó và MSCI. Bên cạnh đó vẫn cần những khảo sát độc lập của tổ chức này.

Trên thực tế, hiện nay các doanh nghiệp niêm yết phần lớn không công bố rõ doanh thu và lợi nhuận từng mảng hoạt động của mình. Trong khi đó lại là dữ liệu chính để MSCI thực hiện phân ngành.

Một số thay đổi cơ bản

Đương nhiên, việc chuyển từ VSIC 2007 sang GICS sẽ làm thay đổi phân ngành của nhiều doanh nghiệp, theo hướng phản ánh đúng hơn thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Masan là một ví dụ điển hình. Theo chuẩn phân ngành cũ, công ty này thuộc nhóm ngành Tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Với GICS, công ty này được trở về với ngành tiêu dùng thiết yếu – ngành mang lại phần lớn doanh thu và lợi nhuận cho Masan.

PvDrilling từ ngành Khai khoáng sẽ được phân lại vào ngành Năng lượng. Dược Hậu Giang từ ngành Công nghiệp Chế biến, chế tạo sẽ được trở về với ngành Chăm sóc sức khỏe…

Với những ví dụ điển hình nói trên, nhà đầu tư có quyền hi vọng vào mức độ hợp lý của chuẩn phân ngành mới, và những sản phẩm phái sinh được tạo ra dựa trên các chỉ số ngành được tính toán về sau.

Đan Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên