MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát hành dưới mệnh giá: Cổ phiếu “sale off”

Chưa bao giờ, việc huy động vốn trên TTCK lại gặp khó khăn như hiện nay. Không ít doanh nghiệp chấp nhận phát hành CP với giá rất thấp nhưng không tìm được người mua.

Giảm giá sốc

Với mục đích huy động vốn để thanh toán các khoản nợ đến hạn và bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh, Tổng CTCP Xuất khẩu Đông Nam Á Hamico (KSD) vừa thông báo sẽ phát hành riêng lẻ 5 triệu CP mệnh giá 10.000 đồng, nhưng giá chào bán chỉ có… 1.500 đồng/CP (tương đương 15% mệnh giá).

Mức giá này thấp hơn 700 đồng/CP so với giá giao dịch của KSD trên TTCK trong phiên giao dịch ngày 13-12 là 2.200 đồng/CP. Theo lý giải của KSD, việc đưa ra mức giá thấp được căn cứ theo giá bình quân của 30 phiên giao dịch gần nhất tính đến 10-12.

Theo kế hoạch phát hành, đối tác chào bán riêng lẻ được lựa chọn là các NĐT tổ chức có đủ năng lực tài chính, ưu tiên NĐT cam kết hỗ trợ công ty trong quản lý, kỹ thuật, tài chính, kinh doanh. Cổ phần chào bán riêng lẻ sẽ được hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất chào bán. Việc chào bán sẽ được tiến hành trong vòng 90 ngày kể từ ngày UBCKNN chấp thuận việc phát hành riêng lẻ.

Hiện tại, việc phát hành CP thấp hơn mệnh giá đã không còn là hiện tượng cá biệt, bởi trước KSD, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã lên phương án phát hành CP thấp hơn mệnh giá. Đơn cử là trường hợp của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) đưa kế hoạch phát hành hơn 19,6 triệu CP cho cổ đông hiệu hữu trong quý IV-2012 với tỷ lệ 2:1, giá phát hành 5.000 đồng/CP.

Tương tự, CTCP Đệ Tam (DTA) phát hành riêng lẻ 5 triệu CP với mức giá không thấp hơn 7.000 đồng/CP. Tại ĐHCĐ thường niên 2012, HĐQT của CTCK Rồng Việt (VDS) cũng đệ trình kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 700 tỷ đồng bằng việc phát hành riêng lẻ hơn 35 triệu CP với giá 7.000 đồng/CP cho các đối tác chiến lược.

Khó tìm người mua

Theo kế hoạch, nếu đợt phát hành CP lần này thành công, KSD cũng chỉ thu được vỏn vẹn 7,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những con số tài chính của KSD thì đây là số tiền tương đối lớn. Chẳng hạn, theo BCTC quý III-2012, hiện lượng tiền mặt của doanh nghiệp này chỉ có hơn 750 triệu đồng trong khi tổng nợ phải trả hiện lên đến 30,5 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn là 23,4 tỷ đồng.

Việc gánh khoản nợ vay khá lớn chính là nguyên nhân khiến lãnh đạo KSD đi đến quyết định đại hạ giá cổ phần chào bán để lấy tiền thanh toán các khoản nợ vay ngắn hạn đến thời gian đáo hạn. Dù vậy, khả năng tìm được đối tác chấp nhận mua cổ phần cũng là vấn đề nan giải khi KSD vẫn đang trong tình trạng hoạt động thua lỗ. Hiện lợi nhuận chưa phân phối của KSD tính đến hết quý III-2012 là âm 33,2 tỷ đồng.

Phát biểu với báo chí, lãnh đạo TTF cho biết việc phát hành CP giá thấp hơn mệnh giá chỉ là phương án dự phòng, bởi trước đó doanh nghiệp đã lên kế hoạch phát hành cho đối tác chiến lược song song với việc phát hành trái phiếu.

Đặc biệt, TTF đang đàm phán với đối tác Hàn Quốc để bán cổ phần với giá khoảng 13.000 đồng/CP. Chưa biết thực hư của phát biểu này ra sao, nhưng với tình hình kinh doanh chưa có nhiều chuyển biến, nhiều người cho rằng phương án phát hành CP của TTF vẫn còn lắm gian nan, dù giá CP TTF trên thị trường hiện tương đương với mức giá đề nghị là 5.200 đồng/CP.

Với các doanh nghiệp còn lại, dù chấp nhận hạ giá nhưng khả năng huy động vốn thành công cũng rất thấp. Ngoài yếu tố chủ quan là tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang khó khăn, một nguyên nhân quan trọng là giá CP của các doanh nghiệp này hiện đang giao dịch ở mức thấp hơn mức giá đã đề xuất giảm trước đó. Cụ thể, tính đến hết phiên giao dịch cuối tuần trước, giá của VDS là 4.000 đồng/CP, còn DTA là 3.300 đồng/CP.

Trên thực tế, nếu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có nhiều triển vọng trong tương lai, giá phát hành dù gấp nhiều lần mệnh giá vẫn có người mua. Ngược lại, dù giá giảm đến 85% như KSD nhưng triển vọng phát triển không rõ ràng thì bên mua cũng khó lòng chấp nhận.

Chính vì vậy, việc doanh nghiệp chấp nhận giảm giá bằng mọi giá sẽ khiến NĐT có cái nhìn không tốt về doanh nghiệp nếu như kế hoạch chào bán thất bại. Trong khi đó, nếu may mắn thành công, lượng CP mới này sẽ làm pha loãng CP của doanh nghiệp trên thị trường. Đặc biệt, khi doanh nghiệp làm ăn khấm khá trở lại, lợi nhuận phân bổ trên mỗi cổ phần cũng bị san sẻ cho số cổ phần đầu tư với mức giá rất bèo này.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, TTCK sụt giảm, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn. Chủ trương hiện nay của Ban lãnh đạo UBCKNN là ủng hộ gỡ khó cho doanh nghiệp trong việc huy động vốn.

Thực ra vấn đề phát hành dưới mệnh giá về căn bản nghị quyết ĐHCĐ của doanh nghiệp đã được các cổ đông thông qua, tuy nhiên hiện nay có nhiều vướng mắc pháp lý và là rào cản lớn với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Ngay trong UBCKNN các vụ chức năng cũng có ý kiến rất khác nhau. Bởi khi doanh nghiệp phát hành dưới mệnh giá, số tiền thu về không đúng như số tiền đăng ký vốn điều lệ, dẫn đến việc vốn điều lệ ảo, sau này có thể sẽ ảnh hưởng đến việc xử lý nợ, đặc biệt đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán phải ghi vốn điều lệ trên giấy phép.

UBCKNN cũng đã báo cáo Bộ Tài chính về vấn đề này và Bộ cho ý kiến: Phát hành dưới mệnh giá, thặng dư vốn cổ phần âm, sẽ xử lý bằng các bút toán trong hạch toán kế toán. Tuy nhiên, vấn đề tiếp theo liên quan đến tuân thủ Luật Doanh nghiệp, nên UBCKNN lại xin ý kiến Bộ Kế hoạch-Đầu tư. Hiện tại, chúng tôi đang ở vị thế khó, bởi UBCKNN với tư cách là cơ quan thi hành, không phải đơn vị ban hành các văn bản pháp luật, nên khả năng gỡ rối về pháp lý rất hạn chế.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN


Theo Hải Hồ
Sài gòn đầu tư

phuongmai

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên