MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phí môi giới và cuộc đua giành thị phần

Phí hấp dẫn cùng với các dịch vụ đi kèm dường như đang là chiếc cần câu để nhử "cá lớn".

Mỗi tuần, NĐT Trần Tiến Dũng (thuộc dạng khách "VIP") trên sàn chứng khoán FPT nhận được khá nhiều lời mời chuyển sàn để được hưởng mức phí giao dịch hấp dẫn: 0,2%. Ngoài ra, anh còn được hứa hẹn tư vấn đầu tư, sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao từ các môi giới tự do.

Phí hấp dẫn cùng với các dịch vụ đi kèm dường như đang là chiếc cần câu để nhử "cá lớn".

Theo khảo sát của phóng viên, phí môi giới được các CTCK áp dụng hiện nay trung bình từ 0,3% đến 0,35%. Giá trị giao dịch càng lớn thì phí môi giới càng thấp. Nhiều công ty áp dụng mức phí khuyến mãi, nhưng có chủ điểm, chứ không cho tất cả các giao dịch.

Tại CTCK Âu Việt, từ tháng 4 đến hết năm 2009, mức phí 0% được áp dụng đối với cổ phiếu mới niêm yết trên HOSE và HNX trong tháng giao dịch đầu tiên kể từ ngày chào sàn.

Cũng miễn phí giao dịch chứng khoán (áp dụng từ tháng 4 đến hết năm 2009), nhưng CTCK Phú Gia lại chỉ áp dụng cho các giao dịch bán đối với chứng khoán mới niêm yết. Với thời gian được miễn phí là 2 tháng kể từ ngày giao dịch đầu tiên.

Tại CTCK Sacombank (SBS), từ tháng 9 đến hết tháng 12/2009, Công ty áp dụng chương trình khuyến mãi liên quan đến cổ phiếu STB. Theo đó, NĐT sẽ được hỗ trợ 100% tiền quyền mua cổ phiếu STB phát hành thêm, ưu đãi phí 0,05% cho các giao dịch thỏa thuận cổ phiếu STB chuyển về SBS và phí ưu đãi 0,15% cho tất cả các giao dịch tại SBS.

Có thể nói, những dịch vụ khuyến mại của các CTCK thời gian gần đây đều có mức độ và hạn chế nhất định.

Khi cuộc chiến thị phần trở nên khốc liệt và đại lý nhận lệnh không được mở theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một hình thức khác đã và đang phát triển khá mạnh, đó là chia sẻ tỷ lệ lớn phí giao dịch thu được cho các môi giới tự do để lôi kéo khách hàng.

Không công khai, nhưng đây là đội ngũ phát triển khách hàng rất tốt khi họ có động lực làm việc mạnh mẽ: được chia phí từ 40%, thậm chí 80% mức phí tính trên giá trị giao dịch từ các NĐT mới.

Ông Đoàn Đức Vịnh, Tổng giám đốc CTCK Âu Việt cho biết, việc áp dụng mức phí 0% là nhằm thu hút khách hàng mới đến mở tài khoản. Trong tháng đầu tiên mở tài khoản, NĐT thường ít giao dịch nên cho dù miễn phí môi giới cũng không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của Công ty.

Việc nhiều doanh nghiệp lớn, trong đó có các ngân hàng lên sàn, kéo theo một lượng lớn NĐT thực hiện lưu ký chứng khoán, đó là những NĐT mới mà Công ty tập trung nhắm đến.

Trước khi lên sàn, Âu Việt sẽ tiếp cận doanh nghiệp và tổ chức các buổi giới thiệu về TTCK để thu hút NĐT.

"Chiến thuật này đã được Âu Việt áp dụng với cổ phiếu Eximbank và thực tế khá hiệu quả khi có nhiều NĐT đến lưu ký và giao dịch cổ phiếu này", ông Vịnh nói và cho biết thêm, tại Âu Việt cũng áp dụng việc trả hoa hồng cho các môi giới, nhưng chỉ là 80/20 (CTCK 80%, môi giới 20%).

Giám đốc một CTCK tại Hà Nội cho rằng, chia hoa hồng cho các môi giới cũng là cách làm việc tốt, vì họ "làm theo năng lực, hưởng theo hiệu quả". CTCK không phải trả lương cho môi giới, trong khi lợi ích khi có thêm khách hàng mới là rất lớn.

Khi thị trường suy giảm nghiêm trọng (giai đoạn năm 2008 và đầu năm 2009), không ít CTCK đã phải thực hiện thu phí ở mức 0% để duy trì giao dịch, níu kéo NĐT trở lại sàn. Trong cuộc đua giành thị phần ngày càng khốc liệt hiện nay, nhiều CTCK vẫn duy trì một mức phí thấp nhằm thu hút NĐT.

Trước tình trạng này, nhiều thành viên thị trường đã kiến nghị cơ quan quản lý cần quy định mức trần - sàn phí môi giới để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Vậy nhưng, không ít ý kiến cho rằng, mức phí trung bình 0,3% mà các công ty đang thu như hiện nay là quá cao. Bởi lẽ, hầu hết CTCK chỉ thực hiện đơn thuần việc chuyển lệnh của NĐT vào Sở GDCK. Đối với giao dịch trực tuyến, NĐT thực hiện giao dịch online thì CTCK không phải mất nhân sự làm việc này. Vì thế, các CTCK cần hạ phí xuống thấp hơn nữa.

Theo Đầu tư chứng khoán


ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên