MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phiên giảm sâu 24/8: Liệu các nhà đầu tư có phản ứng thái quá?

Chứng khoán Việt Nam ngày 24/8 có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2014. Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn chung đánh giá đây không phải là phản ứng thái của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường thế giới giảm mạnh do chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc.

Chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 5,28% xuống 526,93 điểm – mức thấp nhất trong vòng 8 tháng. Đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 8/5/2014.

Trong khi đó, chỉ số MSCI của chứng khoán Châu Á-Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản) cũng giảm mạnh 5,1% xuống mức thấp nhất trong 3 tháng (tính đến thời điểm thị trường Việt Nam đóng cửa).

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), với việc chứng khoán thế giới giảm mạnh như vậy thì việc thị trường Việt Nam giảm sâu“cũng chẳng phải là quá”.

Ông Linh cho rằng các vấn đề từ Trung Quốc đã lây lan ra toàn cầu và ảnh hưởng đến Việt Nam, nên đây là phiên giảm theo xu thế chung.

Chứng khoán Trung Quốc đã mất điểm mạnh trong phiên này, với chỉ số Shanghai Composite Index đóng cửa giảm 8,5% xuống 3.209,91 điểm, mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua. Điều đáng nói là mức giảm này đã góp phần “quét sạch” mức tăng mạnh đạt được trước đó trong năm nay, khiến chỉ số này hiện âm 0,77% so với đầu năm.

Tâm lý các nhà đầu tư Việt Nam còn chịu ảnh hưởng khi nước ngoài rút vốn trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc các quỹ ETF rút vốn mạnh trong 2 phiên trước.

Có cùng quan điểm, ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược thị trường của CTCK Vietcombank (VCBS) - cho rằng nguyên nhân mấy phiên thị trường toàn cầu lao dốc gần đây đều là quanh vấn đề Trung Quốc.

Việc Trung Quốc phá giá gần đây dẫn đến căng thẳng về tỷ giá, kéo theo lo ngại về lãi suất và về tăng tưởng kinh tế, từ đó ảnh hưởng rất nặng nề đến chứng khoán, không chỉ Việt Nam mà cả toàn cầu. Đó là chưa kể đến việc giá dầu thô giảm sâu ảnh hưởng đến cổ phiếu ngành dầu khí, mà một phần cũng là do tác dộng từ Trung Quốc.

“Việt Nam gầnTrung Quốc nên không thoát được làn sóng này,” ông nói, đánh giá thêm rằng những diễn biến này vượt sự kiểm soát của nhà điều hành Việt Nam.

Hiện tượng bán cổ phiếu ồ ạt trong phiên này, theo lý giải của ông Hoàng, có thể là 1 sự chuyển dịch về đầu tư.

“Nhà đầu tư họ có thể thận trọng với thị trường chứng khoán và có thể rút tiền để tìm kênh đầu tư khác an toàn hơn và tạm thời trú ẩn trong bối cảnh trong nước và trên thế giới có nhiều biến động. Đây là diễn biến bình thường để đáp lại các cú sốc lớn về mặt thông tin,” ông Hoàng chia sẻ với phóng viên Người Đồng Hành.

“Những thông tin mạng đậm chất ảnh hưởng đến sự ổn định và tăng trưởng chắc chắn là không có gì thái quá.”

Có phần bi quan hơn, một chuyên gia môi giới chứng khoán khác cho rằng thị trường Việt Nam lẽ ra phải giảm nhiều hơn nếu thị trường có công cụ bán khống.

Vị chuyên gia này cho rằng ngoài yếu tố Trung Quốc, thị trường Việt Nam còn đang chịu tác động của một số yếu tố khác như áp lực đồng USD mạnh lên, xung đột giữa 2 miền Triều Tiên, phiên giảm mạnh của chứng khoán Mỹ thứ Sáu tuần trước, ảnh hưởng tâm lý từ việc các quỹ ETF hủy niêm yết. Cộng với đó, nhà đầu tư nước ngoài không còn mua mạnh để kéo nhà đầu tư trong nước đi theo, trong khi họ lại tìm chỗ trú ẩn an toàn vào vàng và đồng USD.

Với những rủi ro lớn như thế, việc cổ phiếu giảm mạnh là có thể hiểu được, và viễn cảnh của những phiên tới có vẻ vẫn khó dự đoán.

Theo Trung Nghĩa

Người đồng hành

Trở lên trên