MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PV Gas – Hành trình từ công thần trở thành tội đồ của thị trường

Đúng một năm trước, GAS lập đỉnh 126.000 đồng. Hiện nay, cổ phiếu này đã xuống dưới 40.000 đồng, đồng nghĩa với hơn 7 tỷ USD vốn hóa đã “bốc hơi”.

Tổng Công ty Khí Việt Nam – PV GAS là một trong những doanh nghiệp then chốt của cả nền kinh tế Việt Nam. Nguồn khí do PV GAS cung cấp được dùng nhiên liệu để sản xuất 40% sản lượng điện quốc gia và 30% sản lượng phân đạm cả nước; đồng thời cung cấp 70% lượng tiêu thụ LPG toàn quốc.

Với vai trò quan trọng như vậy nên ngay từ khi niêm yết vào cuối tháng 5/2012, cổ phiếu GAS đã nhanh chóng trở thành trụ cột của thị trường chứng khoán.

GAS chào sàn ngày 21/5/2012 với giá đóng cửa của phiên giao dịch đầu tiên là 41.000 đồng, tương ứng với vốn hóa đạt gần 78.000 tỷ đồng. Cổ phiếu này đã giảm một thời ngắn sau khi lên sàn rồi bước vào xu hướng tăng giá dài hạn kéo dài đến tận tháng 8/2014 với mức đỉnh đạt được là 126.000 đồng – tăng 200% so với thời điểm lên sàn và tăng 300% so với thời điểm cổ phần hóa.

Vai trò dẫn dắt VN-Index của GAS thể hiện khá rõ từ đầu năm 2014 khi vốn hóa của GAS vượt qua Vinamilk. Mỗi biến động của GAS đều có thể tác động lớn tới thị trường chung. Khi GAS niêm yết, VN-Index chỉ có 448 điểm nhưng đến cuối tháng 8/2014, chỉ số đã lên trên 630 điểm – tăng hơn 40%.

Tại mức giá 126.000 đồng, vốn hóa của PV GAS lên tới 238.800 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD) – một kỷ lục mà chưa biết đến khi nào mới tái lập được. Bản thân PV Gas cũng giữ rất nhiều kỷ lục khác: doanh nghiệp niêm yết có doanh thu lớn nhất, lợi nhuận lớn nhất và cổ phiếu “cô đặc nhất”.

PV Gas có gần 1,9 tỷ cổ phiếu đang lưu hành nhưng PVN sở hữu tới 96,72%, chỉ còn lại hơn 62 triệu cổ phiếu lưu hành tự do. Khoảng hơn 1 năm sau khi GAS niêm yết, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 2/3 lượng cổ phiếu lưu hành tự do, tương ứng 2,2% cổ phần và tỷ lệ này ổn định cho đến hiện tại. Nhà đầu tư trong nước chỉ nắm giữ vỏn vẹn hơn 1%, tương ứng hơn 20 triệu cổ phiếu.

 

 

Từ cuối năm 2014 tới nay, giá GAS luôn tương quan với giá dầu thô
Từ cuối năm 2014 tới nay, giá GAS luôn tương quan với giá dầu thô

 

Trở thành “tội đồ” của thị trường

Cách đây 1 năm, không ai có thể ngờ cổ phiếu GAS sẽ rơi vào cảnh bi đát như hiện tại. Cổ phiếu này đã mất tới hơn 2 năm để tăng từ 40.000 lên trên 120.000 đồng nhưng chỉ mất đúng 1 năm để lại rơi xuống dưới 40.000 đồng. Hơn 160.000 tỷ đồng (hơn 7 tỷ USD) vốn hóa do GAS tạo ra trong giai đoạn 2012-2014 giờ lại tan biến vào hư không. Nếu như trước kia GAS là đầu tàu kéo thị trường đi lên thì giờ lại là một trong những tác nhân chính khiến VN-Index giảm mạnh.

Giá dầu đã bước vào giai đoạn thoái trào khi GAS đang tiến điến đỉnh. Và rồi khi nhà đầu tư nhận ra đà sụt giảm không phanh của giá dầu thì GAS và các cổ phiếu dầu khí cũng chịu tình cảnh bán tháo tương tự. Thống kê của CafeF cho thấy giá cổ phiếu GAS đang có sự tương quan lớn đối với giá dầu Brent.

Ở mức giá hiện tại, P/E trượt 4 quý gần nhất của GAS và các cổ phiếu chủ chốt khác của ngành dầu khí như PVS, PVD đều ở mức thấp chưa từng thấy: 4.4-6 lần. Mức P/E này chưa chắc đã hấp dẫn nếu lợi nhuận của các quý tới tiếp tục giảm sút. Trong bối cảnh thị trường hiện tại rất khó để xác định được khi nào GAS ngừng giảm, đặc biệt là khi giá dầu thế giới cũng chưa biết khi nào tạo đáy.

 

Lãi ròng 6 tháng đầu năm 2015 của PV Gas giảm 20% so với cùng kỳ. Dù vậy, đây vẫn là doanh nghiệp đứng đầu về lợi nhuận trong số các công ty đang niêm yết
Lãi ròng 6 tháng đầu năm 2015 của PV Gas giảm 20% so với cùng kỳ. Dù vậy, đây vẫn là doanh nghiệp đứng đầu về lợi nhuận trong số các công ty đang niêm yết

 

Kiến Khang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên