MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PWC thông tin thêm về nghiệp vụ "lạ" của STB

PWC đã khuyến nghị về quy trình quản trị rủi ro đối với nghiệp vụ mới của STB bởi việc xác định giảm giá trị 75% so với ban đầu có thể quá cao nên tổn thất tài chính không được ghi nhận kịp thời.

Công ty TNHH Pricewwaterhousecooper Việt Nam (PWC) vừa có văn bản giải trình ý kiến của PWC về BCTC soát xét của PWC tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (STB).

Liên quan đến các giao dịch mua, bán lại cổ phiếu giữa ngân hàng và 7 cá nhân của STB. PWC đã có lưu ý trên BCTC soát xét 6 tháng. PWC giải trình thêm như sau:

Về nội dung các giao dịch mua và bán cổ phiếu:

Trong tháng 6/2012, STB đã ký một số thoả thuận mua và bán lại cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Beta, CTCP chứng khoán Phương Nam và Ngân hàng cổ phần Bưu điện Liên Việt với 7 cá nhân và thời hạn bán lại là 6 tháng hoặc 12 tháng kể từ ngày ký thoả thuận. Theo các thoả thuận, trong thời gian hiệu lực của hợp đồng, nếu giá trị thị trường của các cổ phiếu giảm 75% so với giá mà Ngân hàng đã mua ban đầu, ngân hàng có quyền yêu cầu đối tác thực hiện 1 trong 3 yêu cầu sau đây:

i) Mua lại trước hạn toàn bộ số chứng khoán đã bán theo giá trị bán được thoả thuận trong hợp đồng (bằng giá Ngân hàng đã mua cộng chi phí sử dụng vốn)

ii) Ký quỹ với số tiền tương ứng với giá trị sụt giảm của các cổ phiếu này so với giá mà ngân hàng đã mua trước đây

iii) Bán chứng khoán cho bên thứ ba để thu hồi vốn nhằm hạn chế thiệt hại cho 2 bên

Cơ sở của việc xây dựng chính sách áp dụng cho các hoạt động kinh doanh này:

Hiện tại chưa có quy định kế toán về các giao dịch mua và bán lại cổ phiếu có kỳ hạn. Do vậy, ngân hàng đã tự xây dựng chính sách kế toán của mình và áp dụng cho nghiệp vụ này.

Một câu hỏi thêm của Nhà đầu tư gửi CafeF: Hiện nay, khá nhiều doanh nghiệp không trích lập (/cố tình không trích lập dự phòng) đối với các doanh nghiệp không niêm yết, liệu STB có xác định được chính xác, kịp thời việc giảm giá chứng khoán của CTCP Chứng khoán Beta, CTCP chứng khoán Phương Nam và Ngân hàng cổ phần Bưu điện Liên Việt để xử lý nhanh theo thoả thuận được ký kết hay không?
Như Ngân hàng đã giải trình, theo thoả thuận giữa Ngân hàng và 7 cá nhân thì các cổ phiếu không chuyển quyền sở hữu nhưng Ngân hàng vẫn ràng buộc các điều kiện để đảm bảo kiểm soát an toàn và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai. Vì vậy, Ngân hàng không ghi nhận các cổ phiếu này trong khoản mục đầu tư chứng khoán.

Số tiền đã trả được ghi nhận là các khoản phải thu và được theo dõi để lập dự phòng. Tại ngày 30/6/2012, STB chưa ghi nhận dự phòng cho các khoản này với lý do là các khoản phải thu này đang trong hạn.

Các ảnh hưởng của các thoả thuận nêu trên đến tình hình tài chính và KQKD của ngân hàng đến 30/6/2012 như sau:

-Đối với tình hình tài chính: Tại 30/6/2012, tổng giá trị tài sản không thay đổi do giảm số tiền đã trả để mua cổ phiếu và tăng tài sản có khác tương ứng.

-Đối với KQKD: Theo chính sách kế toán mà ngân hàng áp dụng, tài ngày 30/6/2012, các khoản phải thu này vẫn còn đang trong hạn, giá các cổ phiếu này chưa giảm tới mức 75% so với giá mua ban đầu của ngân hàng. Do vậy, ngân hàng chưa lập dự phòng.

Tuy nhiên, PWC cũng đã có khuyến nghị với ngân hàng về quy trình quản trị rủi ro đối với nghiệp vụ này. Ví dụ: việc xác định mức độ suy giảm giá trị 75% so với giá trị mua ban đầu có thể là quá cao dẫn đến tổn thất tài chính không được ghi nhận một cách kịp thời.


Thanh Hiên

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên