MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ đầu tư đang đổi thay

Những thay đổi trên thị trường tài chính Việt Nam đã buộc các NĐT tổ chức phải có sự thay đổi, từ những người khổng lồ như Dragon Capital.

6 tháng đầu năm nay cũng cho thấy phương châm của nhiều tổ chức đầu tư nhỏ phát biểu hồi đầu năm: bỏ qua blue-chip, tập trung cho những DN hạng trung có tiềm năng bứt phá đã thành công. TTCK nửa cuối năm 2010 hứa hẹn có nhiều bất ngờ ngay từ chính những NĐT lớn.

Được thành lập từ năm 1994 với số vốn ban đầu vỏn vẹn 16 triệu USD và 8 nhân viên, tới nay Dragon Capital đã quản lý hơn 1,4 tỷ USD với 100 nhân viên.

Từ sau sự kiện Dragon Capital nhượng lại quyền khai thác dự án Núi Pháo cho Masan, cũng như quyết định mua lại chứng chỉ quỹ, không ít ý kiến tỏ ra hoài nghi về hiệu quả đầu tư của tổ chức này.

Ông Phan Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dragon Capital khẳng định, vẫn coi Việt Nam là một địa chỉ đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn, không có chuyện thoái bớt vốn tại Việt Nam, nhưng trong phong cách đầu tư đã có một số thay đổi.

Thay đổi ở đây là Dragon Capital sau một thời gian dài nhìn thị trường Việt Nam bằng con mắt của một NĐT nước ngoài, nay đã chấp nhận có những cái nhìn mới và sẽ thay đổi chu kỳ đầu tư cho phù hợp với thị trường Việt Nam hơn.

Một trong những lĩnh vực mà Dragon Capital sẽ tập trung trong thời gian tới là bất động sản, đích ngắm có thể là cổ phiếu của các DN và cả dự án bất động sản tiềm năng. Do nhu cầu tái cấu trúc danh mục đầu tư.

Dragon Capital đã quyết định bán ra một lượng cổ phiếu STB đã nắm giữ trong suốt 10 năm qua để mở rộng danh mục bất động sản. CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) là một trong những công ty bất động sản tiềm năng mà Dragon Capital hướng đến.

Dự kiến, các quỹ do Dragon Capital quản lý sẽ nắm giữ khoảng 7,5% vốn cổ phần của Sacomreal. Dragon Capital cũng tập trung tìm kiếm cơ hội với các DN chưa niêm yết khác và có sức bật trong dài hạn.

Những thay đổi trên có dẫn tới việc Dragon Capital sẽ thoái vốn tại một loạt DN đang niêm yết? Câu trả lời là không hẳn như vậy.

Ông Tuấn cho hay, trước khi quyết định mua lại chứng chỉ quỹ, Ban điều hành Dragon Capital đã có kế hoạch từ trước và đã chuẩn bị tốt lượng tiền mặt hợp lý cho việc mua lại các chứng chỉ quỹ.

Còn các cơ hội đầu tư khác, Dragon Capital kỳ vọng sẽ huy động được vốn mới đầu tư vào Việt Nam, dù việc này rất khó khăn. Hiện Dragon Capital đang huy động hai quỹ mới, một quỹ có số vốn khoảng 50 triệu USD, dự kiến hoàn thành trong quý III/2010.

Với những cổ phiếu đã thoái vốn, Dragon Capital cũng có sự linh hoạt trong đầu tư. Chẳng hạn, Dragon Capital đã đầu tư cổ phiếu Vinaconex (VCG) từ trước khi DN này lên sàn, sau đó thoái toàn bộ vốn, nhưng đã mua lại cổ phiếu VCG khi tình hình quản trị của DN cũng như hiệu quả kinh doanh được đánh giá khả quan hơn.

Một tổ chức đầu tư lớn khác là VinaCapital, vốn không nhận được nhiều thiện cảm của giới chuyên môn khi cho rằng, họ chủ yếu đầu tư “ăn xổi”, song cách đầu tư của tổ chức này lại tỏ ra có hiệu quả tại Việt Nam (tính đến thời điểm hiện nay).

Nếu như 2 - 3 năm trước, tỷ trọng cổ phiếu niêm yết trong danh mục của Quỹ VOF mà VinaCapital quản lý rất thấp, thì nay đã có sự thay đổi.

Tính đến đầu tháng 6, danh mục đầu tư của VOF gồm tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 12,2% giá trị tài sản ròng (NAV), trái phiếu 0,6% NAV, tài sản đầu tư tại nước ngoài 4,8% NAV, đầu tư vào các công ty chưa đại chúng chiếm 6% NAV, cổ phiếu OTC 11,6% NAV, cổ phiếu niêm yết 36,6% NAV, bất động sản 28,2% NAV.

VinaCapital “ngắm” các DN tiềm năng từ rất sớm, đầu tư mua cổ phần và hiện thực hóa một phần lợi nhuận khi DN lên sàn. Vì thế, các khoản chứng khoán niêm yết đều có giá vốn tương đối hấp dẫn so với thị giá hiện nay (cổ phiếu EIB hiện chiếm 5,8% NAV, VNM 5,3%, HPG 3,9%, DIG 3%, Quốc Cường Gia Lai 2,7%).

Từ các năm trước, VinaCapital đã dành ra một khoản để đầu tư lướt sóng và theo lời một lãnh đạo tổ chức này, khoản mục lướt sóng tương đối hiệu quả.

Các quỹ đầu tư Việt Nam cũng tỏ ra linh hoạt không kém. FPT Capital đầu tư mua cổ phiếu OGC hồi đầu năm 2010, đến nay, khi cổ phiếu lên niêm yết, thị giá đã tăng gần 3 lần. FPT Capital mới hiện thực hóa lợi nhuận 2 triệu cổ phiếu, số lời thu về là rất lớn.

Ông Đặng Lưu Dũng, Tổng giám đốc FPT Capital cho hay, hiện số tiền mà Quỹ quản lý cho NĐT nước ngoài là 1.600 tỷ đồng, vốn ủy thác của NĐT trong nước là 3.500 tỷ đồng, lượng tiền mặt còn rất dồi dào.

Chiến lược đầu tư của FPT Capital chủ yếu tập trung cho các DN tư nhân, có lộ trình niêm yết cổ phiếu rõ ràng và hiện trong danh mục của Quỹ có 20 DN chưa lên sàn. Bên cạnh đó, một tỷ lệ tiền nhất định được dành cho lướt sóng hàng ngày, hàng tuần.

“Các quỹ đồng hành cùng DN, nhưng khi đầu tư phải có lợi nhuận thật, tức là có thời điểm hiện thực hóa”, ông Dũng nói.

Khi được hỏi các NĐT có thể rút kinh nghiệm gì ở thị trường Việt Nam, ông Tuấn trả lời: “Trong một thị trường đang phát triển nhanh như Việt Nam, điều quan trọng là bạn phải thực tế và linh hoạt.

Với một tổ chức đầu tư nước ngoài thì điều quan trọng không kém là phải xây dựng được đội ngũ nhân sự cốt lõi là người địa phương, có thể làm chủ trước những thay đổi nhanh chóng trên thị trường. Việt Nam cũng không phải là nơi có thể đầu tư chạy nước rút, mà phải là nơi bạn xác định chạy đường trường”.

Còn VinaCapita, nhìn nhận về nửa cuối năm 2010, tổ chức này cho rằng, thị trường Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn khi VN-Index ở mức P/E 12 lần, những lĩnh vực như dịch vụ tài chính, hàng hóa tiêu dùng và vận tải được dự báo hồi phục mạnh từ quý II/2010.

Bên cạnh đó, tính thanh khoản được kỳ vọng cải thiện vào nửa cuối năm, khi tăng trưởng tín dụng hồi phục và tăng trưởng GDP đạt trên 7%. So với giá chứng khoán tại các thị trường trong khu vực, P/E của TTCK Việt Nam hiện thấp hơn 15% và nhiều NĐT đang chờ đợi lãi suất giảm.

Rõ ràng là, việc các quỹ thay đổi chiến thuật đầu tư, tăng tỷ trọng tiền mặt và cổ phiếu dành cho lướt sóng sẽ là những điểm mà NĐT cá nhân cần chú ý ở thời điểm này, bởi sự cạnh tranh sẽ ngày một khốc liệt.

Theo Anh Việt
ĐTCK

phuongmai

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên