MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ mở - Cơ hội đối với thị trường Việt Nam

Trong năm qua, UBCKNN đã tổ chức 3-4 hội thảo về quỹ mở để lấy ý kiến và hiện UBCKNN vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Thị trường Việt Nam đang cần có các sản phẩm đầu tư đa dạng, có thể đáp ứng những yêu cầu khác nhau về rủi ro thanh khoản, về chiết khấu giữa giá của chứng chỉ quỹ và NAV, các công cụ có tính minh bạch cao và phản ánh được giá trị thực của tài sản đầu tư. Và Quỹ mở sẽ là giải pháp hoàn hảo giải quyết nhu cầu trên.

Đó là nội dung buổi hội thảo về Quỹ mở do dự án “Phát triển thị trường vốn Việt Nam” – Một dự án hợp tác giữa Luxembourg và UBCK Việt Nam tổ chức ngày 1/4/2011 tại TP.HCM.

Việt Nam - nhiều tiềm năng phát triển Quỹ mở

Cerulli, công ty nghiên cứu chuyên về quản lý tài sản dự báo Quỹ công chúng sẽ tăng trưởng nhanh tại Châu Á với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 14% trong giai đoạn 2010 – 2014. Ngành quản lý quỹ phát triển tại một số nền kinh tế mạnh tại Châu Á dựa trên sự phát triển của Quỹ mở, loại hình này tuy phát triển chậm nhưng tăng trưởng mạnh mẽ.

Còn tại Việt Nam, thị trường quỹ còn sơ khai, nhà đầu tư vẫn giữ thói quen gửi tiền ngân hàng hoặc tích trữ vàng. Quỹ công chúng hiện chiếm tỷ lệ 2%, quỹ thành viên và quản lý danh mục đầu tư (27%) và quỹ nước ngoài (71%).

Ông Alastair E Murray, Giám đốc Bộ phận dịch vụ Quỹ - Khu vực Châu Á Thái Bình Dương (ngoài thị trường Hongkong), bộ phận Dịch vụ Chứng khoán – Ngân hàng HSBC cho biết, hiện Việt Nam mới có 5 quỹ đại chúng dạng đóng với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) khoảng 185 triệu USD, chiếm khoảng 0.44% tổng giá trị vốn hóa thị trường. Ngoài ra, hiện có 17 quỹ thành viên dạng đóng có tổng NAV khoảng 395 triệu USD, chiếm khoảng 0.94% tổng giá trị vốn hóa thị trường. Chứng chỉ quỹ đại chúng dạng đóng giao dịch thấp dưới mức NAV.

Trong khi đó, nhu cầu của thị trường hiện tại cần một kênh huy động tiền tiết kiệm có thể hỗ trợ việc xây dựng các quỹ hưu trí, giảm áp lực đối với nguồn lực ngân sách nhà nước, được quản lý bởi những người chuyên nghiệp. Việc hình thành một kênh phân phối rộng, có thể đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư một cách hiệu quả, các công cụ có tính minh bạch cao và phản ánh được giá trị thực của tải sản đầu tư đã trở thành nhu cầu cấp thiết hiện nay.

Đối chiếu với nhu cầu thực tế, ông Alastair E Murray cho rằng Quỹ mở sẽ là giải pháp hoàn hảo giải quyết bài toán trên. Quỹ mở giúp đẩy mạnh các khoản đầu tư mang tính hệ thống do được quản lý bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, góp phần hình thành các quỹ hưu trí không phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước. Đồng thời tạo ra các sản phẩm đầu tư minh bạch, thể hiện giá trị thực của tài sản đầu tư, cho phép nhà đầu tư hưởng lợi từ các cơ hội thị trường một cách kịp thời, qua đó góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn ngoại.

Đồng quan điểm này, ông Henk Ruitenberg, CEO của Công ty Quản lý Quỹ Prudential Việt Nam cho rằng việc thành lập Quỹ mở không những giúp cho Nhà nước và Chính phủ quản lý dòng tiền minh bạch và thuận lợi hơn, mà còn giúp cho nhà đầu tư mua bán dễ dàng vì tính thanh khoản cao hơn. Ngoài ra, việc phát triển thị trường Quỹ mở có thể làm giảm áp lực về vấn đề ngoại hối và giải tỏa được tâm lý quan ngại của nhà đầu tư (chiết khấu, tính thanh khoản).

Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định tỷ lệ GDP bình quân trên đầu người tăng sẽ làm gia tăng nhu cầu quản lý tài sản. Do vậy, Việt Nam với mức tăng trưởng GDP thuộc hàng cao hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển thị trường này.

Những thách thức trong việc vận hành Quỹ mở

Ông Alastair E Murray cho rằng mặc dù có nhiều triển vọng phát triển Quỹ mở, song Việt Nam cần có những quy định rõ ràng về cách thức ghi nhận giao dịch và chuyển quyền sở hữu của nhà đầu tư, hồ sơ nhận biết thông tin về nhà đầu tư, phí quản lý và hoạt động của quỹ, cách tính phí hoa hồng, thời gian giao dịch chứng chỉ quỹ và tần suất tính NAV, việc ngừng giao dịch, điều chỉnh giá trị, rủi ro tiền mặt trong tài khoản giao dịch…

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường quỹ công chúng, ông Henk Ruitenberg cho rằng tài sản hộ gia đình là yếu tố then chốt và quỹ công chúng là công cụ chủ yếu cho việc phát triển từ kênh tiết kiệm sang đầu tư. Ngoài ra, cơ quan hành pháp nên quan tâm đến vấn đề trang bị kiến thức cho nhà đầu tư, quản trị rủi ro đối với tài sản không hiệu quả và quỹ nước ngoài. Trong đó, rủi ro trong đầu tư đối với Quỹ mở cần phải thận trọng hơn, nhất là rủi ro về tính thanh khoản.

Đối với các kiến nghị về Quỹ mở, đại diện HSBC cho rằng cần có một cơ sở pháp lý phù hợp để phát triển Quỹ mở. Theo đó, cơ sở pháp lý này cho phép các nhà quản lý quỹ tập trung vào hoạt động chủ chốt thông qua việc cho phép ủy quyền thực hiện các dịch vụ hỗ trợ, tạo sự linh hoạt cho các nhà vận hành quỹ để tận dụng các mô hình kinh doanh hiệu quả và kinh tế, với mục tiêu hạ thấp chi phí cho nhà đầu tư.

Đồng thời, cơ sở pháp lý cần nhấn mạnh vào việc thực hiện quá trình kiểm soát một cách hiệu quả. Chẳng hạn các công ty quản lý quỹ trước khi chọn ngân hàng giám sát cần tiến hành thẩm tra về khả năng chuyên môn, mức độ rủi ro, đánh giá chung về việc tuân thủ các quy định, cơ chế kiểm soát, nguyên tắc quản lý rủi ro, các tiêu chuẩn về quản trị,… Và đối với những đơn vị vi phạm pháp luật thì cần phải phạt thật mạnh.

Còn phía Công ty Liên doanh quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Vietcombank (VCBF) cho rằng luật Việt Nam khi đưa ra phải áp dụng được trong thực tế. Các quy định liên quan đến vai trò của Ngân hàng giám sát, tổ chức lưu ký phải đảm bảo tính nghiêm ngặt nhưng cũng phải có tính thực tế. Đơn cử như trách nhiệm hiện tại của ngân hàng giám sát là kiểm tra và ký xác nhận NAV của quỹ là điều khó áp dụng trong thực tiễn.

UBCKNN vẫn đang trong quá trình hoàn thiện Dự thảo Quỹ mở

Ông Nguyễn Thành Long, Vụ phó Vụ Quản lý quỹ - UBCKNN cho rằng về phía các cơ quan lập pháp, Dự thảo quy chế về Quỹ mở là không có vấn đề gì. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ thị trường đã sẵn sàng chưa, các công ty đã sẵn sàng chưa. Trong năm qua, UBCKNN đã tổ chức 3-4 hội thảo để lấy ý kiến và hiện UBCKNN vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Ông Long cũng khẳng định, để hạn chế rủi ro thanh khoản cho quỹ mở trong trường hợp nhà đầu tư rút hàng loạt thì công ty quản lý quỹ có quyền tạm dừng sự mua lại khi tỷ lệ vượt quá 10% và công ty quản lý quỹ có quyền vay bên ngoài với tỷ lệ không quá 5% giá trị tài sản ròng trong vòng tối đa là 30 ngày để trang trải những chi phí cần thiết,…

UBCKNN cho hay quá trình soạn thảo hướng dẫn về Quỹ mở có tham khảo ý kiến của nhiều phía. Đồng thời, cơ quan quản lý chắc chắn phải nắm lại tình hình các thành viên, các nhà đầu tư tham gia thị trường. Quy định này ban hành và đi vào thực tế cần nhiều thời gian.


Theo Bội Mẫn
Vietstock

phuongmai

Trở lên trên