MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ mở gọi vốn và vai trò CTCK

Nhân viên môi giới có thể giữ một trọng trách rất lớn trong việc gọi vốn cho quỹ, nhưng sự gắn kết về trách nhiệm lại rất rời rạc, dễ rủi ro.

Gọi vốn luôn là một thách thức rất lớn cho các công ty quản lý quỹ (CTQLQ) và sẽ nhân lên gấp bội với mô hình quỹ mở vốn mới xuất hiện trên TTCK Việt Nam. Việc các CTQLQ mở bắt tay với các CTCK có thị phần lớn để làm đại lý phân phối chứng chỉ quỹ (CCQ) được xem là giải pháp quan trọng. CTCK bán được càng nhiều CCQ càng hưởng nhiều phí và quỹ mở cũng huy động được nhiều vốn.

Khó quản CTCK và môi giới

Như vậy, quá trình gọi vốn cho quỹ mở ngoài CTQLQ còn có cả CTCK, mà đã “làm chung” sẽ có một loạt vấn đề được đặt ra. Thách thức chính đầu tiên nằm ở vấn đề đồng nhất, hệ thống và chuẩn xác về mặt thông tin. Nếu việc gọi vốn chỉ do CTQLQ thực hiện sẽ không gặp phải thách thức này, nhưng CTQLQ bắt tay với nhiều CTCK để thực hiện câu chuyện sẽ khác.

Để gọi được vốn, cần có rất nhiều yếu tố, trong đó không thể thiếu khả năng chứng tỏ cho NĐT thấy được tiềm năng đầu tư và cơ hội để đạt được, trừ khi phải biết “chém gió”. Mà khả năng này không phải ai cũng có, nếu có được và giỏi cũng đã làm sếp lớn trong ngành quản lý quỹ rồi.

Lúc này, có thể chính các nhân viên môi giới cũng sẽ tham gia giới thiệu về CCQ cho khách hàng của mình. Tiếp xúc trực tiếp, gần gũi với khách hàng là những lợi thế lớn của nhân viên môi giới. Nhiều khi sếp lớn của CTQLQ nhìn đạo mạo, học vị, kinh nghiệm đầy mình nói các NĐT lại không tin nhưng môi giới ruột nói những người này lại rất tin tưởng.

Tuy nhiên, nhân viên môi giới thực hiện bán CCQ như thế nào, CTQLQ hay thậm chí CTCK lại quản không nổi. Nhân viên môi giới có thể giữ một trọng trách rất lớn trong việc gọi vốn cho quỹ, nhưng sự gắn kết về trách nhiệm lại rất rời rạc, dễ rủi ro.

Thí dụ, nhận thấy CCQ kém hấp dẫn, hoặc hoa hồng không cao, nhân viên môi giới hoàn toàn có thể bỏ lơ không giới thiệu cho khách hàng. Ngược lại, nếu bị áp doanh số, nhân viên môi giới có thể “vẽ” ra CCQ mở với nhiều viễn cảnh rất… phi thực tế cốt để bán bằng được.

Người mua CCQ mở sau đó không được như kỳ vọng, bên lãnh đủ là CTQLQ chứ không phải CTCK hay nhân viên môi giới. Như vậy, càng có nhiều người gọi vốn cho quỹ mở, rủi ro về thông tin, tính đồng nhất sẽ càng lớn. Nếu CTQLQ đứng ra thực hiện việc này cũng không ổn, bởi không thể tiếp cận con số NĐT rộng khắp như CTCK nên sẽ không thể đi vào chi tiết.

Còn nếu muốn làm sâu hơn sẽ phải rất tốn kém, lúc này vai trò của CTCK sẽ bị đánh đồng, lu mờ. Như vậy, CTCK cũng không thể phát huy năng lực của mình. Chưa kể, CTCK ký hợp đồng làm đại lý phân phối CCQ không cần trách nhiệm, chỉ cần có danh làm đại lý là hồ sơ năng lực đã đẹp hơn, CCQ hấp dẫn đẩy mạnh, còn thường thường bậc trung để đó. Nói chung CTCK không phải chịu quá nhiều sức ép.

Khó kêu gọi vốn

Nếu CTQLQ bắt tay với CTCK nhiều khả năng cũng phải chấp nhận đội ngũ nhân viên môi giới trở thành cánh tay nối dài của mình. Và đây cũng có thể là thách thức thứ hai của các CTQLQ, bởi lẽ phong cách giữa CTQLQ và CTCK nói chung, hay giữa những nhà quản lý quỹ mang tiếng chuyên nghiệp và đội ngũ nhân viên môi giới nhiều khi rất khác biệt. Khó có thể yêu cầu một số nhân viên môi giới phong cách có phần dân dã, mộc mạc đi rập khuôn theo sự đạo mạo, chuyên nghiệp của các nhà quản lý quỹ.

Thực ra, NĐT cũng đã chán ngấy với những gì CTQLQ đã thể hiện. Với nhiều người, CTQLQ chủ yếu “chém gió”, nói nhiều làm ít. Suy cho cùng, điều NĐT còn mong đợi là khả năng sinh lời của CCQ quỹ mở và sự tin tưởng các quỹ mở đem lại sau khi nhiều quỹ đóng đã gây thất vọng. Nếu quỹ mở đảm bảo được luồng thông tin về kết quả hoạt động, chẳng hạn như giá trị tài sản, suất sinh lời một cách minh bạch, đồng thời chứng minh được tầm quan trọng của mình dần dà NĐT cũng sẽ hiểu và tiếp cận.

Nói một cách đơn giản, nhân viên môi giới phải hiểu rõ được quỹ mở, giống như nhân viên có sử dụng thành thạo sản phẩm mới có thể tư vấn cho khách hàng tốt được. Đã có trường hợp nhân viên môi giới của CTCK làm đại lý phân phối cho quỹ mở khuyến khích mua vào CCQ, nhưng CCQ mở này lại chưa có gì nổi bật, nên nhân viên đó cũng đâm chán nản và như vậy làm sao có thể giới thiệu cho khách hàng của mình.

Thách thức thứ ba bắt nguồn từ số lượng các quỹ mở. Gần đây, thông tin về việc các CTCK lớn như SSI, HSC hay VNDS… trở thành đại lý phân phối CCQ. Thậm chí có CTQLQ chưa có quỹ mở nào cũng đã bắt tay với CTCK. Nhưng số lượng quỹ mở xuất hiện và có hoạt động trong thời gian gần đây cũng chỉ mới “đếm trên đầu ngón tay”, chưa kể vốn lại nhỏ.

Vậy dù CTCK có tiềm lực mạnh, khách hàng nhiều cũng không có nhiều cơ hội để chào bán CCQ quỹ mở. Ít quỹ mở, NĐT và CTCK thiếu sự lựa chọn, nên tính cạnh tranh giữa các quỹ cũng giảm sút. Chưa kể, việc ký kết hợp tác giữa CTCK và CTQLQ, nếu để một thời gian dài CTCK vẫn không có CCQ để phân phối, tất yếu không khí sẽ “nguội” đến khi muốn khởi động lại cũng vô cùng uể oải.

Theo Thái Hưng

phuongmai

Sài gòn đầu tư

Trở lên trên