MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quỹ VOF: Nắm giữ hơn 2.350 tỷ giá trị cổ phiếu Vinamilk, tăng trưởng NAV 11 tháng chỉ bằng 2/3 mức tăng VN-Index

Đến cuối tháng 11/2013, VOF vẫn chưa bán được Sofitel Metropole.

Tại ngày 30/11/2013, quỹ VOF - Vietnam Opportunity Fund của VinaCapital có giá trị tài sản ròng đạt 748,7 triệu USD (15.790 tỷ đồng) - tương đương 3 USD/ccq, tăng 0,7% so với cuối tháng trước và tăng 14,5% so với đầu năm. Nếu so sánh với tốc độ tăng của VN-Index (21,2% từ đầu năm) thì tốc độ tăng của VOF trong 11 tháng qua chỉ bằng 2/3.

Diễn biến tăng trưởng NAV/ccq và giá của VOF trong 9 năm qua

Vốn hóa thị trường các cổ phiếu trong danh mục của VOF trong tháng 11 tăng 1,8% so với tháng trước, chủ yếu từ các cổ phiếu niêm yết như Vinamilk (tăng 2,3%), HPG (tăng 8,3%) và PVD (tăng 9,4%).

Giá chứng chỉ quỹ VOF tăng 1,3% trong tháng lên 2,26 USD/ccq, điều này đã khiến chiết khấu giữa thị giá và NAV giảm xuống mức 24,7% so với mức 25,3% của tháng trước.

Danh mục của qũy VOF có một nửa là cổ phiếu niêm yết, 15,9% là bất động sản, 9,4% là khách sạn, 8,8% tiền mặt (tăng 2,3% so với đầu năm) còn lại là cổ phiếu nước ngoài, đầu tư tư nhân, trái phiếu...


Cơ cấu danh mục của VOF ở thời điểm 30/11

Vinamilk vẫn là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VOF với 14,9% NAV (giá trị 111,55 triệu USD tương đương hơn 2.352 tỷ đồng), EIB, HPG lần lượt chiếm 5,2% và 5%, KDC và DHG chiếm 4,9% và 3,3%.

Trong danh mục đầu tư bất động sản và khách sạn của VOF vẫn thấy hiện diện khoản đầu tư vào Sofitel Metropole (chiếm 8,6% NAV của quỹ). Đầu năm 2013 VOF đã rao bán 50% cổ phần của Sofitel Metropole nhưng có vẻ đến tận thời điểm này VOF vẫn chưa tìm được đối tác chuyển nhượng. Ngoài Metropole, VOF hiện đầu tư vào công ty Thế kỳ 21, Đà Nẵng Golf Course and Residence, Dai Phuoc Lotus và Hung Vuong Plaza.


Các khoản đầu tư lớn nhất của VOF

Theo VOF, một số nhà đầu tư trong nước có vẻ thất vọng khi Quyết định về việc mở room ngoại vẫn chưa được thông qua, dù sao đây cũng là một tin tích cực cho TTCK Việt Nam. Tuy nhiên VOF cho rằng thị trường đã phản ánh thông tin này vào giá khi VN-Index đã tăng liên tục trong các tuần trước đó.

Cập nhật về thị trường trái phiếu, theo VOF, lãi suất rủi ro cho thị trường trái phiếu sơ cấp giảm nhẹ trong tháng 11 nhờ tín dụng tăng trưởng (đạt 7,21%) và lo ngại về thâm hụt ngân sách được điều chỉnh tăng từ mức 4,8% lên 5,3% GDP.

Trong tháng 11 đã có khoảng 735,2 triệu USD trái phiếu chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh được phát hành, giảm 16% so với tháng trước. Trái phiếu kỳ hạn ngắn tăng 10 điểm phần trăm so với tháng 10.

Trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 10 năm vẫn duy trì ở mức 8,5% và 8,89%, tuy nhiên không được NĐT ưa chuộng. Chính phủ đã phát hành thành công 57,4 triệu USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 15 năm với lãi suất 9%/năm. Ngân hàng phát triển Việt Nam đã phát hành 160,7 triệu USD kỳ hạn 2-5 năm với lãi suất kỳ hạn 5 năm tăng 35 điểm phần trăm lên 9,45%/năm.

Trên thị trường thứ cấp, các giao dịch sôi động hơn trong tháng 11. Có khoảng 909,4 triệu USD trái phiếu Chính phủ và trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đã được chuyển nhượng trong tháng 11, tăng 12% so với tháng trước. Trái phiếu kỳ hạn ngắn ổn định trong suốt tháng trong khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn dài tăng 5-10 điểm phần trăm so với tháng trước.


Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên