MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyền lực và trách nhiệm

Trong năm 2010, nhiều phương án huy động vốn kiểu "vơ bèo, vặt tép" đã được chấp nhận thực hiện.

Chưa đến tuần cuối cùng của năm, nhưng một số trang thông tin tài chính, chứng khoán đã nhanh chân tung ra nội dung bình chọn 10 sự kiện chứng khoán nổi bật 2010. Điểm chung của những bình luận này là chọn hoạt động huy động vốn với khối lượng lớn chưa từng có của khối DN là một trong những vấn đề nổi cộm nhất năm 2010.

Giúp DN huy động vốn là chức năng quan trọng nhất của TTCK, bên cạnh chức năng tạo thanh khoản. Xét theo điểm căn bản này, năm 2010 là năm TTCK làm tốt chưa từng có chức năng giúp DN huy động vốn.

Con số phát hành nêu trong bản cáo bạch của các DN được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận tính từ ngày 1/1/2010 đến 21/12/2010 lên tới trên 62.000 tỷ đồng, bằng khoảng 10% giá trị vốn hóa toàn TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, một điểm yếu kém dễ thấy là năm 2010, có quá nhiều phương án huy động vốn kiểu "vơ bèo, vặt tép" đã được chấp nhận thực hiện, DN hầu như không tìm được sự lựa chọn tốt hơn cách đưa ra một phương án gần như ép cổ đông hiện hữu góp vốn.

Bên cạnh đó, điểm nổi cộm lớn hơn của hoạt động phát hành năm 2010 là ngày càng lộ rõ những DN đã thổi phồng hình ảnh, triển vọng của mình lên để có thể huy động vốn, nhưng sau đó lại không thực hiện đúng việc sử dụng vốn như trong bản cáo bạch. Với cổ đông, chấp nhận nộp thêm tiền vào DN đồng nghĩa với việc phải gánh thêm rủi ro của khả năng mất vốn nhiều hơn, do hầu như không có chế tài nào, không sự giám sát nào và không có khoản bảo hiểm nào để chắc rằng, khoản tiền của họ được DN sử dụng đúng mục đích và sinh lợi.

TTCK đương nhiên không thể "cắt" đi chức năng giúp DN huy động vốn, nhưng làm thế nào nhà đầu tư không phải chịu hoàn toàn rủi ro? Trong khi ý tưởng Chính phủ lập ra Quỹ bảo hiểm rủi ro góp vốn trên TTCK (như mô hình của bảo hiểm tiền gửi trên thị trường ngân hàng chẳng hạn) là quá xa vời, thì trọng trách quản lý chất lượng phát hành, chất lượng sử dụng vốn sau phát hành đang được đặt vào UBCK.

Cơ quan này khi thẩm định hồ sơ huy động vốn của DN, có 2 quyền rất quan trọng. Thứ nhất là quyền xem xét mục tiêu huy động vốn của từng DN là gì, phương án sử dụng vốn có khả thi hay không, để quyết định việc cho DN tăng vốn hay không. Thứ hai, quyền giám sát việc sử dụng vốn của DN để nếu DN sử dụng vốn không đúng mục tiêu đã đưa ra thì ngoài việc phạt nặng, còn có thể đình chỉ có thời hạn hoặc vĩnh viễn việc tăng vốn tiếp theo.

Quyền lực này nếu được sử dụng thực sự vì mục tiêu bảo vệ nhà đầu tư, nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK thì chắc chắn không thể xảy ra tình trạng bội thực phát hành chứng khoán chất lượng thấp. Nhưng nếu việc xin huy động vốn của DN được kiểm duyệt theo một cơ chế khác thì vụ vỡ lở phát hành của Dược Viễn Đông sẽ chỉ là vụ khởi đầu…

Theo Tường Vi
ĐTCK

duchai

Trở lên trên