MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sàn niêm yết đầu năm nhiều biến động

Các mã cổ phiếu bị hủy niêm yết đã được "xướng tên", một số mã đòi chuyển sàn niêm yết và có cả những mã "bỏ sàn".

Kết thúc năm 2014, trên Sở GDCK TP. HCM và Hà Nội có tổng cộng 22 công ty niêm yết mới, nhưng có đến 30 công ty hủy niêm yết, trong đó có 3 công ty hủy niêm yết tự nguyện, 4 công ty hủy niêm yết do sáp nhập và các công ty hủy niêm yết do không đảm bảo điều kiện niêm yết hoặc vi phạm quy định trên TTCK. Tính chung 2 sàn, hiện có trên 670 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết, với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 426.000 tỷ đồng. Ngay trong những tháng đầu năm 2015 thị trường cũng đang chứng kiến sự biến động mạnh về khối lượng cổ phiếu trên cả hai sàn chứng khoán Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Hủy niêm yết, đòi hủy niêm yết

Thị trường đang trong mùa công bố BCTC năm 2014 kiểm toán, đây cũng là lúc những mã cổ phiếu phải rời sàn do lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ chính thức được “xướng tên”.

Ngay từ đầu năm SGDCK Tp.HCM (HSX) đã ra quyết định hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc đối với CTCP Hữu Liên Á Châu (mã HLA) do có tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp. Ngay sau đó cổ phiếu này đã trở lại thị trường UpCOM vào ngày 30/03. Cũng do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ, cổ phiếu HSI bị hủy niêm yết bắt buộc. Gần 10,6 triệu cổ phiếu VNI của CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam cũng đã bị hủy niêm yết do công ty có kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục.

SGDCK Hà Nội (HNX) hiện chưa hủy niêm yết đối với cổ phiếu nào mà mới chỉ ra thông báo các cổ phiếu rơi vào diện hủy niêm yết bắt buộc, theo đó sau khi nhận được BCTC kiểm toán năm 2014 của CTCP Dầu khí Đông Đô (mã CK: PFL), CTCP Đầu tư và Phát triển Năng lượng Việt Nam (mã CK: VPC) và CTCP Sản xuất, thương mại và Dịch vụ ô tô PTM (mã CK: PTM), SGDCKHN nhận thấy kết quả kinh doanh của 3 Công ty này đã lỗ trong 03 năm liên tục (năm 2012, năm 2013, năm 2014). Như vậy cả 3 cổ phiếu PFL, VPC  và PTM đều thuộc trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc.

Hiện còn một số doanh nghiệp khác cũng đã có BCTC 2014 kiểm toán, chỉ chờ 2 sở ra quyết định là các mã cổ phiếu của những doanh nghiệp này cũng sẽ rời sàn. Trên sàn HNX với khoản lỗ lũy kế tính đến hết năm 2014 của SHN đã lên tới gần 327 tỷ đồng, vượt qua vốn điều lệ của công ty (324,5 tỷ đồng). VST, BTH cũng đã bị HSX lưu ý về khả năng hủy niêm yết do 3 năm liên tiếp thua lỗ.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tìm cách lên sàn thì lại có doanh nghiệp bày tỏ ý định hủy niêm yết tự nguyện.

Sau hai năm chuẩn bị và ráo riết mua lại cổ phiếu từ các cổ đông nhỏ lẻ, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) đã chính thức hủy niêm yết toàn bộ 70 triệu cổ phiếu trên HSX kể từ ngày 31/3/2015. Với giá khoảng 110.000 đồng/cp, tổng giá trị số cổ phiếu MPC rút ra khỏi thị trường đạt gần 7.700 tỷ đồng. Trước đó vào tháng 2, CTCP Ngô Han (NHW) cũng đã hủy niêm yết tự nguyện gần 23 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán TP.HCM. CTCP Vận tải và Giao nhận Bia Sài Gòn – Sabetran (mã CK: SBC) cũng đã hủy niêm yết tự nguyện 8 triệu cp nhằm thích ứng với thực tế hoạt động hiện tại và phù hợp với định hướng tái cấu trúc của công ty trong thời gian sắp tới.

Đáng chú ý, CTCP Thế kỷ 21 (C21) sẽ trình cổ đông phương án hủy niêm yết tự nguyện. Lý do hủy niêm yết tự nguyện được HĐQT đưa ra là C21 qua gần 4 năm niêm yết, nhưng gần như không có thanh khoản và giá dưới xa giá trị sổ sách. Công ty không thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu trên sàn. Do giá cổ phiếu đang rất thấp, nếu phát hành số lượng vài triệu cổ phiếu thì giá sẽ xuống thấp hơn nữa.

Đua chuyển sàn

Sàn niêm yết không chỉ biến động do lượng cổ phiếu hủy niêm yết mà hiện cũng đang có không ít doanh nghiệp đã và đang lên kế hoạch chuyển sàn giao dịch. Cổ đông của CTCK IB (VIX) đã thông qua kế hoạch chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HSX. Trước đó, ĐHĐCĐ của CTCP FIT (FIT) cũng đã thông qua việc chuyển sang niêm yết trên HOSE, sau 2 năm niêm yết trên HNX, nguyên nhân FIT muốn chuyển sàn một phần là do để tăng uy tín của công ty với NĐT nước ngoài.

Hai doanh nghiệp khác đã nộp hồ sơ xin chuyển sang sàn HOSE là CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT - sàn HNX) và CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2 - sàn UPCoM) - NT2 có vốn điều lệ 2.560 tỷ đồng, thuộc Top doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trên sàn UPCoM. 256 triệu cổ phiếu NT2, tương đương với giá trị 2.560 tỷ đồng đã chấm dứt giao dịch trên UPCoM vào 31/3/2015 và đăng ký giao dịch trên HOSE trong 4/2015.

Chờ “hàng mới”

Tập đoàn Tiến Bộ chào sàn HNX vào 26/1, giá tham chiếu 15.000 đồng. Tiếp đó ngày 18/3, Cổ phiếu PSE của Công ty Cổ phần Phân bón và hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (PVFCCo-SE) cũng chính thức được giao dịch trên sàn HNX với số lượng 12,5 triệu cổ phiếu. Mới đây, CTCP Đạm Cà Mau đã chính thức niêm yết 529,4 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng trên sàn chứng khoán HSX từ 31/3 với mã DCM. Cổ phiếu DCM được nhiều nhà đầu tư trông đợi bởi Đạm Cà Mau là một doanh nghiệp lớn trong ngành, có kết quả kinh doanh qua các năm khá tốt, nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn ngay từ thời điểm IPO.

Các sở cũng thông báo đã nhận được các hồ sơ đăng ký niêm yết, HSX đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của CTCP Thủy điện Gia Lai (Gia Lai Hydropower Joint Stock Company - GHC), CTCP Tư vấn đầu tư và xây dựng Kiên Giang (CIC Corp). Trong khi đó CTCP Dược phẩm Trung ương 3 cũng đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chứng khoán lên HNX.

Hy vọng qua những biến động thị trường thêm một lần được thanh lọc, chất lượng của sàn niêm yết ngày được nâng cao. Trước đó đã có những dự báo cho rằng năm 2015 sẽ là một năm có sự gia tăng mạnh về số lượng doanh nghiệp niêm yết và cổ phiếu của những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt sẽ tạo được thêm sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trần Trang

Thanh Tú

HNX&HSX

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên