MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sáp nhập MobiFone và VinaPhone sẽ làm hại cạnh tranh

Theo ông Võ Trí Thành, việc bán được cổ phần giá cao trong thời điểm thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh chưa hẳn đem lại lợi ích lớn.

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, cổ phần hóa MobiFone trong năm nay đem lại cái lợi lớn hơn là đợi khi thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh.

Quá trình cổ phần hóa MobiFone đã bị trì hoãn rất lâu và dự kiến phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm nay. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đang xuống dốc và việc bán cổ phần có thể không được mức giá cao. Theo ông, có nên tiếp tục lùi thời điểm cổ phần hóa mạng di động này?

Hiện nay, cổ phần hóa MobiFone mang lại nhiều ý nghĩa hơn là mức giá bán. Thứ nhất, đó là lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài vào quá trình cải cách tại Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng.

Cổ phần hóa MobiFone đã bị trì hoãn rất lâu, việc Chính phủ vẫn quyết tâm đẩy mạnh tiến trình này trong bối cảnh hiện nay sẽ thể hiện cam kết và quyết tâm cao đối với cải cách.

Thứ hai, đối với doanh nghiệp, việc cổ phần hóa đi kèm với bổ sung đối tác chiến lược lớn có tiềm lực về công nghệ, quản lý, tài chính… sẽ giúp họ tăng sức cạnh tranh. Thứ ba, với thị trường viễn thông, cổ phần hóa MobiFone cũng thúc đẩy mạnh hơn sức ép cạnh tranh với tất cả các doanh nghiệp và điều này sẽ đem lại lợi ích lớn hơn cho người tiêu dùng.

 Theo ông có nên đợi thời điểm thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh mẽ mới tiến hành cổ phần hóa MobiFone?

Kinh nghiệm của một số doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực khác đã cho thấy là việc bán được cổ phần giá cao trong thời điểm thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh chưa hẳn đem lại lợi ích lớn.

Khi Vietcombank cổ phần hóa, giá bán lần đầu ra công chúng là trên 100.000 đồng một cổ phiếu và ưu đãi cho cán bộ công nhân viên là hơn 60.000 đồng.

Thế nhưng, ngay sau khi cổ phần hóa, giá cổ phiếu Vietcombank tụt dốc và thường giao dịch ở dưới khá xa mức ưu đãi cho cán bộ công nhân viên, có lúc giảm chỉ còn dưới 30.000 đồng một cổ phiếu (rẻ hơn 50% so với giá ưu đãi). Bên cạnh đó, Vietcombank cũng khó chọn đối tác chiến lược nước ngoài bởi mức giá phát hành lần đầu là khi thị trường tăng không bình thường, và không có đối tác chiến lược nào chấp nhận.

Mức giá bán khiến cho doanh nghiệp không tìm được đối tác chiến lược, toàn thể cán bộ công nhân viên bị cảm thấy ngược đãi… thì liệu đó có phải là một quá trình cổ phần hóa thành công không?

Tôi cũng xin nói thêm, nguồn thu của Nhà nước không nên chỉ nhìn vào số tiền từ bán cổ phiếu lần đầu. Điều quan trọng hơn là quá trình bán cổ phần phải hỗ trợ động lực cho toàn thể cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp, giúp họ tìm được đối tác để đổi mới quản lý, công nghệ, tăng sức cạnh tranh… và điều này sẽ đem lại những nguồn thu lớn hơn nhiều cho Nhà nước trong những năm tiếp theo.

Tất nhiên, nếu chỉ nhìn vào số tiền bán được trước mắt cũng là một cách. Vấn đề là Chính phủ và các cơ quan khác sẽ chọn phương án nào mà thôi.

MobiFone và VinaPhone là 2 doanh nghiệp đem lại lợi nhuận chủ yếu cho VNPT. Ông đánh giá thế nào về phương án sáp nhập 2 mạng MobiFone và VinaPhone để tránh phải thoái vốn xuống còn 20% tại một trong 2“mỏ vàng” của mình?

Đứng ở góc độ lợi ích của VNPT thì điều này cũng dễ hiểu thôi. Tuy nhiên, vấn đề là đứng trên góc độ lợi ích của ai để hành động. Hiện nay, thị trường thông tin di động đang ở thế chân vạc: Viettel – MobiFone – VinaPhone. Nếu sáp nhập MobiFone và VinaPhone thì sẽ tạo ra một công ty có thị phần tới 50-60% và có hại cho cạnh tranh, kéo theo có hại cho lợi ích của người tiêu dùng.

Cũng chính vì thế mới phải có Luật để bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy mạnh hơn nữa cạnh tranh. Tại các nước khác, khi một công ty viễn thông chiếm thị phần quá lớn trên thị trường, Chính phủ còn buộc họ phải chia ra thành các công ty nhỏ hơn để thúc đẩy cạnh tranh, mà Hãng viễn thông AT&T ở Mỹ là một ví dụ. Đây là điều nên làm vì lợi ích chung, chứ không thể theo lợi ích riêng mà nhập các công ty lại với nhau được.

Theo Hoàng Ly
VNExpess


phuongmai

Trở lên trên