MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SCIC thường thoái vốn theo cách nào?

Chọn cổ đông lớn hiện hữu, chọn người muốn mua, tổ chức bán đấu giá cổ phần hay đơn thuần là rao bán trên thị trường...đều đã từng được SCIC sử dụng khi thoái vốn khỏi doanh nghiệp.

SCIC được duyệt đề án tái cơ cấu, việc tổ chức này phải thoái vốn tại 376 doanh nghiệp tốn nhiều giấy mực truyền thông. SCIC sẽ thoái vốn theo cách gì? Thoả thuận, khớp lệnh hay bán đấu giá hay phương án nào khác? Những câu hỏi đó cần chờ thời gian để giải đáp.

Một số ý kiến trả lời truyền thông gần đây cho rằng, SCIC chủ yếu thoái vốn bằng phương pháp thoả thuận và không gây ảnh hưởng đến cung, cầu cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Bài viết này của chúng tôi thống kê một số trường hợp SCIC đã thoái vốn trong quá khứ để nhà đầu tư dễ "đoán" được cách thoái vốn của tổ chức này.

SCIC không có thói quen thoái vốn nào đáng kể

Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP): Mới gần đây, hồi đầu tháng 10 năm nay, SCIC đã đăng ký bán 264.960 cổ phiếu BMP. Tuy nhiên, công ty chỉ bán được gần 40.000 cổ phiếu bởi lý do thị trường không đạt được mức giá kỳ vọng. SCIC vẫn còn nắm giữ hơn 13,4 triệu cổ phiếu BMP.

Hay như trường hợp SCIC thoái vốn tại Muối Khánh Hòa (KSC) hồi tháng 8 năm nay cũng đã từng tốn giấy mực truyền thông. "Ông lớn" SCIC là cổ đông lớn nhất của KSC với tỷ lệ sở hữu trên 33% nhưng đã thoái vốn NGAY TRƯỚC khi KSC công bố tin chốt quyền trả cổ tức. 70 nhà đầu tư đã may mắn nhận chuyển nhượng được lượng cổ phần này trước thềm chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền 24%.

Hay như trong đợt SCIC thoái vốn khỏi Bao bì Nhựa Tân Tiến (TTP) đã được thực hiện bằng phương thức thỏa thuận khá dễ dàng. Việc thoái vốn thực hiện trong vòng vài ngày kể từ khi công bố. Tuy SCIC không công bố đối tác nhận chuyển nhượng nhưng không lâu sau đó, TTP công bố các cổ đông lớn mới. Nhiều khả năng, các cổ đông lớn này đã nhận chuyển nhượng từ SCIC.

Còn công cuộc thoái vốn của SCIC tại CMV (Thương nghiệp Cà Mau) có phần "vất vả" hơn. SCIC tìm được đối tác để thoái hơn 24% vốn tại CMV là PV Oil-một cổ đông lớn hiện hữu của CMV-nhưng cuối cùng thương vụ không thực hiện được do vấn đề công nợ giữa SCIC và CMV chưa được giải quyết dứt điểm.

Một trường hợp thoái vốn khá nhanh chóng khác của SCIC là tại Thuỷ sản Cà Mau (CMX).  Công ty cổ phần Bitexco Nam Long và Công ty cổ phần vốn thiên niên kỷ không phải là cổ đông hiện hữu của CMX nhưng đã rót lượng tiền lớn ôm lại hơn 43% vốn của CMX từ SCIC.

Một thương vụ có thể coi là rất thành công của SCIC là đợt thoái vốn khỏi FBT ( Lâm thủy sản Bến tre). Hùng Vương (HVG) muốn mua vào và SCIC đã may mắn thoái được hơn 4.92 triệu cổ phiếu tương đương tỷ lệ 32,83% với giá không thấp hơn 10.600 đồng/CP-cao hơn thị giá tại cùng thời điểm rất nhiều.

Một hình thức quen thuộc và chiếm tỷ trọng khá cao trong các bản tin đăng ký bán vốn của SCIC là hình thức bán đấu giá cổ phần. Việc này được tiến hành khá nhiều và website SCIC cũng thường xuyên đưa tin vấn đề đấu giá.

Có nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán

SCIC thường đầu tư vào doanh nghiệp từ những ngày đầu thành lập và rất lâu mới có kế hoạch thoái vốn. Có nhiều khoản đầu tư kéo dài hàng chục năm trời.

Việc "ăn chắc mặc bền" của SCIC vừa là điểm tốt cho doanh nghiệp vừa là một rào cản lớn với thanh khoản cổ phiếu. Với tỷ lệ sở hữu thường rất lớn của SCIC, mỗi lần doanh nghiệp muốn huy động vốn từ các cổ đông khác lại gặp vấn đề khá lớn. Dù doanh nghiệp hấp dẫn đến mấy nhưng khó nắm giữ cổ phần chi phối khi SCIC đã có mặt sẽ khiến các nhà đầu tư phải ra đi.

Việc SCIC thoái vốn khỏi 376 doanh nghiệp đến năm 2015 có lẽ là cơ hội hàng đầu cho các nhà đầu tư mong muốn nắm giữ cổ phần chi phối của một doanh nghiệp trong số này. Thường thì, để đạt được mục tiêu của mình, các tổ chức có ý định nêu trên sẽ đàm phán mua theo phương thức thỏa thuận và không ảnh hưởng đến thị giá trên thị trường chứng khoán.

Ngoài ra, như trên chúng tôi đã liệt kê, ngoài phương thức thỏa thuận thì SCIC cũng không ít lần thực hiện giao dịch bằng phương thức khớp lệnh. Phương thức này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung hàng trên thị trường chứng khoán và những nhà đầu tư quan tâm có thể dễ tiếp cận hơn.

Vậy là, SCIC không chỉ thoái vốn bằng thỏa thuận mà kết hợp rất nhiều cách thức khác nhau như khớp lệnh, thỏa thuận, bán đấu giá cổ phần...Trong trường hợp thỏa thuận, ông lớn SCIC cũng không chỉ tìm đến những cá nhân/tổ chức đang là cổ đông của doanh nghiệp mà có thể tìm những đơn vị chưa hề đầu tư vào doanh nghiệp mà SCIC thoái vốn.

Nguyễn Thanh

thanhhuong

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên