MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SHN và những con sóng lớn trên thị trường

SHN có lẽ là một trong những cổ phiếu mang đến cho nhà đầu tư trên thị trường nhiều cảm xúc nhất với những con sóng tăng, giảm hết sức "dữ dội", thậm chí có thời điểm giảm đến 99% giá trị.

Niêm yết vào cuối năm 2009 khi thị trường xuất hiện con sóng đầu cơ lớn, cổ phiếu SHN của CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (Hanic) đã mau chóng thu hút sự chú ý của giới đầu tư thời điểm đó cùng với PVX, PVA, VCG, BVS…. khi tăng giá rất mạnh và thanh khoản luôn nằm trong top đầu HNX.

Đó cũng là giai đoạn “hoàng kim” của Hanic khi công ty ghi nhận LNST kỷ lục 33 tỷ đồng trong năm 2010, kéo theo thị giá cổ phiếu SHN vượt ngưỡng 40.000đ.

Lao dốc từ năm 2011

Năm 2011 đánh dấu bước ngoạt của Hanic khi KQKD của doanh nghiệp đã ghi nhận mức lỗ 146 tỷ đồng. Đây là hệ quả của quá trình suy thoái thị trường BĐS, đặc biệt là việc Hanic “bị lừa” mất 238 tỷ đồng từ công ty Beta- BQP và điều này đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của Hanic.

Cũng từ đây, kết hợp với “sóng” cổ phiếu đầu cơ năm 2010 kết thúc, cổ phiếu SHN đã lao dốc không phanh từ mức đỉnh 41.000đ về 600đ, tương ứng với việc “bay hơi” 99% giá trị.

Tăng mạnh nhờ chuyển nhượng dự án

Sau nhiều quý liên tiếp ngập chìm trong thua lỗ thì bất ngờ vào cuối năm 2013, Hanic công bố có lãi dù con số chỉ là gần 10 tỷ đồng. Nguyên nhân của tín hiệu tích cực này đến từ việc Hanic chuyển nhượng quyền theo đuổi dự án cho công ty TNHH Đầu tư Dubai Capital và GP Fund.

Việc có lãi trở lại sau 2 năm thua lỗ đã giúp SHN nổi sóng trên thị trường khi chỉ trong khoảng 3 tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014, cổ phiếu công ty đã tăng từ dưới 1.000đ lên 7.400đ. Đây là con sóng đáng chú ý đầu tiên của SHN sau giai đoạn lao dốc mạnh trước đó.

Tuy nhiên, con sóng này cũng chẳng kéo dài được lâu vì về cơ bản, hoạt động kinh doanh Hanic không có cải thiện nào đáng kể, việc có lãi đến từ chuyển nhượng dự án và ngay sau đó khi không còn lợi nhuận đột biến từ chuyển nhượng, Hanic đã trở về guồng quay lỗ. Năm 2014, Hanic lỗ đến 77 tỷ đồng và cổ phiếu SHN lại quay về xu thế giảm giá.

Sự trở lại của SHN?

Thời gian gần đây, SHN đang “gây bão” trên thị trường với những phiên tăng điểm chóng mặt. Kể từ phiên 7/4/2015 tới 11/6/2015, tức chỉ hơn 2 tháng, SHN đã phi một mạch từ 2.500đ lên 21.500đ. Đây là mức tăng giá không thể tin nổi nếu nhìn vào báo cáo tài chính bết bát của Hanic.

Tại thời điểm cuối quý 1, lỗ lũy kế của Hanic đạt 321,6 tỷ đồng, xấp xỉ vốn điều lệ của công ty tại cùng thời điểm. Trong cơ cấu tài sản công ty, khoản đầu tư tài chính cho công ty Beta BQP vay chiếm 238 tỷ đồng, xấp xỉ tổng tài sản 242 tỷ đông của công ty.

Khi mà nhà đầu tư chưa thể hiểu “SHN tăng vì lý do gì?” thì những thông tin tích cực với Hanic đã lộ diện. Đầu tiên có thể kể tới việc 27 chủ nợ, trong đó có các chủ nợ lớn như LienViet postbank đã chấp nhận phương án cấn trừ công nợ bằng cổ phiếu. Việc cấn trừ công nợ trước mắt sẽ giúp Hanic không còn lo về vấn nguồn tiền để trả nợ mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín hơn.

Nhưng đó không phải tất cả, thông tin đáng chú ý nhất với Hanic đến từ việc Gelexmico và CTCP Đầu tư tài chính An Bình (ABFG) quyết định đi đến hợp tác 3 bên với Hanic.

Hanic sẽ tiến hành phát hành riêng lẻ 95 triệu cổ phần, tương ứng 950 tỷ đồng cho các đối tác chiến lược. Trong đó Geleximco cùng các cổ đông có liên quan sẽ tiến hành mua 46,5 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ Hanic với tổng giá trị 465 tỷ đồng.

Việc xuất hiện đối tác tên tuổi như Geleximco sẽ khiến nguồn tài chính của Hanic tăng lên, đảm bảo cho hoạt động của công ty. Chủ tịch Hanic cũng “úp mở” về kế hoạch lợi nhuận 70 tỷ đồng cho SHN trong năm 2015, tức cao hơn cả mức lợi nhuận kỷ lục trong năm 2010. Nếu những điều này là sự thực thì đây là một cuộc lột xác hoàn toàn của Hanic sau những năm dài chìm trong khó khăn.

Giá cổ phiếu trên TTCK được phản ánh bởi kỳ vọng vào hoạt động doanh nghiệp trong tương lai chứ không phải những kết quả trong quá khứ. Đây cũng là trường hợp của SHN khi kỳ vọng vào hoạt động tái cấu trúc đang là nguyên nhân chính khiến SHN có nhịp sóng tăng mạnh trên TTCK thời gian qua.

Tuy chưa thể khẳng định kết quả của quá trình tái cấu trúc sẽ đi đến đâu nhưng một lần nữa, SHN đang trở thành tâm điểm trên thị trường như những gì cổ phiếu này đã thể hiện trong giai đoạn 2010.

Biến động dữ dội của SHN kể từ khi niêm yết
Biến động "dữ dội" của SHN kể từ khi niêm yết

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên